Những áp lực của ngành ngân hàng Việt sau quyết định tăng lãi suất của Fed
Chuyên gia cho rằng việc Fed tiếp tục tăng lãi suất khiến cho không ít nhà băng lo dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều và tình hình kinh doanh các tháng cuối năm không thuận lợi.
Tại chương trình “Bí mật đồng tiền mùa 2 - Số 20: Nhà băng không lạnh”, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI nhận định việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây ra một số áp lực cho ngành ngân hàng, nhưng tác động sẽ chỉ ở mức độ thấp.
Mới đây, Fed vừa quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25%, đẩy mặt bằng lãi suất lên phạm vi là 5,25% - 5,5% Đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà cơ quan này áp dụng kể từ đầu năm 2001. Điều này đã khiến cho không ít nhà băng lo dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều và tình hình kinh doanh các tháng cuối năm không thuận lợi.
“Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn hiện đã giảm nhiều so với trước. Hiện tại, với lượng kiều hối vào TP.HCM vẫn tăng; cán cân thương mại của Việt Nam nhiều khả năng đang dương trong tháng 7 này; lượng FDI vẫn vào tốt thì tôi nghĩ áp lực đối với Việt Nam thời điểm này khá là thấp. Nếu đây là lần tăng lãi suất cuối của Fed thì áp lực sẽ không quá nhiều”.
Ngoài ra, các ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thu nhập từ tín dụng và dịch vụ đang chịu nhiều sức ép. ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, từ đầu năm, ngành ngân hàng đã phải hứng chịu nhiều cơn gió ngược như những biến động trên thị trường bất động sản, lực cầu tiêu dùng và tín dụng yếu.
Các nguồn thu ngoài lãi như các hoạt động dịch vụ, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) cũng bị ách tắc. Áp lực lên chất lượng tài sản các nhà băng chưa thuyên giảm và chi phí vốn vẫn còn neo ở mức cao.
“Các ngân hàng vẫn phải gồng mình để cố gắng đạt kế hoạch lợi nhuận. Năm nay sẽ khó hơn cho ngành ngân hàng. Những yếu tố tạo ra kỳ vọng có sự vượt trội về mặt lợi nhuận vẫn chưa xuất hiện”, ông Nguyễn Hưng nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận