Những "băn khoăn" của Thái Lan khi ra quyết định về việc tham gia CPTPP
Những nghiên cứu cuối cùng của Thái Lan về CPTPP đã sẵn sàng và dự kiến sẽ được trình lên Nội các xem xét trong vài tuần tới để Chính phủ đưa ra quyết định về việc nộp đơn xin gia nhập hiệp định này.
Thứ trưởng Thương mại Sansern Samalapa cho biết, nếu Nội các thông qua những nghiên cứu cuối cùng do Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế ủy quyền thực hiện và "bật đèn xanh" cho nước này tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thái Lan sau đó sẽ đệ trình ý định thư xin gia nhập CPTPP.
Sau khi các thành viên hiệp ước chấp thuận đơn của Thái Lan, một ủy ban đàm phán bao gồm các thành viên từ tất cả các bên liên quan sẽ được thành lập để chuẩn bị cho sự tham gia vào CPTPP.
Theo ông Sansern, vẫn còn nhiều việc cần làm trước khi Thái Lan trở thành một thành viên của CPTPP. Thái Lan sẽ không ngay lập tức trở thành thành viên của CPTPP sau khi Nội các thông qua và Chính phủ khẳng định các quy trình sẽ được thực hiện một cách minh bạch.
Ông Sansern cho hay các nghiên cứu của Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai chủ trì đã đưa ra những lợi ích và hạn chế về thương mại dịch vụ và sản phẩm, và đầu tư khi tham gia CPTPP.
Ông Sansern nói rằng Thái Lan sẽ bị mất các cơ hội kinh tế và khả năng cạnh tranh nếu nước này từ chối tham gia hiệp định. Các vấn đề nhạy cảm mà Thái Lan rất cần quan tâm bao gồm bảo vệ các giống cây trồng mới, đa dạng sinh học, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các yêu cầu mua sắm nhà nước.
Ông Sansern nói: "Nhiều bên liên quan vẫn cho rằng đây là điều khó khăn và cần thời gian để Thái Lan tự điều chỉnh để phù hợp với những vấn đề nhạy cảm đó. Theo ý kiến cá nhân của tôi, Thái Lan không nên tham gia hiệp định nếu chưa sẵn sàng".
CPTPP có hiệu lực từ năm 2019 nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận này thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tương tự bao gồm cả Mỹ cho đến khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút lui.
Nội các Thái Lan hồi tháng 5/2020 đã đồng ý thành lập các hội đồng thường trực Hạ viện để xem xét liệu nước này có nên tham gia CPTPP hay không, trong bối cảnh có những lo ngại về tác động tiêu cực đối với khu vực nông nghiệp.
Trước đó, Nội các Thái Lan đã gác lại quyết định về tư cách thành viên CPTPP sau khi có sự phản đối gay gắt từ các chính trị gia, các nhóm xã hội dân sự và các nhân vật xã hội nổi tiếng, những người cho rằng hiệp định sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.
Các hội đồng thường trực của Hạ viện được yêu cầu nộp nghiên cứu của họ trong vòng 30 ngày vào đầu tháng 7 năm ngoái, nhưng đã đề nghị được gia hạn thêm 60 ngày. Những nghiên cứu của các hội đồng cho thấy CPTPP sẽ ảnh hưởng lớn đối với các hộ nông dân trồng trọt quy mô nhỏ, nếu Thái Lan trở thành thành viên của Liên minh Quốc tế về Bảo hộ Giống cây trồng mới (UPOV 1991) theo yêu cầu của hiệp định này. Chính phủ nước này đang phải tăng tốc nâng cấp luật và các quy định để bảo vệ các giống cây trồng và đa dạng sinh học của Thái Lan.
Nghiên cứu của các hội đồng thường trực cũng cho thấy các quỹ để khắc phục tác động của các hiệp định thương mại tự do tiếp tục không đủ để chi trả cho tất cả các phân khúc sẽ bị ảnh hưởng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận