menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Tuyên Đức

Những biến số hỗ trợ đà tăng giá dầu thế giới sắp tới

Theo trang caixin.com, căng thẳng giữa cung và cầu trên thị trường dầu mỏ quốc tế ngày càng gia tăng, và đây cũng là nguyên nhân đẩy giá dầu quốc tế tăng vọt.

Kết thúc phiên 9/6, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 7/2022 giao dịch ở mức 121,51 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent giao tháng 8/2022 là 123,07 USD/thùng.

Goldman Sachs hôm 6/6 nâng dự báo giá dầu trong năm nay, với giá dầu Brent và dầu WTI giao ngay trong quý III/2022 lần lượt đạt 140 USD/thùng và 137 USD/thùng, tăng tương ứng 15 USD/thùng so với ước tính trước đó. Giá dầu Brent và WTI thời điểm cuối năm có thể giảm nhẹ xuống 130 USD/thùng và 125 USD/thùng, và mức giá cao này sẽ tiếp tục duy trì cho đến giữa năm 2023.

Theo nhà phân tích cấp cao của thị trường dầu thô Hề Giai Nhụy (Xi Jiarui), "giá dầu có thể tiếp tục dao động ở mức cao như một chú ngựa hoang, nhu cầu dầu toàn cầu đang phục hồi, trong khi nguồn cung bị hạn chế, cùng với lạm phát toàn cầu cao, cộng thêm Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, sự thiếu hụt nguồn cung có thể gia tăng".

Nguồn cung hạn chế

Vương Hải Tân (Wang Haibin), nhà kinh tế cấp cao tại công ty hóa chất Sinochem Energy Co., Ltd., cho biết: "Không có nhiều quân bài cho cuộc chơi. Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng. Bắt đầu từ tháng Sáu, trật tự sản xuất và sinh hoạt bình thường ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã nối lại, và các khu vực Bắc Bán Cầu như Mỹ cũng đã bước vào mùa đi lại cao điểm. Vậy nhưng, khả năng tăng sản lượng của phía nguồn cung vẫn còn hạn chế. Các lĩnh vực chính có thể tăng sản lượng đang gặp trở ngại.

Venezuela có cơ sở hạ tầng không hoàn hảo, mất nhân sự trong lĩnh vực dầu khí và không có khả năng tăng sản lượng trong ngắn hạn. Mỹ thì không có thể tăng sản lượng một cách thuận lợi và thời tiết bất lợi cũng đe dọa nguồn cung của Mỹ. Các cuộc đàm phán hạt nhân Iran bế tắc…

Khả năng gia tăng nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào tiến trình hòa giải giữa Saudi Arabia và Mỹ, và Saudi Arabia phải tìm ra sự cân bằng giữa an ninh và giá dầu. Tối 6/6, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã công bố kế hoạch tăng nhẹ sản lượng trong hai tháng 7-8/2022, nhưng diễn biến sau đó vẫn chưa có gì cụ thể.

Theo kế hoạch trên, Saudi Arabia cần tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày lần lượt trong tháng Bảy và tháng Tám, và thị trường nghi ngờ về khả năng tăng sản lượng của nước này, vì kế hoạch tăng sản lượng nhỏ hơn trước đây của OPEC hầu như không được thực hiện đầy đủ. Kế hoạch tăng này được thị trường coi là một trong những bước đệm cho chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga tiếp tục tăng. Ngày 3/6, vòng trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga chính thức có hiệu lực. Các biện pháp trừng phạt bao gồm dầu thô và dầu tinh luyện của Nga. Ngoài ra, các công ty EU và Anh cũng đã cấm bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các tàu chở dầu vận chuyển các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, lệnh cấm mới sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 75% lượng dầu mà EU nhập khẩu từ Nga; và dần dần, đến cuối năm 2022, lệnh cấm vận sẽ chiếm 90% trong tổng số dầu nhập khẩu từ Nga của EU.

Điều này có nghĩa là vào cuối năm nay, nguồn cung dầu của Nga cho châu Âu sẽ giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày, buộc Nga phải giảm sản lượng khai thác dầu thô. Chuyên gia Hề Giai Nhụy cho hay, "rất khó để tìm được các nguồn dầu thay thế của Nga. Và điều này sẽ kìm hãm xuất khẩu dầu của Nga trong một thời gian ngắn, và dầu Nga sẽ phải mất thời gian để mở ra thị trường mới".

Giá cả là phương tiện chính để cân bằng thị trường. Chuyên gia Vương Hải Tân cho biết, dầu mỏ là một thị trường cân bằng và có tính thanh khoản cao. Nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ ở châu Âu bị thắt chặt chắc chắn sẽ khiến giá dầu toàn cầu tăng cho đến khi thị trường lấy lại thanh khoản và đạt được sự tái cân bằng.

Chuyên gia Vương Hải Tân chỉ ra rằng lệnh cấm bảo hiểm vận chuyển cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình hình cung cầu trên thị trường vốn đang bị thắt chặt. Bản thân tàu chở dầu rất đắt, yêu cầu cao về bảo vệ môi trường và cũng cần bảo hiểm ô nhiễm dầu, và tàu chở dầu không dám chạy nếu không có bảo hiểm. Các khoản bảo hiểm và tái bảo hiểm này chủ yếu do các công ty châu Âu và Mỹ cung cấp.

Hơn thế, Chung Kiến (Zhong Jian), Phó Chủ tịch công ty công nghệ Zhuochuang Information technology Co, cũng cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và Ukraine là biến số lớn nhất trên thị trường dầu mỏ hiện nay, và biến số lớn khác là ở thị trường vốn. Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất, các quỹ thị trường vốn đang rút khỏi thị trường hàng hóa, và sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, hướng đi trong tương lai của thị trường dầu mỏ vẫn còn nhiều bất ổn.

Dòng dầu từ Nga có sự "thay đổi lớn"

Trước đây, thị trường dầu mỏ vốn đã ở trong tình trạng cân bằng chặt chẽ, lệnh cấm của EU đối với dầu mỏ Nga đã gây khó khăn thêm cho thị trường dầu mỏ và thay đổi dòng chảy thương mại dầu mỏ toàn cầu. Nga là một trong ba nhà cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới ở mức "hàng chục triệu thùng". Châu Âu láng giềng là thị trường lớn nhất của Nga, và Nga cũng là "bể chứa năng lượng" khổng lồ cho châu Âu.

Chuyên gia Vương Hải Tân bình luận rằng động thái của EU nhằm đánh vào thu nhập kinh tế của Nga. Nga, một quốc gia giàu tài nguyên, đang cực kỳ phụ thuộc vào thu nhập từ dầu khí. Theo một báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào tháng 3/2022, vào năm 2021, nguồn thu từ dầu khí chiếm 45% chi tiêu tài khóa của Nga, trong đó nguồn thu từ dầu mỏ là lớn nhất.

Báo cáo cho thấy vào năm 2021, sản lượng dầu thô (bao gồm cả sản phẩm ngưng tụ) của Nga là 10,5 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 14% tổng nguồn cung toàn cầu. Trong cùng năm đó, dầu thô xuất khẩu 4,7 triệu thùng/ngày; khoảng một nửa trong số đó xuất sang châu Âu với 2,4 triệu thùng/ngày. Dầu thô của Nga chiếm 20% tổng nhu cầu dầu thô của các nhà máy lọc dầu châu Âu.

Nga là nhà lọc dầu lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Nga có công suất lọc dầu khoảng 6,9 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng một nửa sản lượng dầu tinh luyện, cũng với châu Âu là thị trường chính. Vào năm 2021, Nga xuất khẩu 2,8 triệu thùng mỗi ngày các sản phẩm dầu tinh chế, trong đó có hơn một triệu thùng mỗi ngày sang châu Âu. Cùng năm, Nga cung cấp 750.000 thùng dầu diesel mỗi ngày cho châu Âu, đáp ứng 10% nhu cầu địa phương về dầu diesel ở châu Âu.

Báo cáo do Huatai Futures công bố hồi tháng Sáu cũng chỉ ra rằng sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, Nga sẽ mất thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất của mình, và xuất khẩu dầu thô của nước này sẽ cần phải mở rộng về phía Đông, đặc biệt là tăng cường xuất khẩu dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc, và mô hình thương mại dầu thô và dầu tinh chế toàn cầu sẽ thay đổi.

Tuy nhiên, Huatai Futures cũng chỉ ra rằng trong thời gian Mỹ và châu Âu trừng phạt Nga từ tháng 3-5/2022, sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga cho thấy "khả năng phục hồi cực cao", và việc giá dầu Nga giảm mạnh so với Brent đã dẫn đến sự xuất hiện của chênh lệch giá. Trên thực tế, từ tháng Tư đến tháng Năm năm nay, xuất khẩu dầu thô của Nga tăng chứ không giảm, nhiều nước đã tăng nhập khẩu đáng kể. Dòng xuất khẩu dầu của Nga đã thay đổi đáng kể, trong đó nhập khẩu của Ấn Độ tăng mạnh nhất.

Tuy nhiên, lượng dầu trôi nổi trên biển của Nga ngày càng tăng. Công ty tư vấn năng lượng Vortexa cho biết, không phải tất cả các tàu hướng đến Địa Trung Hải hoặc Đông Suez đều tìm được người mua, một số còn lại trong kho nổi, trong khi khoảng 2,1 triệu thùng Rosneft đang trôi trên vùng biển thuộc phía châu Âu của Nga vào đầu năm 2022.

Huatai Futures cho rằng xuất khẩu dầu thô của Nga sang EU sẽ giảm với tốc độ nhanh nếu các khu vực khác không thể hấp thụ lượng dầu tương tự của Nga, và các công ty dầu khí quốc tế của châu Âu và Mỹ đang rút lui từ Nga, Nga cuối cùng có thể buộc phải cắt giảm sản lượng dầu thô.

Goldman Sachs cho biết, trong báo cáo nói trên rằng dòng chảy dầu của Nga chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể và việc cắt giảm sản lượng trong nước là không thể tránh khỏi. Trong số đó, dự kiến dòng dầu của Nga sang châu Âu sẽ giảm từ 4,3 triệu thùng/ngày trong quý IV/2021 xuống 700.000 thùng/ngày trong quý I/2023. Trong thời gian này, lượng dầu đến Trung Quốc sẽ tăng từ 1,6 triệu thùng/ngày lên 2,6 triệu thùng/ngày. Khối lượng xuất sang Ấn Độ tăng từ 100.000 thùng/ngày lên 800.000 thùng/ngày.

Trong một báo cáo công bố ngày 7/6, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính rằng sản lượng nhiên liệu lỏng của Nga có thể giảm dần từ 11,3 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2022 xuống còn 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Đối với EU, khối này cần tiếp tục tăng nhập khẩu dầu từ Trung Đông, Mỹ và các nơi khác để đáp ứng nhu cầu của chính mình, đồng thời các nhà máy lọc dầu của châu Âu cũng sẽ cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy lọc dầu của Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những thay đổi rõ ràng hơn là xuất khẩu dầu thô của Bắc Phi sang châu Âu ngày càng tăng. Theo dữ liệu của Vortexa, lượng dầu thô xuất khẩu từ cảng Sidi Kerir của Ai Cập từ tháng 4-5/2022 ở mức cao nhất trong nhiều năm, do nhu cầu dầu thô từ Hà Lan, Ba Lan, Italy và các nước khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại