Những “bông hồng thời đại” đang tự thiết lập con đường kinh doanh riêng
Dù được thừa hưởng tố chất kinh doanh “nhà nòi”, hay tự thân lập nghiệp, các nữ doanh nhân đều đang tự thiết lập con đường riêng và xác định mục tiêu của cuộc đời phù hợp với thời đại.
Nỗ lực “thoát mác” ái nữ
Trong Lễ trao tặng Danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng Vàng” năm 2021, lần đầu tiên, CEO Nguyễn Ngọc Mỹ (Sylvia Nguyễn), Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, thuộc Tập đoàn Alphanam trở thành “bông hồng thời đại” trẻ nhất được xướng tên. Cô là nữ lãnh đạo trẻ nhất hiện nay của Tập đoàn, phụ trách phát triển các dự án bất động sản, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Có thể thấy, Nguyễn Ngọc Mỹ đang dần thoát khỏi mác “ái nữ nhà Alphanam” và chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trên hành trình phát triển bền vững của Tập đoàn. Dưới sự điều hành của Nguyễn Ngọc Mỹ, Alphanam đã hợp tác với những tập đoàn lớn trên thế giới như Marriott International, InterContinental Hotels Group, NIDEC, TOTO, KANSAI, FUJI Elevators...
Báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, những doanh nghiệp do nữ giới làm chủ và quản lý trong 5 năm qua đã đóng góp khoảng 45% vào GDP, tạo hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia hàng năm.
Người có ảnh hưởng lớn nhất đến Nguyễn Ngọc Mỹ chính là ông bố Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam. Thông qua nhiều cách thức khác nhau, ông đã giúp cô cứng cáp, mạnh mẽ và đủ khả năng gánh những trọng trách lớn hơn trên vai.
Gần đây, việc Nguyễn Ngọc Mỹ xuất hiện trên truyền thông sau khi đã chứng tỏ được thành tích đáng nể của mình với những dấu ấn riêng cho thấy, thế hệ kế cận của ông Nguyễn Tuấn Hải đã đủ tầm gánh vác công việc. Đây cũng là lúc cô thấy cần phải chia sẻ cởi mở hơn với mọi người cả về những khó khăn và những gì mình chưa biết, với quan điểm khi mình mạnh mẽ hơn, sẽ tiếp tục truyền năng lượng đó cho người khác.
Dù may mắn được sinh ra từ vạch đích và được gắn mác “ái nữ”, nhưng Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng, sự trưởng thành của mình không quá khác biệt so với mọi người và vẫn còn trên lộ trình phát triển.
Trong khi đó, Thảo Tiên (Tiên Nguyễn), một trong những “ái nữ” của cặp doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn và Lê Hồng Thủy Tiên cũng đang thể hiện sức mạnh “ngầm” nhằm khẳng định khả năng tiếp quản một phần lĩnh vực kinh doanh của gia đình.
Vốn “nổi như cồn” trên mạng xã hội theo trào lưu hội con nhà giàu (Rich Kid), Thảo Tiên hiện đã là Phó tổng giám đốc phát triển thị trường thời trang cao cấp của IPPG, phụ trách Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC)… Ngoài vai trò phát triển kinh doanh, cô cũng quản lý Quỹ vì cộng đồng của IPP.
Ở tuổi 24, Thảo Tiên là người trực tiếp cùng ekip đàm phán đưa những thương hiệu đình đám trên thế giới về Việt Nam. Dự án đầu tiên của cô với vai trò Phó tổng giám đốc Phát triển thị trường Tập đoàn IPP là đưa thương hiệu giày đế đỏ đình đám Christian Louboutin trở lại thị trường Việt Nam.
“Tôi tự hào vì hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên được giao. Mục tiêu của tôi là đưa nhiều thương hiệu uy tín đến Việt Nam, tạo sân chơi và nhiều chọn lựa cho các tín đồ thời trang trong nước”, Thảo Tiên chia sẻ.
Khép lại năm 2021, DAFC đã đạt được nhiều thành quả khả quan bất chấp một thời gian dài ảnh hưởng do dịch bệnh. Doanh số bứt phá trong quý IV/2021, lợi nhuận tăng 171% so với lợi nhuận thực tế năm 2020. Bên cạnh đó, mặc cho diễn biến dịch phức tạp, DAFC vẫn mang về hai thương hiệu đình đám thế giới là Tiffany & Co và Montblanc với cửa hàng đầu tiên tại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) và Takashimaya (TP.HCM).
Ngoài ra, ngay trong tháng 1/2022, DAFC tiếp tục khai trương cửa hàng thứ hai của thương hiệu giày đế đỏ Christian Louboutin tại khách sạn Rex (TP.HCM).
Những chính sách điều hành quyết liệt, kịp thời, tư duy khác biệt với chuyển đổi số của ekip trẻ trung năng động Thảo Tiên và các nhóm quản lý thương hiệu đã đem lại hiệu quả giúp DAFC trở thành công ty mũi nhọn của IPPG trong việc thích ứng với sự dịch chuyển kinh doanh của thị trường hậu Covid-19.
Đặc biệt, cô được ông Johnathan Hạnh Nguyễn đào tạo về ngành hàng không, bởi cô yêu thích và khá nhanh nhẹn trong việc nắm bắt các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này. Hiện cô đang học thạc sĩ ngành quản trị hàng không tại City University of London (Anh).
Bệ phóng cho sự kế thừa thành công
Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp “ái nữ” kế nghiệp gia sản kinh doanh của gia đình. Điển hình là Lê Nữ Thùy Dương - một trong hai người con của doanh nhân Lê Văn Kiểm, đang kế nghiệp gia đình với vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Golf Long Thành. Thùy Dương làm Phó tổng giám đốc doanh nghiệp gia đình từ năm 2003, sau 12 năm, đến năm 2015 mới được trao quyền Tổng giám đốc điều hành.
Sinh năm 1982, là con gái Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, Lê Thu Thủy hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sau 5 năm ở vị trí Phó tổng giám đốc. Thu Thủy được bầu làm Phó chủ tịch thường trực ngân hàng này vào tháng 1/2013 và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SeABank vào cuối năm đó.
Đặng Huỳnh Ức My hiện là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công. Nữ doanh nhân 8X này phụ trách mảng kinh doanh mía đường của Công ty, mảng quan trọng nhất đóng góp khoảng 60% của tập đoàn kinh doanh đa ngành Thành Thành Công (TTC). Cô là con gái doanh nhân Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc - hai nhà sáng lập của tập đoàn này.
Trong khi đó, nữ doanh nhân Vưu Lệ Quyên chính thức được vợ chồng nhà sáng lập Biti’s - ông Vưu Khải Thành và bà Lai Khiêm, trao lại quyền Tổng giám đốc sau nhiều năm giữ vị trí Phó tổng giám đốc tại doanh nghiệp gia đình. Dấu ấn trước khi giữ ghế Tổng giám đốc Bitis’ của cô gái 8X này là đưa thương hiệu giày Việt do gia đình gây dựng tạo được tiếng vang lại trên thị trường với các chiến dịch marketing đánh vào giới trẻ.
Trước đó, Biti’s đã rơi vào khủng hoảng do thị phần vào tay các đối thủ ngoại. Sự thay đổi gần đây của Biti’s trên thị trường khiến nhiều người biết đến hơn là có những sản phẩm hướng tới trẻ em, sau khi mua nhượng quyền bản quyền sản xuất giày trẻ em mang thương hiệu nổi tiếng Disney. Vưu Lệ Quyên đang phát triển thương hiệu giày dép, túi xách riêng mang thương hiệu Gosto. Em gái của cô là Vưu Lệ Minh cũng làm việc cho công ty gia đình và phụ trách thiết kế cho các sản phẩm mang thương hiệu Biti’s.
Hiện nay, số lượng người khởi nghiệp ngày càng nhiều và tỷ lệ thất bại cũng càng nhiều. Vì vậy, sự dìu dắt và hỗ trợ từ những người đi trước là rất cần thiết, giúp các bạn trẻ có thể tránh được những sai lầm, thất bại và rút ngắn con đường đến thành công.
Theo đó, việc kết nối, chia sẻ và lan toả tri thức là những yếu tố được cho là thể hiện tầm của doanh nhân thời đại mới. Ở đó, các thế hệ doanh nhân phải nỗ lực trở thành một trong những hình mẫu đẹp, có sức ảnh hưởng, là sự lựa chọn cho khởi đầu hành trình lập thân, lập nghiệp của giới trẻ, thế hệ kế cận Việt Nam, đặc biệt là với những doanh nhân nữ.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, muốn kinh doanh thành công thì cần kết hợp kiến thức bài bản ở trường học với kinh nghiệm cuộc đời. Bản thân ông thừa hưởng máu kinh doanh từ cha, một người thợ may ở phố biển Nha Trang, nhưng làm được và kinh doanh thành công 18 ngành hàng khác nhau như ngân hàng, bảo hiểm, xuất nhập khẩu... Từ thời trung học, mỗi kỳ nghỉ hè, ông phải theo cha đi học kinh doanh cho đến lúc lên đại học.
Khoảng 10 năm trở lại đây, khi công việc nhiều, giá trị đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD, quản lý mấy chục công ty, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trở thành người định hướng, hỗ trợ cho vợ và các con. Cũng may mắn cho ông khi vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng ham học hỏi, tâm huyết việc kinh doanh và tiếp quản điều hành công ty.
Bà Thủy Tiên đã chứng tỏ tài năng lãnh đạo và kinh doanh của mình. Đặc biệt, bà cũng thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ về bình đẳng và phát triển nghề nghiệp tại nơi làm việc, với 60% nhân viên của tập đoàn là phụ nữ, trong đó 70% số phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo quản lý.
“Đa dạng giới là một chiến lược kinh doanh thông minh. Hiện phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong các doanh nghiệp”, bà Thủy Tiên chia sẻ.
Theo bà, với doanh nghiệp nói chung, chiến lược đổi mới sáng tạo chính là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn. IPPG đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững với các công cụ chuyển đổi số.
Tuy nhiên, điều bà Thủy Tiên cam kết lâu dài là thực hiện nguyên tắc trao quyền cho nữ giới và làm sao để bình đẳng giới trở thành thông điệp chung của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng IPPG đã ban hành bộ nguyên tắc bình đẳng trong doanh nghiệp để tăng cường việc thực hiện bình đẳng giới trong các doanh nghiệp.
Theo bà Thủy Tiên, việc thực hiện bình đẳng giới trong công ty sẽ đem lại nhiều lợi ích, như có một đội ngũ nhân tài rộng lớn, cải thiện môi trường làm việc và giữ chân nhân viên, có được nguồn khách hàng đến từ mọi tầng lớp xã hội…, giúp gia tăng doanh số và lợi nhuận công ty.
Có thể thấy, phụ nữ đang dần thoát khỏi sự ám ảnh phải vươn tới sự hoàn hảo phi lý kiểu nhận thức đóng khung, xưa cũ do xã hội áp đặt, mà đang phấn đấu phát huy hết tiềm năng mình có và đạt đến sự toại nguyên bền vững. Thay vì băn khoăn, lưỡng lự khi bị chỉ trích như trước đây, giờ họ tự tại với việc mình làm, tự tin tiếp tục trên con đường đã chọn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận