Những chiêu trò trên thị trường Futures
Từ chỗ khống chế gần như hoàn toàn các giao dịch trên thị trường hợp đồng tương lai chỉ số VN30 Index (thị trường Futures), các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đang dần thu nhỏ tỷ trọng, còn NĐT nước ngoài và khối tự doanh các công ty chứng khoán (CTCK) không giao dịch nhiều, nhưng đang có sự gia tăng đáng kể thị phần của các tổ chức trong nước.
Quy mô thị trường tăng mạnh
Futures khởi động ngày 10-8-2017, một dấu mốc quan trọng đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi có thêm một công cụ đầu tư/đầu cơ mới. Nhưng quan trọng hơn, thị trường này là một phần phải có đối với các TTCK phát triển, vì hình thành một công cụ phòng vệ lẫn đầu cơ cho các NĐT ở mọi điều kiện biến động. Nếu như trước đây mỗi khi thị trường giá xuống, NĐT chỉ có lựa chọn duy nhất là bán hết cổ phiếu (CP) và cầm tiền mặt, thì với Futures, NĐT có thể tìm kiếm lợi nhuận cả khi thị trường giảm, cũng như không cần phải bán hết CP vì đã có thể phòng vệ cho danh mục.
Tuy nhiên, một thị trường Futures muốn phát huy đầy đủ các tính năng cần một độ sâu (có thể hiểu là thanh khoản cực cao hàng ngày) nhất định để các NĐT lớn có khả năng giao dịch. Chẳng hạn khi muốn phòng vệ cho danh mục CP bằng cách bán (Short) khối lượng hàng ngàn hợp đồng, thì thị trường Futures phải có khả năng hấp thụ được khối lượng hợp đồng đó mà không bị ảnh hưởng quá nhiều đến giá. Chính vì vậy các thị trường Futures sơ khai thường không hấp dẫn các tổ chức đầu tư lớn, mà chỉ là sân chơi đầu cơ của các NĐT nhỏ.
Theo thống kê, đến tháng 9-2018, tức tròn 1 năm thị trường Futures vận hành, số tài khoản giao dịch đạt 50.956 tài khoản, nhưng 99% lượng giao dịch hàng ngày thuộc về các NĐT cá nhân. NĐT nước ngoài chỉ chiếm 0,22%, các tổ chức đầu tư trong nước, bao gồm cả khối tự doanh CTCK, chỉ chiếm 0,55%. Phiên thanh khoản duy nhất vượt 10.000 tỷ đồng giá trị danh nghĩa là ngày 30-5-2018.
Nhưng chỉ trong 2 năm kế tiếp, đến tháng 10-2020, quy mô thị trường Futures đã tăng trưởng vượt bậc. Số lượng tài khoản phái sinh được mở đã lên tới 154.116, tức gấp 3 lần thời điểm tháng 9-2018. Đặc biệt 10 tháng đầu năm 2020, số lượng tài khoản mới là 62.762, chiếm 61% số lượng tài khoản mới trong 2 năm gần nhất.
Số lượng tài khoản mới đầu tư Futures tăng vọt có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, trào lưu mở tài khoản đầu tư chứng khoán nói chung (đầu tư CP) cũng nở rộ trong năm 2020. Dịch Covid-19 và sự tăng trưởng của TTCK đã thu hút một lượng rất lớn NĐT mới. Với NĐT, Futures được xem như một phương thức đầu tư bình thường, nên khi mở tài khoản CP có thể mở luôn cả tài khoản Futures.
Thứ hai, sau 3 năm hoạt động thị trường Futures đã trở nên quen thuộc với cộng đồng NĐT, cũng như các kiến thức về giao dịch trên thị trường này được phổ cập. NĐT có thể dễ dàng tiếp cận và giao dịch mà không hề bị “khớp” như giai đoạn 1-2 năm đầu tiên.
Thứ ba, quan trọng nhất là sự tham gia của NĐT tổ chức. Thời gian đầu, tổ chức đầu tư chính trên thị trường Futures chỉ là khối tự doanh của những CTCK cung cấp dịch vụ này, và một số quỹ đầu tư ETF sử dụng Futures như một kênh phòng vệ trong các thời điểm tái cơ cấu danh mục chỉ số. Khi mức thanh khoản trên thị trường Futures gia tăng, các quỹ đầu tư hoặc tổ chức đầu tư khác đã có thể sử dụng chiến lược giao dịch năng động (đầu cơ ngắn hạn) và phòng vệ danh mục CP lớn, nên mức độ tham gia của các tay chơi lớn này cũng nhiều hơn. Thị trường Futures cũng đón nhận sự tham gia của các quỹ thành viên, các nhóm đầu tư quy mô lớn.
Một thống kê có thể thấy sự tăng trưởng quy mô thanh khoản của thị trường Futures: Năm 2019, khối lượng giao dịch bình quân khoảng 88.740 hợp đồng/phiên, tăng 12,6% so với năm 2018, thì 10 tháng đầu năm 2020, thanh khoản bình quân đã tăng gần gấp đôi 2019. Mức thanh khoản kỷ lục năm 2019 là 191.707 hợp đồng, chỉ còn là con số rất nhỏ so với kỷ lục 356.033 hợp đồng tại phiên ngày 29-7-2020.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (đơn vị vận hành thị trường Futures), mức tăng trưởng thanh khoản nói trên là con số mà nhiều thị trường phát triển từng phải mất nhiều năm mới đạt được. Như Sở Giao dịch Hợp đồng tương lai Đài Loan (TAIFEX) phải mất 13 năm, Sở Giao dịch chứng khoán phái sinh Thái Lan (TFEX) phải mất hơn 7 năm.
Đặc biệt, sự tham gia của các tổ chức đầu tư trong nước đang tăng trưởng rất nhanh. Nếu như thời điểm tháng 9-2019, tới 99% giao dịch Futures hàng ngày là của NĐT cá nhân, NĐT tổ chức (cả tự doanh), chỉ chiếm 0,55%, thì đến tháng 10-2020, giao dịch của tổ chức trong nước đã chiếm 13,45% và cá nhân chiếm 85,5%.
Nhiều chiêu trò phái sinh
Quy mô thị trường phái sinh càng lớn về lý thuyết tính hiệu quả càng cao. Một thị trường hiệu quả là giá phản ánh đầy đủ thông tin và khả năng thao túng rất thấp. Tuy nhiên, đối với thị trường Futures của Việt Nam, sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức đầu tư dường như lại khiến thị trường càng xuất hiện nhiều chiêu trò làm méo mó các giao dịch.
Hoạt động phòng vệ danh mục CP trên thị trường Futures không phải là vấn đề lớn, vì các tổ chức có nhu cầu này phần lớn giao dịch thụ động, hoặc chỉ ảnh hưởng một thời điểm (như đảo danh mục ETF). Còn thị phần tự doanh ở các CTCK cũng rất nhỏ, bình quân chỉ 1,41% trong 10 tháng đầu 2020. Song với các tay chơi lớn năng động nhất trên thị trường Futures hiện tại là các nhóm đầu cơ khác nhau hoạt động hàng ngày. Theo đó, các “đội lái” Futures có khả năng giao dịch quy mô lớn (có thể tới hàng ngàn hợp đồng) thông qua nhiều tài khoản.
NĐT có thể dễ dàng nhận thấy những biến động khác thường trên thị trường Futures như mức chênh lệch cơ sở (basis) rất rộng, theo cả hướng giá Futures cao hơn hay thấp hơn chỉ số VN30 Index. Phổ biến nhất trong thời gian gần đây là hiện tượng tích lũy vị thế trên thị trường Futures, sau đó kéo giá hoặc dìm giá chỉ số VN30 Index bằng cách sử dụng một nhóm CP lớn chi phối.
Nếu như khoảng 1 năm trước, các chiến lược thao túng này có chi phí quá cao do tiền thao túng chỉ số lớn hơn lợi nhuận vị thế Futures và có khi lỗ, thì hiện tại nhờ thanh khoản Futures đã đủ lớn để thực hiện một cách có lời (tăng quy mô vị thế Futures). Nhóm 10 CP lớn nhất chỉ số VN30 Index (chiếm tỷ trọng 59,34% chỉ số) rất dễ bị thao túng ở một thời điểm chớp nhoáng trong phiên giao dịch, nhằm tạo sự bùng nổ ở chỉ số theo hướng tăng hay giảm so với mốc kháng cự/hỗ trợ nhất định. Khác với thao túng giá CP mất nhiều ngày và có thể bị hệ thống giám sát truy vết, thao túng trên thị trường Futures chỉ diễn ra trong vài chục phút, và hoàn toàn mất dấu vết khi kết thúc phiên giao dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận