Những cổ phiếu bật tăng mạnh nhờ kỳ vọng vaccine
Kỳ vọng về hiệu quả triển khai vaccine trong thời gian tới, dù sự tác động lên nền kinh tế cần có thời gian để phản ánh rõ ràng hơn, sẽ có những ngành nghề, doanh nghiệp dự kiến phục hồi nhanh hơn nền kinh tế chung. Đồng thời, giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp có thể còn phản ứng sớm hơn trước những kỳ vọng mới này.
Kinh tế sẽ tăng tốc nhờ vaccine
Ngày 24-2 Việt Nam đã đón nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên với 117.000 liều. Với lộ trình nhập khẩu, sản xuất và tiêm chủng rộng rãi trong năm nay và xác định đối tượng ưu tiên rõ ràng, công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng hiệu quả. Theo đó, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng sẽ sớm được vận hành bình thường trở lại và có thể bước vào giai đoạn tăng tốc để bù đắp cho giai đoạn trì trệ trong năm 2020.
Thực tế, niềm tin và các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước đã dần tăng trở lại từ cuối năm 2020, ngay cả khi chưa có vaccine. Số liệu thống kê cho thấy chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng từ 51,3 điểm vào tháng 1-2021 lên 51,6 điểm trong tháng 2 vừa qua, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp nằm trên mốc 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục được mở rộng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới đây cũng cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 7,4% so với cùng kỳ, trong khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 18.100 với tổng số vốn đăng ký là 334.800 tỉ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp và tăng 52,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ở phía cầu tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904.500 tỉ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước.
Với những kỳ vọng về hiệu quả của việc triển khai tiêm vaccine trong thời gian tới, sẽ có những ngành nghề, doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn nền kinh tế chung, đồng thời giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp có thể còn phản ứng sớm hơn trước những kỳ vọng này.
Những cổ phiếu hưởng lợi?
Cổ phiếu HVN của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam đã tăng gần 5% trong phiên mở màn của tháng 3, tiếp nối mức tăng hơn 26% của tháng 2, đánh dấu chuỗi tăng điểm mạnh nhất trong gần một năm qua. Sau một năm 2020 đầy “đau đớn” khi ngành hàng không là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, và dù vẫn đang đối mặt với thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu HVN đang có những chuyển động khá tích cực từ đầu tháng 2 đến nay.
Chất xúc tác cho cổ phiếu HVN, bên cạnh kế hoạch đầu tư mới vào dự án sân bay Long Thành, hay có thể được cấp phép vận chuyển vaccine trong thời gian tới, việc vaccin đang được tiêm chủng rộng rãi tại nhiều quốc gia sẽ giúp nhu cầu đi lại bằng đường hàng không phục hồi, đặc biệt kể từ nửa cuối năm nay trở đi. Kế hoạch triển khai “hộ chiếu vaccine” cũng được kỳ vọng đưa cuộc sống trở lại bình thường và thúc đẩy các nước sớm nối lại các hoạt động di chuyển quốc tế.
Một cổ phiếu khác là AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco cũng đã tăng hơn 20% trong tháng 2 vừa qua. Với kỳ vọng nhiều chuyến bay được nối lại sẽ giúp việc tiêu thụ các hàng hóa, sản phẩm tại sân bay gia tăng trở lại. Hay như cổ phiếu SCS của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn gần đây cũng được Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) khuyến nghị mua với tổng mức sinh lời dự phóng gần 26%, nhờ kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ có sự đóng góp từ xử lý hàng hóa vaccin nhập khẩu vào Việt Nam.
Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 cùng với hàng không là dịch vụ du lịch cũng được kỳ vọng sẽ sớm phản ứng tích cực trước câu chuyện vaccine, bất chấp phân khúc du lịch quốc tế có lẽ chỉ sẽ được nối lại sớm nhất từ cuối năm nay.
Cổ phiếu VTD của CTCP Du lịch Vietourist - sau mức sụt giảm gần 70% trong năm 2020, đã có dấu hiệu tạo đáy vào cuối tháng 1 năm nay và bật tăng trở lại kể từ đó đến nay.
Cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cũng đã có đến bảy phiên tăng trần liên tiếp tính đến ngày 1-3, đánh dấu mức tăng đến 80% tính từ đầu tháng 2. Cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công cũng đã bất ngờ có phiên tăng trần trong ngày giao dịch đầu tháng 3, sau khi có lúc giảm hơn 25% trong tháng đầu năm.
Nhóm ngành khách sạn là một trong những nạn nhân lớn nhất không thể không nhắc đến trong đại dịch, cũng đang đứng trước cơ hội phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Cổ phiếu DAH của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á, một trong 10 cổ phiếu lao dốc mạnh nhất trong năm 2020 khi rớt từ mốc 18.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 7-2020 xuống chỉ còn 4.000 đồng/cổ phiếu cuối tháng 11-2020, tức mất hơn 79% trong vòng năm tháng, dường như cũng đã tìm thấy đáy quanh 3.500 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 2 vừa qua khi phục hồi hơn 20% kể từ đó đến nay.
Cổ phiếu NST của CTCP Ngân Sơn - thuộc nhóm ngành sản xuất đồ uống và thuốc lá, đứng thứ hai trong tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong năm vừa qua, do công ty chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên phải ngừng hoặc hoạt động cầm chừng ở một số mảng hoạt động, khiến lợi nhuận chỉ còn 980 triệu đồng, giảm hơn 93% so với năm 2019. Tuy nhiên, cổ phiếu này gần đây cũng đã có tín hiệu xác lập đà đi lên trở lại, với mức phục hồi gần 20% trong tháng 2 vừa qua.
Cổ phiếu CLC của CTCP Cát Lợi cũng thuộc nhóm ngành sản xuất đồ uống và thuốc lá, cũng đã có phiên tăng trần trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 3, nâng mức tăng trưởng lên 35% tính từ đầu tháng 2, dù lợi nhuận năm 2020 sụt giảm so với năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận