24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phượng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhức nhối vấn nạn bảo kê chợ

Trường hợp nếu tố cáo ra công an, chính quyền địa phương thì phần lớn các vụ việc cũng bị làm ngơ, không xử lý.

Muốn yên ổn làm ăn, nhiều tiểu thương kinh doanh ở chợ phải bấm bụng đóng “chi phí không chính thức”. Thậm chí, đến cả những gánh hàng rong cũng bị đòi tiền bảo kê.

Diễn biến ngầm

Những ngày đầu tháng 5/2020, khi thông tin Lý Thị Loan (tức Loan “cá”, trú tại phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị cơ quan công an bắt giữ thì nhiều người ngỡ ngàng nhận ra khoản phí không chính thức mà nhóm giang hồ này bắt mỗi tiểu thương phải nộp là quá lớn.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai hiện đang mở rộng điều tra vụ án cưỡng đoạt tài sản do Loan “cá” và chồng là Nguyễn Quốc Tuấn (tức Tuấn “cá”) cầm đầu. Đây là băng nhóm chuyên hoạt động bảo kê, thu tiền của những người buôn bán tại các khu chợ công nhân ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và khu vực chợ Hóa An (TP Biên Hòa) nhiều năm nay khiến các tiểu thương sợ hãi.

Để tạo uy thế, nhóm Loan “cá” thị uy sức mạnh bằng những đàn em xăm trổ đầy mình. Nhóm này chuyên dùng vũ lực đe dọa, hành hung buộc những người bán hàng tại khu vực trên phải nộp tiền bảo kê 1 - 1,5 triệu đồng/tháng để được buôn bán.

Riêng những người bán dạo không thường xuyên thì thu theo ngày với giá 50.000 đồng/ngày. Dù nộp 50.000 đồng/ngày nhưng cả tháng thì con số đã lên tới 1,5 triệu đồng. Nói như một nạn nhân của Loan “cá”, mỗi tháng lãi 3 triệu đồng nhưng đã bị thu tới 1,5 triệu để được bán ở chợ tạm. Chi phí không chính thức đã chiếm tới 50% khoản lãi.

Một vụ việc khác xảy ra trước đó, vào khoảng thời gian cận dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trên tuyến đường Lệ Ninh (TP Vinh, Nghệ An) nằm ngay sát chợ Ga Vinh là nơi tập trung bán hoa lớn của TP trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều thương lái từ các tỉnh, thành mang hoa đến bán buôn, bán lẻ. Lợi dụng địa bàn trên, một nhóm 4 - 5 đối tượng đã tổ chức thu tiền bảo kê bến bãi của các chủ xe bán hoa từ các tỉnh phía Nam với số tiền từ 3 - 5 triệu đồng/xe.

Qua quá trình điều tra, Ban chuyên án Công an TP Vinh đã dựng lên nhóm đối tượng thực hiện hành vi bảo kê, cưỡng đoạt tài sản bao gồm: Trương Thành Quang (SN 1984), đối tượng đã có 1 tiền án về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy", tội "Giết người"; Vương Linh Kha (SN 1981), đối tượng đã có 1 tiền án về tội "Đánh bạc", tội "Cưỡng đoạt tài sản"; Nguyễn Đức Dũng (SN 1991), có tiền án về tội "Đánh bạc"; Hoàng Hà (SN 1989).

Các đối tượng đều trú trên địa bàn TP Vinh. Kết quả điều tra, bước đầu xác định nhóm đối tượng trên đã thu tiền của 9 nhà xe với số tiền khoảng 20 triệu đồng, trong đó hầu hết các nhà xe do chưa bán được hoa nên mới chỉ nộp trước một nửa tiền. Nếu không bị bắt giữ, các đối tượng thu hết số tiền trên của các nhà xe bán hoa với số tiền ước tính khoảng 80 triệu đồng. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm đối tượng trên về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Nhức nhối vấn nạn bảo kê chợ

Các bị cáo trong vụ án xét xử cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên, Hà Nội.

Năm ngoái, tháng 7/2019, TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên, do Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên) cầm đầu. Các bị cáo từng dưới quyền Hưng “Kính” đều khai họ chèn ép, cưỡng đoạt tiền của các tiểu thương theo chỉ đạo của Hưng. Tòa án tuyên phạt bị cáo Hưng 4 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng. Mặc dù sau đó Hưng “Kính” tử vong do bệnh tật, nhưng vụ bảo kê ở chợ Long Biên vẫn mãi là nỗi ám ảnh đối với các tiểu thương kinh doanh tại đây.

Xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm

Bảo kê là hành vi bao che của một thế lực cho các hoạt động phi pháp. Hàng chục năm trước, cả nước từng rúng động bởi các băng nhóm Phúc “bồ”, Khánh “trắng” hoành hành ở các chợ Đồng Xuân, Phùng Hưng (Hà Nội). Vậy nhiều chợ khác trên cả nước liệu có tình trạng này không? Điểm chung của các tiểu thương kinh doanh ở chợ là việc chấp nhận bỏ ra những khoản chi phí không chính thức để được làm ăn yên ổn, được việc, không bị quấy nhiễu, phiền hà. Điều đáng nói, các đối tượng bị bảo kê ở chợ phải chi phí ngầm để được việc lại coi chi phí không chính thức như một khoản phải chấp nhận.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Hà Nội) cho hay, hiện tượng bảo kê chợ, hay gọi cách dân dã là “thu phế” của một số đối tượng xã hội đen diễn ra khá phổ biến, xảy ra trong nhiều năm vẫn không bị xử lý triệt để. Đây cũng là vấn đề mà nhiều tiểu thương, người dân quan tâm.

Có lẽ xuất phát từ tâm lý cam chịu, làm ăn buôn bán nhỏ và muốn yên thân để được kinh doanh mà các tiểu thương không dám tố cáo. Những trường hợp nào tố cáo dễ bị trù dập, trả thù, đe dọa, thậm chí đuổi khỏi chợ. Các đối tượng sẽ dùng mọi thủ đoạn trù dập như cản trở, dựng xe trước mặt, xua đuổi khách và không từ bất cứ thủ đoạn nào để người kinh doanh không bán được hàng. Như thế, những người tố cáo sẽ không thể ở lại kinh doanh được.

Đây cũng là dấu hỏi rất lớn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật khi để xảy ra tình trạng như vậy. Hoặc trường hợp buộc phải làm thì chứng cứ không có, số tiền chiếm đoạt từng lần quá nhỏ, dưới mức có thể khởi tố vụ án, nên các cơ quan tố tụng cũng không đề cập xử lý. Khi sự việc diễn ra trong thời gian dài, không ai xử lý, có lẽ mọi người cũng dần quen với việc nộp tiền bảo kê và chỉ mong muốn yên ổn làm ăn.

“Qua đây, chúng ta thấy rằng, vấn đề cốt lõi vẫn là trách nhiệm quản lý, xử lý hành vi trái pháp luật của các cơ quan chức năng còn yếu kém, dung túng, không bám sát nơi quản lý, dẫn đến việc hành vi trái pháp luật, bảo kê kéo dài. Chúng ta mong rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo đúng quy định pháp luật. Đây là bài học răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các khu chợ” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định.

Theo các chuyên gia luật, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc giải quyết triệt để các vụ việc tương tự thế này. Mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ pháp luật bằng việc phát hiện, tố giác, đồng thời tuân thủ, thực hiện đúng pháp luật. Khi người dân phát huy quyền làm chủ của mình, các cán bộ chính quyền, nhất là lực lượng công an thực sự vào cuộc, làm hết trách nhiệm, nạn bảo kê sẽ không còn đất sống.

"Trong các vụ việc này, những đối tượng vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội "cưỡng đoạt tài sản", quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào đe dọa, dùng vũ lực, thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm; có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng phạt tù từ 3 - 5 năm; phạt tù từ 7 - 15 năm khi cưỡng đoạt có giá trị từ 200 - 500 triệu đồng; phạt tù từ 12 -20 năm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng." - Luật sư Nguyễn Hồng Quang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả