Những 'cái bắt tay' tỷ USD
Trong 20 năm qua, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường. Đến năm 2030: Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra không vượt quá 1,2% GDPTăng sức cạnh tranh nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhiều thương vụ “đình đám”
Thống kê trong 20 năm qua cho thấy, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A. Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường.
M&A trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều được nhận định rằng sẽ tạo ra giá trị tăng thêm (giá trị cộng hưởng) nhờ giảm chi phí, mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới. Giá trị cộng hưởng có được từ mỗi thương vụ M&A sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh hiệu quả và giá trị doanh nghiệp sau M&A được nâng cao.
Một trong những thương vụ đình đám có thể kể đến là “cái bắt tay” tỷ USD giữa Tập đoàn Vingroup và Masan. Theo đó, vào cuối năm 2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã công bố thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo nội dung thỏa thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.
Một thương vụ M&A nổi đình nổi đám khác là giữa SK Group và Vingroup. Cụ thể, giữa năm 2019, Vingroup đã phát hành 154 triệu cổ phiếu cho SK Group của Hàn Quốc. Đồng thời, Vincommerce - một công ty con của Vingroup cũng chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu VIC cho SK Group. Ước tính, tập đoàn của Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup. Đây được xem là giao dịch M&A inbound lớn nhất trong năm 2019, chiếm hơn 10% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2019.
Trước đó, vào tháng 9/2018, SK Group cũng chi 470 triệu USD để mua lại 9,5% cổ phần của Masan Group, doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng trong nước. Trong thời gian ngắn, SK Group đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào hai doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam.
Tiềm năng thị trường M&A
Mặc dù vậy, trong bối cảnh mới, mục tiêu khi xác định một thương vụ M&A thành công thay đổi theo những yêu cầu, tầm nhìn của doanh nghiệp đang là bài toán cần lời giải. Tại Việt Nam, chuyển đổi mạnh mẽ ở lĩnh vực internet, công nghệ 4.0 đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng nhiều hơn. Riêng đối với thị trường M&A, internet vừa tạo điều kiện cho các thương vụ diễn ra thành công hơn, vừa là nền tảng tốt để đáp ứng nhu cầu xuyên biên giới và mở rộng thị trường toàn cầu.
Liên quan đến dự báo mô hình phục hồi của thị trường M&A trong giai đoạn 2021-2022, nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra những dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam. Tuy hầu hết dự báo đều thận trọng về sự hồi phục của thị trường M&A năm 2021 nhưng cũng cho thấy nhiều tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Theo ông Ong Tiong Hooi, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thương vụ và Thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam, cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay.
“Đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi, đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực năm 2021. Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19”, ông Ong Tiong Hooi nhận định.
Phân tích chi tiết về tác động của chính sách mới đối với thị trường M&A, TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ ra rằng, ba Bộ luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có 3 điểm quan trọng tác động đến thị trường M&A Việt Nam. Trong đó, Luật Doanh nghiệp nâng cao sự bảo vệ an toàn của người mua, ngôn ngữ của luật là nâng cao mức độ bảo vệ “cổ đông” - là người mua trong các thương vụ M&A.
Còn theo quy định Luật Đầu tư, Chính phủ cam kết thực hiện nghiêm chỉnh việc ban hành danh mục theo nguyên tắc loại trừ, những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư, hạn chế đầu tư (quy định rõ hạn chế gì, hình thức, quyền, sở hữu…). Để hỗ trợ, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán cũng có những quy định rõ ràng về giới hạn sở hữu nước ngoài. Tuy vấn đề này không mới nhưng rõ hơn rất nhiều và đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp chờ đợi nhất là danh mục cụ thể hơn trước đây.
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 và yếu tố căng thẳng thương mại toàn cầu, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép đã tạo được niềm tin cho thị trường M&A Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung. Tuy có nhiều hướng đi khác nhau nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhìn nhận, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư quay lại thị trường, nhất là thực hiện thương vụ M&A trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận