menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Tùng Thiện Pro

Những cạm bẫy chứng khoán: “Thính thơm” hay “mật ngọt”?

Đôi khi đọc một số bình luận hay phản biện, tôi chỉ muốn “điên tiết”. Bởi vì dù sao, tôi cũng đã mất một khoảng thời gian đáng kể để học và thực hành cho quen với chuẩn mực khi thảo luận. Nhưng suy cho cùng, sau đó, tôi nhìn họ giống như nạn nhân nhiều hơn. Dường như có quá nhiều nạn nhân trong một xã hội đâu cũng thấy “thính thơm”, hay “mật ngọt”. Khi đầu tư cũng vậy, bạn cần học cách nhìn nhận để tránh những cạm bẫy trên thị trường chứng khoán.

“Chết ba lần trên một dòng sông”

Thì thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy câu nói đó ở trên một vài group. Có lẽ bạn cũng vậy. Nhưng đây không phải là vấn đề của riêng ai. Nó chỉ khác nhau về tình huống và hoàn cảnh. Có thể không phải trong lĩnh vực chứng khoán. Thậm chí, trên một khía cạnh nào đó, nó phù hợp với quy luật trong tâm lý.

Thiếu cả kinh nghiệm và kiến thức?

Tại sao nói rằng “phù hợp với quy luật tâm lý” như đã nêu trên? Bởi vì có vẻ không ít nhà đầu tư thiếu cả kiến thức và kinh nghiệm? Do đó, chúng ta cần phải dựa vào “cái gì đó” để ra quyết định mua bán. Khi chúng ta thiếu cả kiến thức và cả kinh nghiệm, “cái gì đó”, tất nhiên, sẽ chỉ có thể đến từ “ai đó”, mà không phải từ chính nhà đầu tư.

Phổ biến, các sách và tài liệu đều đến từ Mỹ. Nhưng thị trường Việt Nam khác xa so với Mỹ. Những người tự nhận là “chuyên gia” mà bạn vẫn gặp thì dường như cũng tương tự. Họ thiếu cả kiến thức và cả thực hành. Thứ văn hoá, ngôn từ chủ yếu họ dùng là “đường phố”. Và những “bài ca muôn thuở” của họ bao giờ cũng kèm theo biệt thự, nhà lầu, và cả xe sang. Đó là trường hợp của Tuấn A7. Đây là tình huống đã nêu trong bài viết “Tuấn A7 cần phải bị khởi tố và điều tra hình sự?”.

Và trong rất nhiều trường hợp, bạn sẽ gặp những chuyên gia “thực chiến”. Tuy vậy, bạn đã biết về “thực chiến” hay “hùng hục chặt cây?”.

Thứ bạn cần không đơn thuần chỉ là kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư cổ phiếu. Bạn cần cả kiến thức và kinh nghiệm về công việc kinh doanh ngoài đời thực. Đó là nơi đầy rẫy những cạm bẫy. Và những cạm bẫy đó, chính xác, được đem vào để giăng khắp nơi trên thị trường chứng khoán.

Tại sao nhà đầu tư “dễ chết”?

Đầu tiên, ở phần trên, chúng ta biết rằng một nhà đầu tư đang cần đến “ai đó” để ra quyết định mua bán.

Đồng thời, những cạm bẫy chứng khoán “tinh tế”, khó nhận biết nhất thì hầu hết đến từ lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp. Hay nó có thể đến từ những người luôn “vỗ ngực nghìn tỷ”, hoặc tự xưng là “đại gia”. Sẽ trở nên “mật ngọt” hơn khi được kèm theo những lời nói “đầy tâm huyết”. Chính xác hơn, những cạm bẫy chứng khoán, mà không chỉ là trong chứng khoán, như thế đã được “bọc đường”.

Người “có địa vị xã hội” và vẻ bề ngoài giàu có đi “thả thính” thì liệu có “mấy ai không chết”?

Khác với vẻ bề ngoài hào nhoáng

Có thể một lúc nào đó, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về “Sự giàu có của các đại gia”. Khả năng cao, nó sẽ chẳng giống vẻ bề ngoài hào nhoáng và những tuyên bố của họ mà bạn vẫn nhìn hay nghe thấy. Đôi khi (hay phổ biến?), bạn chỉ nhận biết được con người thực khi đại gia … bị bắt, như ông Quyết, ông Dũng,… Đành rằng bản chất thực sự của vấn đề chưa hẳn như “báo đăng” chút nào. Giống như “HBC: Ông Phú lật kèo” vậy.

Tất nhiên, bạn dễ dàng nhận thấy câu nói “sự giàu có của các đại gia” được đặt trong ngoặc kép nêu trên. Đó là biến tướng của tiêu đề cuốn sách “Sự giàu có của các quốc gia”, mà tác giả là Adam Smith. Thì bạn cũng có thể rất dễ đoán rằng tôi đang nói theo nghĩa hài hước.

Một lần nữa, những phân tích trên hy vọng giúp bạn hiểu vì sao có vẻ không ít nhà đầu tư đã “chết ba lần trên một dòng sông”.

Vinfast và canh bạc tất tay

Tôi thực sự không muốn viết về cổ phiếu Vingroup hay Vinfast. Bởi vì chủ đề các bài viết tôi mong muốn chia sẻ thường mang tính điển hình. Nghĩa là hy vọng sẽ hữu ích hơn cho nhiều nhà đầu tư đến mức có thể. Trong khi Vinfast chưa niêm yết, còn VIC thì số lượng cổ phiếu giao dịch mỗi phiên cũng không quá lớn. Hơn nữa, để nhận biết thực sự vấn đề, nó đòi hỏi kiến thức không dễ hiểu. Người ta tối thiểu phải mổ xẻ sâu về tài chính và chiến lược kinh doanh. Nên tôi không có lý do đáng kể nào để viết về VIC hay Vinfast.

Tuy nhiên, khi tranh luận, có vẻ như Vingroup và Vinfast đang là hình mẫu đối với nhiều nhà đầu tư, bao gồm các bạn trẻ. Mặt khác, dường như đây là một trường hợp điển hình chứ không hề hiếm về “thính thơm”. Vì vậy, tôi nghĩ nên viết để nhà đầu tư có thêm cơ sở tham khảo.

Bài viết sẽ cố gắng tránh những thuật ngữ phức tạp giúp bạn đọc dễ dàng hình dung nhất.

Hiểu về canh bạc tất tay

Tất nhiên, không chỉ đơn thuần là trong lĩnh vực chứng khoán. Hiểu về canh bạc tất tay mà Vingroup đặt cả vào Vinfast sẽ giúp bạn hiểu rằng họ đang phải chịu áp lực vô cùng lớn. Dường như họ không có nhiều lựa chọn, nên phải tìm đến cả những “chiến thuật thả thính”. Có vẻ “giàu nhất Việt Nam”, “tỷ phú Đô la theo thứ hạng của Forbes” khiến người ta đang giống như “ngồi trên đống lửa” vậy? Chẳng có giải pháp nào khác là giữ và tăng giá cổ phiếu?

Nhưng, một lần nữa, ví dụ chỉ có tính điển hình. Vì dường như đó là áp lực của nhiều lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp. Tôi dám cá rằng không ít lãnh đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản đang như “ngồi trên đống lửa”. Do đó, bất động sản là lĩnh vực nguy hiểm nhất. Và vì vậy sẽ xuất hiện không hiếm tình huống sửa sai lầm lớn bằng một sai lầm nghiêm trọng hơn.

Khái niệm về canh bạc tất tay

Trong bài viết này, canh bạc tất tay được hiểu là: Nếu Vingroup “dồn tổng lực” cho Vinfast, đây là một quyết định quá rủi ro. Bởi vì trong trường hợp thất bại, dường như Vingroup sẽ “trắng tay”. Và một khi được thể hiện ở lỗ lớn, có lẽ không ít nhà đầu tư cũng đang đánh bạc theo. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn vấn đề ở những nội dung sau.

Hoạt động đa ngành hiếm thấy

Vingroup sở hữu một số lượng công ty con “đáng nể”, lên đến hàng trăm (1). Những công ty này hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực. Đây là tình huống mà người ta hiếm thấy ở các tập đoàn có thương hiệu lớn trên thế giới.

Các thương hiệu lớn đều đơn giản hoá

Có lẽ bạn đã đọc cả hai cuốn sách kinh điển của Jim Collins. Chúng bao gồm Xây dựng để trường tồn và Từ tốt đến vĩ đại. Mô hình các thương hiệu nổi tiếng thế giới thường đơn giản và chuyên sâu vào một lĩnh vực nào đó. Giống như khái niệm “Con nhím” mà ông dùng vậy. Chỉ duy nhất có một công ty “vĩ đại” tham gia vào đa ngành. Đó chính là Tập đoàn 3M. Tuy nhiên, đây là môi trường đầy tính sáng tạo.

Đồng thời, các công ty vĩ đại, trường tồn luôn định hướng vị trí số 1 hay số 2 trên thị trường. Nghĩa là họ sẽ bỏ qua mọi ngành nghề khác không hướng đến được mục tiêu này.

Hầu hết làm ăn bết bát

Ba trong số những công ty con chiếm lượng vốn lớn của Vingroup gồm Vinfast, Vinhomes, và Vinpearl. Hiệu quả cũng như đem lại lợi nhuận lớn nhất là Vinhomes. Trong đó, Vingroup kiểm soát khoảng 70% vốn góp của công ty này.

Hai trong số ba công ty còn lại nêu trên đều thua lỗ nặng. Năm 2021, Vinfast lỗ khoảng 23.000 tỷ (2). Đồng thời, Vinpearl lỗ trước thuế khoảng trên 10.000 tỷ.

Chúng ta biết rằng Vinhomes lãi rất lớn. Tuy nhiên, nó cũng không thể giúp Vingroup cải thiện đáng kể kết quả hoạt động kinh doanh. Chính xác hơn, thậm chí cũng không đủ để bù lỗ cho các công ty khác? Bạn cần lưu ý rằng khoản thu nhập từ hoạt động tài chính cũng đã tham gia “cứu” lỗ rất lớn cho tập đoàn (4). Hy vọng khoản doanh thu, lợi nhuận đó không phải là “món xào số liệu” mà người ta thường thấy.

Trông cậy cả vào Vinfast

Trước hết, ở tình trạng lỗ nặng như trên, “không ai cứu được”, mà chỉ có Vinfast tự cứu mình. Khi làm được như thế thì tình hình tài chính của Vingroup mới được cải thiện đáng kể. Và vì vậy, dường như tất cả các nỗ lực của Tập đoàn, bao gồm truyền thông, đều hướng cả vào Vinfast. Cái chìa khoá chiến lược đang nhắm vào xuất khẩu ô tô điện. Còn có “mở” được hay không lại là vấn đề khác.

Tuy nhiên, chiến lược đó dường như cũng là một sai lầm lớn. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Vinfast mắc sai lầm chiến lược tại Bắc Carolina? Bởi đến các “ông lớn” của Nhật cũng phải rất dè chừng về một thị trường cực kỳ khó tính. Họ phải mất 5 đến 6 năm mới có những bước đầu thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ.

Không còn đường lui?

Theo những thông tin hiện tại, tổng vốn đầu tư của dự án Vinfast vào khoảng trên dưới 4 tỷ USD. Nghĩa là khoảng trên 90.000 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của công ty ở mức 50.500 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup nắm giữ khoảng trên 51%.

Nói cách khác, có rủi ro đến mấy thì dường như cũng chẳng có đường lui. Bởi vì có lẽ “không còn cửa nào sáng hơn” được nữa.

“Nếm lại một vài mẻ thính thơm”

Kể ra, dùng ngôn từ thông tục của “chứng sỹ” có lẽ thú vị và dễ hiểu hơn.

Dù vậy, tôi không nên đưa ra kết luận nào về tương lai của VIC hay Vinfast. Đơn giản, tương lai không có gì chắc chắn. Dưới đây, chỉ điểm lại hai trong số các sự kiện có vẻ như là những “mẻ thính thơm”:

Dự án xe xăng

Vào khoảng những năm 2019 trở về trước, người ta cứ ngỡ Vinfast sẽ “nuốt chửng” thị trường xe xăng (5). Nhưng thay vào đó, dường như lại là một sự ngỡ ngàng khi xe xăng bị ngừng sản xuất.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ

Một thông tin khá “rầm rộ” nữa là Vinfast có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, một trong những tiêu chuẩn bắt buộc của Mỹ là lợi nhuận phải thoả mãn mức tối thiểu. Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn của NYSE đối với công ty nước ngoài (không phải công ty Mỹ), tổng lợi nhuận ba năm gần nhất phải từ 100 triệu USD trở lên. Khoản lợi nhuận này tương đương khoảng 2.300 tỷ VND. Trong đó, hai năm gần nhất mỗi năm phải có lợi nhuận lớn hơn hoặc bằng 25 triệu USD (6). Nghĩa là mỗi trong hai năm gần nhất lợi nhuận phải đạt từ xấp xỉ 600 tỷ VND trở lên.

Tuy nhiên, bạn vui lòng chấp nhận cách dùng ngôn từ thông tục khi đặt câu hỏi cho dễ hiểu: Để Vinfast có lợi nhuận, chắc phải đợi đến “mùa quýt”?

Nếu muốn xem thêm nhiều “mẻ thính” nữa từ Vinfast, bạn có thể sử dụng Google. Tôi dám cược là không thiếu.

Chẳng hạn, để phát hiện “thính thơm” trong bài viết này (7), bạn cần cả kiến thức chuyên sâu không đơn thuần chỉ là về chính trị. Nhiều nhà đầu tư tỏ vẻ khá tin tưởng về các tình huống “thả thính” như thế khi phản biện. Tôi thực sự không muốn bàn sâu về lĩnh vực này. Mặc dù vậy, có thể đưa ra nhận định rằng: Dường như chúng ta khá ngây thơ về chính trị. Thì đúng như thế, vẫn là những cạm bẫy trong chứng khoán nhưng không đơn thuần là về chứng khoán?

Vinfast cũng chỉ là một trong nhiều ví dụ

Tuy nhiên, Vinfast cũng chỉ là một ví dụ điển hình về “thính thơm”. Có không ít công ty đang “thả thính” cho nhà đầu tư. Nếu như Vingroup đang thực sự “tổng lực” cho Vinfast, dường như đây là một canh bạc lớn? Nếu không thể cứu vãn được Vinfast, người ta sợ rằng VIC sẽ tụt dốc không phanh. Khi nào? Có lẽ chỉ trong vòng một vài năm tới sẽ biết kết quả.

Nhưng đây có phải là một trường hợp cá biệt? Câu trả lời là không. Như chúng ta đã đề cập, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sửa sai lầm lớn bằng một sai lầm nghiêm trọng hơn.

Khi lãnh đạo doanh nghiệp “đánh bạc”, họ sẽ kéo nhiều nhà đầu tư “đánh bạc” theo. Nhưng để bạn “xuống tay” cùng, họ cần đến những cạm bẫy chứng khoán.

“Đỉnh cao” của tính … khôi hài

Lại nói về A7, mà thực ra, anh ta chẳng nên được nhắc đến một chút nào. Nếu buộc phải đưa ra lời nhận xét chân thực nhất, A7 chỉ là một “dân anh chị đường phố”. Nhưng nhiều người lại xem anh ta là “chuyên gia”, “cao nhân”, hay “bậc thầy”. Kể cũng lạ!

Kinh tế học hài hước

Đôi khi cũng thử đọc các bài viết “kiến thức vĩ mô” của A7. Không khó để nhận thấy đó là thứ kiến thức “vĩ mô hài hước”. Có hẳn một cuốn sách “Tâm lý học hài hước” đó bạn! Không tin sao? Bạn thử Google. Tất nhiên, một lần nữa, tôi chỉ mượn từ ngữ để làm nổi bật tính … khôi hài.

A7 đã … nhập quốc tịch Lào?

Tôi cũng đã đọc bài viết của A7 trên F247 với tiêu đề “Tin sốc! A7 chuyển sang Lào đánh chứng”. Nếu cảm nhận câu từ của bài viết, có vẻ anh ta đang khá “nghiêm túc”. Không ít bình luận khác cũng vậy, dường như là từ những “đệ tử”. Không biết các “học trò” của A7 thiếu kiến thức hay vì đang ôm L14, CEO, và DIG nên mới “té nước theo mưa”?

Nếu hiểu về sàn chứng khoán quốc tế, điều kiện tham gia chứng khoán Lào (quốc tịch), A7 “không có cửa nào” để “chuyển sang Lào đánh chứng”. Nói cách khác, sự dối trá đã được đẩy lên “đỉnh cao của tính … hài hước”.

“Dẫn đầu thế giới về cưa bom”!

Kể ra, lần đầu tiên được biết đến khái niệm “cưa bom”, tôi cứ nghĩ nó chỉ có ở Gala cười. Nhưng “khỉ thật”, nó đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bạn vẫn không tin? Hãy gõ cụm từ “làng cưa bom” lên Google. Hẳn rồi, Việt Nam cần phải có cái gì đó “đi đầu” hay “khác biệt”!

Hiếm ư? Không đâu, nó khá phổ biến, dù đó có là “những lời tâm huyết” từ “đại gia”, hay “mỹ miều” hơn là “doanh nhân” đi nữa. Cũng chỉ là “thính” và cạm bẫy chứng khoán.

Những tín hiệu sai lầm mới

Ở đây, chúng ta chỉ tạm thời đề cập riêng cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, nó có thể đúng cho mọi doanh nghiệp.

Sau khi bị điều chỉnh mạnh vào năm 2022, lĩnh vực bất động sản đã giảm rủi ro đáng kể. Nhưng đây vẫn là lĩnh vực mà không ít “đại gia” đang như ngồi trên đống lửa. Xin nhấn mạnh rằng “không ít” khác với “tất cả”.

Nếu như theo những gì tôi dự đoán, có vẻ họ đang chuẩn bị mắc những sai lầm tiếp theo. Thời điểm chốt để báo cáo tài chính doanh nghiệp, trong đó có lợi nhuận, đang đến gần. Họ chỉ còn khoảng chưa đầy một tháng nữa. Càng cuối năm thì càng “cuống” và dễ mắc sai lầm hơn. Nếu lỗ hoặc lãi quá thấp, cổ phiếu và tài sản của họ rất có thể sẽ gặp thảm hoạ mới.

“Bài ca muôn thuở” để thổi giá trong lĩnh vực bất động sản thường là các “dự án đầy tiềm năng”, “đếm tiền không xuể”, … Có vẻ “thơm” thật! Nhưng những người “truyền bá” tư tưởng như vậy đã sai cả về “giá trị doanh nghiệp” và cố tình bóp méo sự thật về các dự án bất động sản. Tương tự, không dễ dàng để nhận biết. Bạn sẽ cần đến cả kiến thức, hiểu biết về pháp luật và cả kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực này.

Nhưng dường như một số “đại gia” không còn lựa chọn. Để doanh nghiệp lỗ, lợi nhuận thấp hay mắc sai lầm mới thì kết quả cũng giống nhau? Dù vậy, chúng ta sẽ chờ xem đó là “mẻ thính” và những cạm bẫy chứng khoán gì.

Thực tế, có những lãnh đạo doanh nghiệp đã đánh bạc với cả trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn ông Nguyễn Văn Quyết và những “đại gia khác”, như ông Dũng – Tân Hoàng Minh, …

Thị trường chứng khoán vẫn thế

Nếu xem xét những tuyên bố và phân tích sâu về doanh nghiệp, có thể tin rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác nữa vẫn đang tiếp tục những canh bạc lớn. Vấn đề còn lại, nó chỉ ở dạng này hay dạng khác.

Tương tự, ở đâu trên thế giới này cũng vậy. Những cạm bẫy chứng khoán luôn hiện hữu. Tất nhiên, sẽ có sự khác biệt lớn về mức độ và mật độ. Nhưng giới hạn của một bài viết chỉ đề cập được một vài tình huống mang tính ví dụ.

Có lẽ, năm 2022, không ít nhà đầu tư đã rơi vào những tình huống khốn đốn, đôi khi “bay” cả nhà cửa. Hy vọng bạn tránh được và đầu tư theo cách an toàn, và hiệu quả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hoàng Tùng Thiện Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

25 Yêu thích
9 Bình luận 22 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại