Những cổ phiếu một thời…: LAF - Chật vật tìm lại chính mình
Dù niêm yết CP trên TTCK từ khá sớm, nhưng CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco, mã CK: LAF) đã không thể tận dụng lợi thế TTCK mang lại cho các doanh nghiệp niêm yết.
Không chỉ sa sút trong hoạt động sản xuất kinh doanh, LAF gần như “mất hút” trên TTCK, do CP nằm trong diện cảnh báo và không có thanh khoản.
Đỉnh cao và vực sâu
Tiền thân của LAF là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Long An, trực thuộc UBND tỉnh Long An, được thành lập năm 1985. Năm 1995, doanh nghiệp được thí điểm cổ phần hóa, là doanh nghiệp nhà nước thứ 4 tại khu vực ĐBSCL được cổ phần hóa.Đến năm 2000, LAF đưa CP lên niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 17.000 đồng/CP, trở thành 1 trong 10 mã CK đầu tiên niêm yết trên TTCK.
Là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên TTCK, LAF nhanh chóng trở thành “hàng nóng” và thiết lập đỉnh 82.500 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 25-6-2001. Sau đợt sóng này, LAF có thời gian khá dài giao dịch quanh mốc 20.000 đồng/CP. Đến năm 2007, cùng với đà tăng trưởng cực kỳ ấn tượng của TTCK, LAF có sóng tăng mạnh lên mức 52.500 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 12-12-2007.
Từ năm 2011, LAF bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn do nhận định sai về thị trường điều thế giới. Cụ thể, thời điểm đầu năm 2011, dù giá hạt điều thế giới đứng mức cao, nhưng LAF vẫn đi “nước cờ” mạo hiểm khi vay vốn ngân hàng để mua thêm nguyên liệu dự trữ. Thực tế, kế hoạch trữ nguyên liệu đã giúp LAF thắng lớn trong năm 2010 nhờ giá điều tăng mạnh cuối năm. Tuy nhiên, trái ngược với nhận định của LAF, giá điều bất ngờ sụt giảm mạnh cuối năm 2011.
Dù nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều lớn nhất cả nước, nhưng biến động bất thường về giá điều đã đẩy LAF ngấp nghé bờ vực phá sản. CP LAF cũng bị tác động tiêu cực từ kết quả kinh doanh, khi rơi xuống đáy chỉ còn hơn 3.000 đồng/CP trong năm 2012. Thậm chí, CP LAF có thể bị hủy niêm yết bắt buộc do nguy cơ lỗ vượt quá vốn điều lệ. Điều đáng nói, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng LAF vẫn duy trì được giao dịch khá tốt trên TTCK với trung bình hàng chục ngàn CP mỗi phiên.
Kỳ vọng bất thành
Khó khăn của LAF lại chính là cơ hội thâu tóm CP giá rẻ của những doanh nghiệp có chiến lược lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp. Một trong số đó là nhóm cổ đông đến từ CTCK Sài Gòn (SSI). Năm 2014, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quyết định thoái 23% vốn khỏi LAF, một thành viên của SSI là CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) đã nhanh chân gom toàn bộ số cổ phần này.
Sau đó, PAN chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho thành viên khác của SSI là CTCP Thực phẩm PAN (Pan Food). PAN Food tiếp tục các thương vụ “trao tay” CP từ các công ty thành viên khác của SSI, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 80,5% (tương đương 11,1 triệu CP).
Việc thâu tóm LAF của PAN nằm trong trong mục tiêu tạo ra hệ thống nền tảng trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, để từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị khép từ sản phẩm đầu vào đến đầu ra theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”.Với tham vọng và mô hình khá tương đồng với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của LAF, giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng về sự “lột xác” của doanh nghiệp này sau khi về tay chủ mới với tiềm lực tài chính mạnh. Thế nhưng, hoạt động sản xuất kinh doanh của LAF vẫn chưa có chuyển biến tích cực như kỳ vọng. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017, HĐQT của LAF đặt mục tiêu khắc phục số lỗ lũy kế phát sinh từ năm 2012, dự kiến đến năm 2018 sẽ xóa hết lỗ lũy kế.
Thực tế, LAF mới hoàn thành chỉ tiêu không để lỗ với lợi nhuận đạt 4 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 22,2% kế hoạch lợi nhuận. Tình hình càng bi đát hơn trong năm 2018 khi LAF bất ngờ báo lỗ 63,5 tỷ đồng.Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Tổng giám đốc LAF, nguyên nhân thua lỗ do giá xuất khẩu nhân điều các loại giảm trên toàn thế giới (giảm hơn 20%). Việc giá điều giảm sâu trong các tháng cuối năm so với giá vốn tồn kho đầu kỳ và giá mua nguyên liệu đầu vụ 2018 ở mức cao nhất trong 5 năm, là nguyên nhân làm cho lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm sâu khiến lợi nhuận âm.
Hạt điều chế biến xuất khẩu là sản phẩm truyền thống và chủ yếu của LAF, nên những biến động của thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
CP mất thanh khoản
Giải trình về nguyên nhân thua lỗ trong năm 2018 một lần nữa cho thấy HĐQT của LAF đã gần như bất lực trong các hoạt động dự báo giá điều trong tương lai. Vì lý do này, các giải pháp khắc phục HĐQT của LAF đưa ra cũng chỉ là những biện pháp chung, như giảm sản lượng chế biến điều thô từ nguyên liệu nhập khẩu; tăng sản lượng và tỷ trọng các sản phẩm phân khúc cao cấp, sản phẩm chế biến sâu; tập trung sắp xếp, đầu tư thiết bị, khép kín dây chuyền; cắt giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý, chi phí tài chính; tăng năng suất lao động.
Kết quả kinh doanh không như kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến LAF liên tục bị HOSE đưa vào “danh sách đen” để khuyến cáo NĐT. Cụ thể, năm 2013, LAF bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2012 âm 152 tỷ đồng. Cảnh báo này được duy trì đến tháng 3-2019, sau khi LAF bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2018 lên đến 105,3 tỷ đồng.Với quyết định này, LAF chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Mới đây, LAF được HOSE chuyển từ diện kiểm soát lên diện cảnh báo nhờ lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019 đạt 5,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng này chưa đủ để LAF lấy lại niềm tin của NĐT sau những cú sốc thua lỗ, đặc biệt là niềm tin về khả năng dự báo của lãnh đạo doanh nghiệp.Đây cũng chính là nguyên nhân khiến LAF mất thanh khoản với chỉ vài chục hoặc trăm CP được giao dịch mỗi phiên. Thậm chí có nhiều phiên giao dịch không có bất kỳ lệnh mua CP LAF nào được đẩy lên bảng điện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận