menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Thị Thanh

Những án phạt nặng tay của chứng khoán Việt năm 2022

2022 là năm mang đậm dấu ấn của công cuộc minh bạch hóa và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu hay lừa đảo trái phiếu doanh nghiệp trở thành đại án. Trên sàn, việc xử phạt cũng được thực hiện mạnh tay hơn trước.

Năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố tổng cộng 137 quyết định xử phạt thị trường chứng khoán. Trong đó, có 17 quyết định xử phạt đối với cá nhân và 120 quyết định xử phạt đối với tổ chức. Tổng số tiền phạt là hơn 28 tỷ đồng.

Thống kê quyết định xử phạt hành chính trên thị trường chứng khoán năm 2022

Những án phạt nặng tay của chứng khoán Việt năm 2022

Nguồn: UBCKNN

Năm 2021, số quyết định xử phạt được ban hành là 303. Số tiền xử phạt xấp xỉ 21 tỷ đồng. Như vậy số quyết định xử phạt năm 2022 giảm mạnh hơn 55% so với năm trước, song mức tiền phạt lại tăng tới 33%. Điều này cho thấy án phạt trong năm 2022 đã mạnh tay hơn nhiều so với năm trước đó. Bình quân, mỗi quyết định xử phạt trong năm 2022 là 204 triệu đồng, gấp gần 3 lần năm 2021.

Đáng kể nhất là quyết định xử phạt kịch khung đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT CTCP FLC vào hồi tháng 1/2022. Ngày 18/01, UBCKNN đã ra quyết định phạt ông Quyết số tiền 1.5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC trong 5 tháng.

Cụ thể, ông Quyết bán 74.8 triệu cp FLC vào chiều 10/01 nhưng không công bố thông tin trước đó. Tối cùng ngày, UBCKNN cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong tỏa tài khoản của ông Quyết. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngày 11/01 ra thông báo hủy bỏ giao dịch này và đến 12/01, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Án phạt này sau đó lại được hủy bỏ bởi ông Quyết bị khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Theo điều tra của cơ quan chức năng, từ ngày 01/09/2016 đến ngày 10/01/2022, ông Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết, là nhân viên kế toán thuộc Ban Kế toán, FLC), liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập công ty.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế liên hệ và cùng những người thân trong gia đình thành lập 20 công ty, đồng thời mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán đứng tên bà Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán (120 tài khoản mở tại CTCP Chứng khoán BOS (HNX: ART), 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác) thực hiện thao túng giá với 6 mã chứng khoán: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.

Những tội danh của ông Quyết không dừng lại ở đó. Tối 27/08, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Quyết để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến hành vi tăng vốn khống tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) từ 1.5 tỷ đồng lên tới 4.3 ngàn tỷ đồng.

Quay lại các quyết định xử phạt trên sàn, mức phạt lớn thứ hai thuộc về CTCP Chứng khoán APG. Ngày 05/12, APG bị phạt vì hàng loạt vi phạm như lập, xác nhận hồ sơ đăng ký dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác, không báo cáo thông tin theo quy định, không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán, báo cáo thông tin có nội dung sai lệch, vi phạm quy định hạn chế cho vay, sử dụng tiền chào bán không đúng phương án ĐHĐCĐ thông qua.

Năm 2022 có 4 vụ xử phạt thao túng giá cổ phiếu bị xử phạt hành chính vì các cá nhân vị phạm không thu lợi bất hợp pháp. Các vụ việc bao gồm: Thao túng giá TTB do hai cá nhân là ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam thực hiện (dùng 102 tài khoản), thao túng giá TNI do ông Nguyễn Ngọc Long thực hiện (dùng 54 tài khoản), thao túng giá DAH do bà Vũ Thị Ngọc Ánh (dùng 20 tài khoản) thực hiện và thao túng giá TNA do ông Hồ Nam Huy (dùng 47 tài khoản) thực hiện Các trường hợp này chịu mức phạt hành chính 550 - 600 triệu đồng.

Ngoài các quyết định xử phạt nổi cộm nêu trên, hầu hết vi phạm còn lại là do công bố thông tin không đúng thời hạn, không công bố thông tin cần phải công bố theo quy định, công bố thông tin sai lệch.

Năm 2022 mang đậm dấu ấn của công cuộc minh bạch hóa và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Các vụ thao túng chứng khoán như vụ FLC, vụ Louis Holdings (do Đỗ Thành Nhân cấu kết một loạt cá nhân thực hiện) được đưa ra ánh sáng và khởi tố hình sự. Ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi dấu 2 đại án ở Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

Đối với nhóm công ty chứng khoán, các quyết định xử phạt hành chính chủ yếu do vi phạm quy định cho vay ký quỹ, bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ. Tuy vậy, vẫn nổi cộm một số công ty chứng khoán bị xử phạt vì có liên quan tới tới đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của nhóm Tân Hoàng Minh như Chứng khoán KIS, Chứng khoán Everest (EVS), Chứng khoán An Bình (ABBS).

Với những quyết định mạnh tay năm 2022, thị trường chứng khoán hướng tới năm mới 2023 với kỳ vọng sẽ lành mạnh và minh bạch hơn để kênh dẫn vốn của thị trường chứng khoán là lựa chọn hấp dẫn với nhà đầu tư.

Những án phạt nặng tay của chứng khoán Việt năm 2022
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại