24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thủy Tiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Những cái “được” của Covid-19 với doanh nghiệp địa ốc

Khi cả hai đợt sóng Covid-19 được khống chế cũng là lúc thích hợp để cùng nhìn lại tâm thế của các doanh nghiệp trong dịch và hướng tới giai đoạn bình thường mới.

Luôn kích hoạt chế độ “ON”

Đến những ngày đầu tháng 9 này, ông Nguyễn Việt Thung, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TMS Group mới có thời gian để ngồi tĩnh tâm nhìn lại chặng đường dịch dã đã qua.

Từ đầu năm nay, ngay sau những ngày nghỉ Tết Âm lịch là doanh nghiệp quay cuồng với việc giải quyết các tình huống, tình thế, từ hoạt động chống dịch, bảo đảm an toàn, đời sống cho cán bộ nhân viên đến sự đình trệ của thị trường và của các dự án, nỗi lo cạn kiệt dòng tiền…

Những cái “được” của Covid-19 với doanh nghiệp địa ốc

“Thiệt hại chung cho cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn, nhưng theo tôi, cũng từ khó khăn khách quan này mà các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn khả năng xuất hiện những rủi ro phi truyền thống để chuẩn bị các giải pháp phòng ngừa, hay quản trị hệ thống tốt hơn ngay trong giai đoạn mọi việc tưởng vẫn xuôi chèo, mát mái”, ông Thung tâm sự.

Xét về tổng quát, theo ông, Covid-19 làm thay đổi nhận thức toàn cầu, các quốc gia, mỗi doanh nghiệp cho đến người dân đều phải đánh giá lại công tác quản trị rủi ro cho mình, cho gia đình và cho các tổ chức mà mình là thành viên.

Nhưng quan trọng hơn, với các nỗ lực chống dịch thành công của đất nước, có thể cảm nhận rõ niềm tin vào chính quyền được tăng cường. Với cộng đồng doanh nghiệp, sau sự cố, doanh nghiệp nào trụ được thì sẽ đón nhận nhiều cơ hội khi thị trường “thông thoáng” hơn.

"Thực tế, trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, TMS Group vẫn hoạt động gần như bình thường. Khi đó, không bán hàng thì chúng tôi tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý Dự án, đào tạo nội bộ, tăng cường quản trị, nói cách khác là vẫn luôn kích hoạt chế độ ON cho toàn doanh nghiệp" - Ông Nguyễn Việt Thung, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TMS Group

Ở TMS Group, giai đoạn diễn ra dịch bệnh được xem là khoảng thời gian quý báu để thực hiện công tác cải tổ. Giải pháp ứng phó của TMS Group đó là sắp xếp, đánh giá lại thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, các chính sách, chi phí không phù hợp, chưa cần thiết thì cắt giảm để đảm bảo dòng tiền đầu tư và quá trình vận hành doanh nghiệp thông suốt.

“Cũng có yếu tố tích cực là dịch bệnh lần này giúp chúng tôi có nhiều thời gian sàng lọc và sắp xếp lại hệ thống", ông Thung nói và cho biết, các dự án của TMS đang được triển khai một cách thận trọng hơn, cấu trúc sản phẩm cũng được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn bình thường mới, thích hợp với suất đầu tư nhỏ hơn trong thời điểm mọi người đều muốn tích cốc phòng cơ. Ngoài ra, đó cũng là cơ hội để Công ty tìm kiếm thị trường mới.

Trước đó, từ tháng 1/2020, hay giai đoạn đang ăn Tết Âm lịch, khi nhận thấy dấu hiệu của đại dịch, TMS Group đã lên kế hoạch phòng thủ bằng cách cắt giảm chi phí, cơ cấu lại hoạt động đầu tư… Sự chủ động của TMS Group còn được thể hiện ở việc doanh nghiệp này đã sớm đưa ra các kế hoạch ứng phó trong ngắn, trung và dài hạn, có nhiều kịch bản khác nhau để đối phó, thậm chí cả trong trường hợp đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thúc đẩy thay đổi từ nội tại

Cũng là người nhìn về “cái được” của Covid-19, ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) nhận thấy, điều tích cực là trước một thách thức quá lớn luôn xuất hiện những giải pháp và nỗ lực lớn tương ứng để vượt qua.

Trong hoàn cảnh bình thường, mỗi cái mới phải “nâng lên đặt xuống” rất kỹ mới được áp dụng nên đôi khi lại bỏ qua cơ hội. Ứng phó với Covid, nhiều phương thức quản trị doanh nghiệp linh động, phương thức điều hành sản xuất rất mới được áp dụng và đến giai đoạn bình thường này vẫn chứng tỏ sự hiệu quả, hợp thời.

"Covid đã thúc đẩy các thay đổi trong nội tại doanh nghiệp, hình thành nên các thói quen mới có lợi và kích hoạt những khả năng tiềm ẩn trong mỗi người" - Ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc VIID

Phân tích trường hợp doanh nghiệp mình, ông Duy nhìn nhận, các ứng dụng số (app) giúp cho quy trình làm việc trở nên minh bạch hơn, cho phép nhìn lại quy trình điều hành, phê duyệt công việc, dự án thông suốt hơn. VIID đã thiết kế một quy trình công việc mới dựa trên nền tảng Microsoft Office 365.

Theo đó, mỗi nhân viên có tài khoản riêng, tự thiết kế quy trình làm việc và chạy việc theo quy trình đó. Thông tin truyền từ A sang B là một dòng thông tin, B chấp nhận thì đi tiếp, không thì trả lại. Ưu điểm của quy trình này là có thể thiết kế tùy biến và giúp các bộ phận nắm bắt được tình trạng công việc đang được thực hiện, giải quyết ra sao.

Theo ông Duy, hiện là thời điểm vàng để khai thác triệt để các phương thức quản trị hiện đại, hướng đến cách mạng công nghệ 4.0. "Ngay bản thân tôi, trước khi có dịch, thấy câu chuyện ‘4.0’ mơ hồ, phong trào lắm, vì chưa hình dung được sức mạnh của công nghệ", ông chia sẻ và nhìn nhận rằng, khi vào thế buộc phải áp dụng công nghệ, người ta sẽ phải để tâm hơn, tự học và nâng cao trình độ, rồi ứng dụng nó và thành quả có thể nhìn thấy ngay.

Chính vì vậy, Covid lần này còn giúp khai thác được cả những tiềm năng mà bản thân mỗi người, mỗi tổ chức chưa nhận ra lúc bình thường.

Sẵn sàng tâm lý sống chung với dịch

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land không giấu nổi cảm xúc khi nhìn lại câu chuyện ứng phó với Covid-19 sau 2 làn sóng vừa qua. Giai đoạn đầu, trước thách thức quá đột biến lại thêm giãn cách toàn quốc khiến cộng đồng doanh nghiệp thiệt hại quá lớn. Tuy nhiên, tâm thế đối mặt với làn sóng thứ 2 đã thay đổi nhiều, doanh nghiệp và cộng đồng đón nhận bình tĩnh hơn.

"Đa số doanh nghiệp bất động sản lớn đều đã có những kịch bản chủ động sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực tự thân, chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bên liên quan, nhất là về cơ chế, chính sách triển khai Dự án, vấn đề vốn đã rất trầm kha từ trước khi dịch Covid-19 diễn ra" - Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land

Riêng với Đại Phúc Land, giai đoạn diễn ra dịch bệnh cũng là lúc doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh các hoạt động nội bộ như nâng cao chất lượng quản trị, nhân sự, đưa ra các kế hoạch, kịch bản ứng phó với biến động thị trường.

Bà Hương phân tích, khi dịch bệnh thực sự được kiểm soát, thị trường bất động sản sẽ có sức bật mạnh như một chiếc lò xo bị nén. Nhiều doanh nghiệp khởi động trở lại, người dân cũng quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư, thị trường nhanh chóng ấm lên bởi nền tảng cơ bản về sức cầu ở thực và đầu tư của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn ở mức hàng đầu khu vực.

Thực tế, đầu tư vào bất động sản luôn phải nhìn nhận là đầu tư dài hạn, còn dịch bệnh chỉ là ngắn hạn. Giai đoạn nào nhu cầu nhà ở cũng luôn tồn tại và bất động sản không có khái niệm đóng băng, vì đây là nhu cầu thiết thực của mỗi người, chưa kể thói quen tích lũy tài sản bằng bất động sản, đất đai, nhà cửa vốn có tính truyền thống tại Việt Nam.

“Theo thăm dò của tôi thì có tới trên 50% số nhà đầu tư có nhu cầu quay trở lại với thị trường bất động sản ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, bà Hương cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả