Những con số cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang tác động thế nào đến thế giới
Nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ thúc đẩy 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Do đó, sự suy giảm đáng kể của nước này trong những tháng gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới, theo Bloomberg.
Các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị cho những tác động đối với nền kinh tế, khi họ nhập khẩu mọi thứ từ vật liệu xây dựng đến đồ điện tử của Trung Quốc. Caterpillar cho biết nhu cầu đối với máy móc sử dụng trên các công trường ở Trung Quốc đã thấp hơn so với dự đoán.
Nhà đầu tư toàn cầu đã rút hơn 10 tỷ USD khỏi TTCK, phần lớn là bán cổ phiếu blue chip. Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á cũng đang chịu tác động lớn, nhất là với hoạt động thương mại. Xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm vào tháng trước khi Trung Quốc giảm mua ô tô và chip.
Dẫu vậy, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc không hoàn toàn là tin xấu. Diễn biến ở đại lục sẽ khiến giá dầu đi xuống và tình trạng giảm phát của nước này sẽ giúp cước vận chuyển toàn thế giới sụt giảm. Ngoài ra, một số thị trường mới nổi như Ấn Độ cũng nhìn thấy cơ hội, kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc.
Nhìn chung, vì là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên đà suy thoái của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn cầu. IMF cho biết, nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1% thì tăng trưởng toàn cầu cũng tăng thêm 0,3%.
Dưới đây là những con số cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang có tác động thế nào đến các nền kinh tế và thị trường tài chính khác.
Hoạt động thương mại sụt giảm
Đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho mọi loại hàng hoá, từ linh kiện điện tử, thực phẩm cho đến kim loại và năng lượng.
Giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm suốt 9 trong 10 tháng qua, do nhu cầu đi xuống so với mức cao kỷ lục hồi đại dịch. Giá trị hàng hoá xuất khẩu từ châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng 7 đều thấp hơn so với 1 năm trước.
Châu Phi và châu Á là 2 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi giá trị nhập khẩu giảm hơn 14% trong 7 tháng đầu năm nay. Nguyên nhân một phần là do nhu cầu với đồ điện tử từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi giá thành các loại hàng hoá như nhiên liệu hoá thạch đi xuống cũng tác động đến cước vận chuyển đến Trung Quốc.
Hiện tại, khối lượng hàng hoá như quặng sắt hoặc đồng vận chuyển đến Trung Quốc vẫn tăng. Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh tế nước này vẫn giảm tốc, các chuyến hàng có thể bị ảnh hưởng và tác động đến những doanh nghiệp khai thác ở Úc, Nam Mỹ và các nơi khác trên thế giới.
Áp lực từ giảm phát
Giá sản xuất ở Trung Quốc đã giảm trong 10 tháng qua. Theo đó, chi phí vận chuyển hàng hoá từ nước này cũng đi xuống. Đây là tin mừng cho nhiều quốc gia đang phải chật vật với lạm phát cao.
Giá hàng hoá Trung Quốc tại các bến cảng của Mỹ cũng giảm trong năm nay và xu hướng này có thể tiếp diễn đến khi giá xuất xưởng ở Trung Quốc hồi phục. Các nhà kinh tế tại Wells Fargo ước tính, việc kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” có thể khiến lạm phát tiêu dùng của Mỹ năm 2025 giảm 0,7 điểm phần trăm xuống còn 1,4%.
Hoạt động du lịch hồi phục chậm chạp
Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn cho các loại dịch vụ, như du lịch và di chuyển, nhiều hơn là hàng hoá. Tuy nhiên, họ vẫn chưa ồ ạt đi du lịch nước ngoài.
Tác động từ đại dịch và nền kinh tế giảm tốc đã khiến người dân nước này ngại chi tiêu. Hơn nữa, thị trường bất động sản suy thoái kéo dài cũng khiến nhiều người không còn tự tin về khả năng tài chính.
Do đó, hoạt động du lịch nước ngoài có thể phải mất một thời gian dài để hồi phục về mức trước đại dịch. Xu hướng này đang ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào du lịch ở Đông Nam Á, như Thái Lan.
Ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ
Những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến đồng NDT giảm hơn 5% so với đồng USD và gần chạm mốc 7,3 trong tháng này. PBOC đã đưa ra các biện pháp để hỗ trợ đồng NDT, bao gồm cả việc ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, việc đồng NDT ở nước ngoài mất giá đang có tác động lớn hơn đến các đồng tiền tệ của châu Á, châu Mỹ Latinh, khối Trung và Đông Âu. Theo Barclays, đồng NDT yếu đi có thể gây áp lực cho các đồng tiền tệ như SGD, baht Thái và peso Mexico khi mối tương quan tăng lên.
Magdalena Polan, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô thị trường mới nổi tại PGIM Ltd, cho biết: “Trong bối cảnh hiện tại, rất khó để lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc và các đồng tiền tệ châu Á. Chúng tôi lo ngại hơn về các loại tiền tệ tiếp xúc với kim loại”.
Bà nói: “Đồng tiền tệ của các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng hóa, chẳng hạn như đồng peso của Chile và rand Nam Phi, bị ảnh hưởng”.
Trong khi đó, đồng AUD, thường được giao dịch với Trung Quốc, đã mất hơn 3% trong tháng này và là đồng tiền tệ yếu nhất trong nhóm G10.
Thị trường trái phiếu ảm đạm
Việc PBOC hạ lãi suất trong năm nay đã làm giảm sức hấp dẫn đối với trái phiếu của nước này. Các nhà đầu tư nước ngoài đang thanh lý bớt trái phiếu chính phủ Trung Quốc và tìm kiếm những lựa chọn thay thế trong khu vực.
Theo Bloomberg, lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài đang ở mức thấp nhất trên toàn bộ thị trường kể từ năm 2019. Các quỹ đầu tư đang lạc quan hơn với trái phiếu nội tệ của Hàn Quốc và Indonesia, khi các NHTW nước này gần kết thúc lộ trình tăng lãi suất.
Cổ phiếu của một số doanh nghiệp diễn biến tiêu cực
Các công ty từ Nike đến Caterpillar đều cho biết lợi nhuận sụt giảm do kinh tế Trung Quốc đi xuống. Chỉ số MSCI theo dõi các doanh nghiệp toàn cầu tiếp xúc nhiều nhất với Trung Quốc giảm 9,3% trong tháng này, gần gấp đôi so với mức giảm của MSCI World.
Trong khi đó, chỉ số theo dõi nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ châu Âu và hoạt động du lịch, giải trí của Thái Lan cũng sụt giảm. Các công ty sản xuất hàng xa xỉ như LVHN, Kering và Hermes đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khu nhu cầu của Trung Quốc thay đổi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận