Những cảnh tượng hiếm thấy trong bến xe ở Hà Nội ngày 30 Tết
Không như mọi năm, hành khách thường đổ dồn về các bến xe trong ngày cuối cùng của năm cũ, năm nay, hầu như tất cả các bến xe ở Hà Nội đều trong tình trạng vắng lặng một cách hiếm thấy trong ngày 30 Tết.
So với Tết Kỷ Hợi 2019, kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 năm nay ngắn hơn tới 2 ngày. Tuy nhiên, dòng người rời Hà Nội về quê đón Tết năm nay dường như dịch chuyển và kết thúc sớm hơn so với mọi năm. Bằng chứng là hôm nay (24/1, tức 30 Tết) cũng là ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, hầu hết các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội đều đã rơi vào tình trạng vắng lặng một cách hiếm thấy.
Cảnh tượng đìu hiu ở cổng ra bến xe Ngước Ngầm trong ngày 30 Tết (Ảnh: Quý Nguyễn)
Có một bến xe Nước Ngầm rất khác lạ…
Tại bến xe Nước Ngầm, nơi vẫn được coi là đông đúc và nhộn nhịp nhất trong các bến xe ở Hà Nội, chiều 30 Tết vắng khách lạ thường. Tại cổng chính vào bến ở mặt đường Ngọc Hồi chỉ còn lác đác vài chiếc xe ôm đứng lêu hêu đợi khách. Một nam xe ôm mặc đồng phục Grab, đi chiếc xe máy màu trắng đứng một mình trước cổng vào với vẻ khá hở hững.
Những vị khách hiếm hoi cập bến Nước Ngầm trong ngày cuối cùng năm Kỷ Hợi (Ảnh: Quý Nguyễn)
Từ trong bến xe, một nữ hành khách với chiếc ba lô nhỏ trên vai đi ra, anh xe ôm công nghệ ra dấu mời đi xe đúng một lần. Rồi cũng chẳng chờ vị khách kia đáp lại, anh ta tiếp tục vùi mặt vào chiếc điện thoại trên tay. Ngoảnh mặt quay đi, cô gái trẻ tiến đến người thân đứng đợi sẵn cùng chiếc xe ga màu trắng, cả 2 lên xe rồi lẳng lặng rời bến. Một làn gió lạnh lùa tới càng làm cho không gian trở nên tĩnh lặng, buồn tẻ.
Dịch chuyển về phía trước một đoạn nơi cổng ra gần nút giao Pháp Vân cũng không cho thấy sự sôi động hơn. Từ trong bến, 3 hành khách lững thững bước ra với ba lô, túi xác và va li khá lớn. 2 nam xe ôm đội mũ có logo Grab chờ sẵn ở cửa. Lần này họ mời chào nhiệt tình hơn nhưng cả 3 vị khách đều từ chối. Không giống như sự vồ vập, săn đón hàng ngày, 2 nam xe ôm nhanh chóng bỏ cuộc rồi bỏ đi để lại cánh cổng bến xe lại trở về tình trạng vắng lặng như cũ.
Vào bên trong bến xe, cảnh tượng càng trở nên đìu hiu hơn. Một khoảng không rộng lớn mênh mông được tạo ra trong bãi đỗ xe khi hầu hết các phương tiện đều đã dời đi hoặc đang trên đường chở khách. Lác đác chiếc xe khách đứng lạc lõng trong bến chờ xếp đủ khách để lên đường. Tại khu vực bán vé, nhiều quầy vé đã ngừng hoạt động chỉ còn lác đác một vài quầy có người nhưng cũng chẳng thấy có khách nào đến hỏi mua vé.
Có lẽ họ cũng cố ngồi đến hết giờ làm việc rồi dọn dẹp về với gia đình. Trên hàng ghế băng dành cho khách chờ xe, 3 vị khách ngồi gần như bất động. Chẳng ai nhìn ai cũng không người nào nói chuyện với người nào, thao tác duy nhất của họ là dán mắt vào chiếc điện thoại di động trên tay vu vơ đọc điều gì đó. Thông báo giờ xe chạy vang lên, cả 4 người đứng dậy, lững thững di chuyển ra ngoài bãi đỗ xe. Trông họ chẳng có gì là vội vã cả.
Cũng đúng thôi, cả năm có mấy ngày Tết, ai mà không muốn về sớm với gia đình, người thân. Còn họ, chắc vì những lí do nào đó bất khả kháng mới phải đi chuyến xe muộn này. Mà đã xác định về muộn, thì có điều gì phải vội vàng…
Nhiều nhà xe vẫn “nhờn luật”
Không chỉ riêng bến xe Nước Ngầm, các bến xe khác như Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa… đều có chung một khung cảnh tương tự. Nhiều nhà xe đã chuẩn bị sẵn phương tiện đứng đợi trong bến. Đây là những chiếc xe cuối cùng trong năm Kỷ Hợi trước khi thời khắc năm mới gõ cửa.
Trái ngược với những ngày trước đó, bây giờ tâm trạng bồn chồn, lo lắng lại thuộc về những nhà xe. Họ mong ngóng từng hành khách một, phần vì mong sao có đủ số khách cho hành trình cuối để chống “lỗ”, phần khác cũng mong sớm hoàn thành nhiệm vụ của mình để về với người thân, những người đã chuẩn bị sẵn mâm cơm Tết niên đợi họ.
Một số nhà xe khác, có lẽ bởi vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi trong bến, đã “mạnh dạn” lao ra ngoài đường đứng vợt khách. Điển hình là 3 chiếc xe khách mang BKS: 36B - 025.78 của nhà xe Tùng Lâm; xe khách mang BKS: 18B - 010.11 chạy tuyến Hà Nội - Nam Định và xe khách mang BKS: 35B - 000.91 chạy tuyến Hà Nội - Ninh Bình.
Trong suốt gần 30 phút, 3 chiếc xe này đứng bắt khách ngay trước cổng bến xe Giáp Bát một cách rất thảnh nhiên như thể đó là bến xe riêng của họ. Thậm chí, hai chiếc xe khách biến số Ninh Bình và Nam Định còn “rủ nhau” ghé vào trạm dừng xe buýt để “vợt” khách cho tiện. Hành vi ngang ngược này đương nhiên không bị bất cứ cơ quan chức năng nào xử phạt bởi tìm mỏi mắt cũng không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng có mặt tại đây.
Ngoài các bến xe, tất cả các trục đường chính nối với cửa ngõ Thủ đô như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng… đều thông thoáng một cách khó tin.
Kể cả tại những nút giao có đèn tín hiệu giao thông, tìn trạng ùn ứ cũng không xuất hiện, các phương tiện thoải mái di chuyển trên đường, không gian trở nên thoáng đãng và không khí thanh bình hơn bao giờ hết. Có lẽ bởi vậy, tình trạng người dân vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn… cũng trở nên phổ biến hơn.
Sáng 24/1 (tức 30 Tết), Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã tới kiểm tra công tác phục vụ Nhân dân, hành khách tại một số bến xe trên địa bàn TP. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân, hành khách đi lại trong dịp Tết Canh Tý của các đơn vị bến cũng như DN vận tải của Hà Nội đồng thời lưu ý các bến xe phải đảm bảo đủ xe cho đến phút cuối cùng, không để người dân nào không về được quê đón Tết.
Đặc biệt, ông Vũ Văn Viện biểu dương tinh thần làm việc tận tụy trong thời điểm giáp Tết của các Đội Thanh tra GTVT các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông… đã đảm bảo đủ quân số ứng trực, vừa phối hợp phân làn, điều tiết giao thông, vừa tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong đợt cao điểm Tết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận