Những chiêu trò tiêu thụ hóa đơn đỏ trái phép giữa Thủ đô
Ngay gần trung tâm TP. Hà Nội, có một nơi thường được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán hóa đơn trái phép.
Bất chấp nhiều đường dây mua bán hoá đơn trái phép liên tiếp bị triệt phá, "chợ" hóa đơn đỏ tại đây vẫn tồn tại, âm thầm giao dịch từng ngày, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Giao dịch "hóa đơn đỏ" trái phép sát trụ sở công an
Theo phản ánh, khu vực trước cổng Ga Hà Nội, trên đường Lê Duẩn (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) có một số người cung cấp dịch vụ mua bán hóa đơn trái phép. Chỉ cần có nhu cầu, người mua có thể dễ dàng mua được hóa đơn giá trị gia tăng có dấu đỏ. Đầu mối cung cấp đôi khi đơn giản chỉ là một người bán hàng hay lái xe ôm trên vỉa hè.
Đáng nói là theo nhiều người dân phản ánh, tình trạng trên đã diễn ra trong thời gian dài, các đầu mối tiêu thụ hóa đơn hoạt động gần trụ sở Công an phường Cửa Nam khoảng chừng 100m mà không bị phát giác.
Để xác thực thông tin này, trong vai một người có nhu cầu tìm mua hóa đơn, phóng viên đã đến khu vực trước của Ga Hà Nội, gặp một người phụ nữ khoảng ngoài 60 tuổi ngồi bán trà mạn trên vỉa hè phố Lê Duẩn. Thực tế người này còn có "nghề tay trái" là cung cấp hóa đơn đỏ khi gặp khách có nhu cầu.
“Ở đây bán 250.000 đồng/tờ, hóa đơn giá trị gia tăng viết thoải mái. Có dấu hết rồi, chỉ việc viết số tiền vào thôi" - bà lão bán trà mạn - “cò" buôn hóa đơn cho hay.
Để che mắt lực lượng chức năng, "hóa đơn đỏ" sẽ không có sẵn tại "chợ" này. Thông thường, khách phải chốt giá và số lượng xong thì "cò" mới lập tức gọi người mang hàng tới. Chúng tôi nhận được tờ hóa đơn với "dấu đỏ" đúng như quảng cáo. Trên tờ hoá đơn giá trị gia tăng ghi rõ tên công ty xuất hóa đơn là Công ty TNHH Dịch vụ Minh Trang, địa chỉ nằm tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Liêm, Hà Nội.
Trên tờ hoá đơn đã có sẵn tên giám đốc, cùng chữ ký, dấu đỏ của công ty xuất hoá đơn và để trống thông tin người khai, số tiền. Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngờ, "cò" bán hóa đơn đỏ cam kết đảm bảo về nguồn gốc của số hóa đơn.
"Lo cái gì mà lo, hàng "sống" chứ hàng "chết" đâu mà lo. Check trên mạng có mã số thuế của nó hết mà. Sợ cái gì" - một "cò" bán hoá đơn cho hay.
Thậm chí, những người này còn quảng cáo nếu mua về không thích, cần lấy thêm hóa đơn của công ty khác thì cũng luôn sẵn sàng có hàng.
Phóng viên cũng đến khu vực ngã ba Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo trước cửa Ga Hà Nội, hỏi một người đàn ông làm nghề lái xe ôm, chạc 50 tuổi. Người này hỏi chúng tôi muốn mua bao nhiêu hóa đơn để gọi người mang hoá đơn tới.
Theo lời quảng cáo, hóa đơn được rao bán có thể sử dụng với đủ loại mục đích từ khách sạn, nhà nghỉ, tiếp khách, hóa đơn tiêu dùng, mua bán văn phòng phẩm, nguyên vật liệu... và "muốn viết bao nhiêu tiền vào cũng được".
Những cuộc trao đổi, mua bán hóa đơn trái phép như trên vẫn diễn ra từng ngày, ngay trước cổng Ga Hà Nội. Chỉ cần có tiền, dù không có bất cứ giao dịch thật nào, vẫn có thể có hóa đơn đỏ trên tay.
Chiêu thức “công ty ma"
Để tìm hiểu rõ hơn về công ty có tên trên tờ hóa đơn mà "cò" đã bán - Công ty TNHH Dịch vụ Minh Trang, phóng viên đã tìm tới địa chỉ công ty ghi trên hoá đơn - phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Liêm.
Tuy nhiên, khi tới địa điểm này, chúng tôi lại không tìm thấy bất cứ công ty nào. Liên hệ số điện thoại của công ty, phía đầu dây bên kia vẫn xác nhận trụ sở công ty tại đó. Thậm chí, người này còn cho biết đã phân phối hóa đơn đi rất nhiều nơi và không thể nhớ cụ thể đã phân phối cho bao nhiêu đầu mối.
Ngày 3.6, trao đổi với Lao Động về nội dung này, trung tá Mai Hồ Bắc - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, trước đây tại khu vực Ga Hà Nội, cơ quan chức năng đã xử lý việc mua bán trái phép các hóa đơn thông thường, mua bán cuống vé.
Khi phóng viên đặt vấn đề về tình trạng mua bán hóa đơn đỏ giá trị gia tăng tại khu vực trước cổng Ga Hà Nội đã diễn ra từ lâu, trung tá Mai Hồ Bắc lại cho rằng, gần đây mới ghi nhận có sự việc này.
Theo trung tá Mai Hồ Bắc, qua thực tiễn điều tra, chiêu thức "công ty ma" thường xuyên được sử dụng và "có những công ty không có thật, được lập ra chỉ nhằm mục đích thực hiện hành vi mua bán hóa đơn, để lắp vào những hàng hóa không có thật hoặc những hàng hóa không rõ nguồn gốc".
Cầm trên tay những tờ hóa đơn mà các đối tượng ở trước khu vực cửa Ga Hà Nội rao bán do PV cung cấp, trung tá Mai Hồ Bắc nói chưa thể khẳng định nhưng nhìn bề ngoài, những hóa đơn này đã có những điểm đáng ngờ về dấu, chữ ký và cả những hóa đơn trắng đi kèm.
"Lập doanh nghiệp nhưng không có phát sinh về hàng hóa, doanh thu, mua bán hóa đơn để giảm số thuế phải nộp hay tăng số thuế được hoàn - đó là hành vi mua bán trái trái phép" - trung tá Bắc nói.
Tuy nhiên, Đội trưởng Đội cảnh sát Kinh tế (Công an quận Hoàn Kiếm) cũng cho rằng, đang có những khó khăn trong việc xử lý hành vi này.
"Phải chứng minh được việc hưởng lợi. Mở rộng từ việc mua bán hóa đơn sẽ là có hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi vào cuộc xử lý thì một số công ty mua bán hóa đơn lại có động thái xin kê khai lại thuế. Việc chứng minh con số cụ thể là khó khăn" - trung tá Mai Hồ Bắc nói.
Phía Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết sẽ xác minh thông tin Báo Lao Động phản ánh và xử lý vụ việc.
Trên thực tế, trong các vụ mua bán hóa đơn trái phép, sự biến ảo của các công ty xuất hóa đơn đang trở thành một chiêu thức đặc trưng.
Mới đây, ngày 30.5, tại Thanh Hóa, một đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị lên tới trên 2.000 tỉ đồng vừa bị triệt phá. 8 đối tượng trong đường dây này đã lập hàng chục công ty ma để thực hiện hành vi của mình. Trong khoảng 10 tháng, các đối tượng đã phát hành và bán gần 5.000 chứng từ hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu lời bất chính hơn 200 tỉ đồng.
Tình trạng mua bán hóa đơn trái phép vẫn diễn ra công khai như vậy trong suốt một thời gian dài. Với tính chất, quy mô ngày càng chuyên nghiệp, các đối tượng phạm tội đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận