Nhức nhối 35 dự án băm nát xã nghèo
Khi cơn sốt nở rộ các dự án bất động sản Hà Nội lan tới tỉnh lân cận Hòa Bình, người ta bắt đầu thấy những ngọn núi, rừng cây bên cạnh tuyến quốc lộ mới mở (từ Đại lộ Thăng Long chạy thẳng lên TP Hòa Bình) bị máy xúc ngoạm nham nhở. Nhóm PV Tiền Phong tiếp cận một xã nghèo vốn hoang vu, nay sôi động các dự án băm nát quy hoạch…
5 sân golf chiếm đất rừng sản xuất
Quang Tiến-một xã nghèo (như lời ông chủ tịch xã thốt lên), vừa trực thuộc thành phố Hòa Bình, chủ yếu người dân tộc Mường. Núi đồi điệp trùng, toàn xã có đến 35 dự án (trong đó có tới 5 dự án sân golf). Năm dự án này chiếm tổng diện tích hơn 800 ha. Bà con đồng bào tại đây có lẽ còn xa lạ với những cái tên tiếng Tây, như: Dự án sân golf 36 lỗ và khu nghỉ dưỡng (Cty TNHH Orange Engineering Vina); sân golf quốc tế Quang Tiến (Cty CP Tập đoàn MBG); Sân golf An Việt (Cty CP Golf An Việt Hoà Bình); sân golf Kỳ Sơn và sân golf Phúc Tiến. Đa phần các sân golf này đều được chuyển đổi từ đất rừng. Trong số này, có sân golf Phúc Tiến (Cty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng An Việt) đang triển khai nhưng lại dính nhiều lùm xùm.
Được biết, khoảng 2 năm trước, Thủ tướng có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Phúc Tiến (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, nay là xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình). Dự án có quy mô 200 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 11,75ha giữ nguyên hiện trạng để bảo vệ và phát triển rừng; diện tích thực hiện dự án 188,25ha, dự án hoạt động 50 năm.
Những con đường xuyên núi đã hình thành tại 1 dự án sân golf. Ảnh: Đức Nam
Về nguyên tắc, UBND tỉnh Hoà Bình phải chịu trách nhiệm chuyển đổi 171,28 ha rừng sản xuất để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án; bảo vệ và giữ nguyên (diện tích 11,75ha) rừng tự nhiên trong phạm vi dự án. Thế nhưng, tỉnh này không hiểu sao lại phê duyệt phương án trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và sau đó phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án 1/500. Tiếp đến, cuối năm 2021, UBND tỉnh Hoà Bình mới có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và cho doanh nghiệp thuê đất (đợt 1) với diện tích 87,02 ha. Điều lạ là, trước đó gần 7 tháng, Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình chấp thuận cho doanh nghiệp tiến hành một số nội dung trên diện tích khoảng 200 ha, như: Xây dựng công trình tạm với các hạng mục lán trại công nhân, nhà bảo vệ, nhà điều hành, quản lý dự án và đường công vụ phục vụ cho công tác khảo sát địa chất…
Chiều 17/5, đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình cho biết, dự án sân golf Phúc Tiến đã được giao đất và cấp phép xây dựng. Nói về vướng mắc pháp lý, vị này cho biết, dự án chưa đóng tiền sử dụng đất và trong quá trình thi công, đã bị xử phạt (xây khi chưa được phép).
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Tuấn, GĐ Trung tâm quỹ đất thành phố Hòa Bình cho biết, riêng thành phố Hòa Bình đang nở rộ các dự án sân golf. Ngoài xã Quang Tiến có đến 5 sân golf, trên địa bàn thành phố có thêm 3 sân golf tại các xã khác. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các sân golf hiện nay chủ yếu do các chủ đầu tư đã mua gom chuyển nhượng đất từ trước đó, như sân golf Phúc Tiến; sau đó căn cứ vào quy hoạch rồi xin lập dự án. Đây cũng là bất cập của thành phố tại nhiều dự án sân golf trên địa bàn.
Theo ông Tuấn, thậm chí có dự án giải phóng mặt bằng xong, nhưng chủ đầu tư không triển khai. Ông Tuấn cho biết, đáng ra dự án phải đóng tiền sử dụng đất mới được giao đất và cấp phép xây dựng nhưng đến nay, dự án sân golf Phúc Tiến chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
Dự án sân golf Phúc Tiến có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, vừa qua, cổ đông của sân golf Phúc Tiến là Cty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng An Việt đã hoàn tất đợt phát hành 1.799 trái phiếu với tổng giá trị khoảng 180 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 18/11/2024. Cty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng An Việt nắm giữ 38,7 triệu cổ phần sân golf Phúc Tiến.
Người dân xót xa khi nhìn cảnh những đồi, núi bị phạt nham nhở
Trong nhiều ngày khảo sát tại xã nghèo, nhưng lắm dự án này, nhóm PV chứng kiến nhiều ngọn núi bị cào lõm, nhiều vạt rừng bị bóc lộ thiên đất. Trên một số ngọn núi, chỉ lưa thưa vài cây keo còi cọc. Có những dự án xây cả con đường bê tông chạy xuyên mấy dãy núi từ khi nào. Bà Nguyễn Bích (người dân sống tại xóm Gò Me, xã Quang Tiến) chia sẻ, xã có nhiều dự án nhưng chủ yếu quy hoạch xong không biết bao giờ triển khai khiến người dân bị ảnh hưởng. “Đất trồng rừng lấy của dân nên chúng tôi phải chuyển làm nghề khác, giờ cũng chưa tìm được nghề phù hợp. Hằng ngày, tôi vẫn theo thói quen cũ lên rừng nhặt những cành củi khô về đun nước”, bà Bích nói.
Chiều 17/5, một lãnh đạo TP Hòa Bình cho biết, trên địa bàn nhức nhối nhất là xã Quang Tiến, với hàng loạt các dự án nằm trên giấy và chậm tiến độ. Các dự án đều là những nhà đầu tư về bất động sản không loại trừ khả năng ôm đất với nhiều mục đích khác. |
Còn anh Nguyễn Đỗ, làm nghề thợ mộc tại xã, cho biết: “Các hộ dân xung quanh các dự án đều mong ngóng các dự án đúng tiến độ để giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Nhìn những quả đồi, núi bị phạt nham nhở, chúng tôi xót lắm”.
Ngoài sân golf Phúc Tiến, trên xã Quang Tiến, 3 dự án sân golf còn lại trên địa bàn xã mới đang hình thành trên giấy.
35 dự án trên với tổng diện tích khoảng 2.360 ha. Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Quang Tiến, địa phương hiện không còn đất cho dự án mới. Đáng nói, chỉ 2 dự án trong số kể trên đang hoạt động sản xuất kinh doanh là xưởng gỗ và xưởng sản xuất công nghiệp phụ trợ. Còn lại, 16 dự án chưa thực hiện, 5 dự án đang giải phóng mặt bằng, 2 dự án đang san lấp mặt bằng, 2 dự án đang xây dựng cơ sở hạ tầng,…
Ngoài ra, trên địa bàn xã Quang Tiến còn có 7 dự án khu du lịch sinh thái chiếm diện tích 290 ha, và tất cả đều nằm trên giấy.
Đáng lưu ý nhất là dự án Khu công nghiệp (KCN) Yên Quang nằm dọc tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, tổng diện tích lập quy hoạch lên tới 200,11 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đáng lẽ dự án này đã phải hoàn thành toàn bộ hạ tầng. Thế nhưng, đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) 36 ha. Gần 2 năm nay, hết lãnh đạo Tỉnh ủy rồi UBND tỉnh Hòa Bình liên tục tới thị sát tiến độ GPMB, hoàn thành dự án. Lần nào cũng vậy, kết luận của những buổi làm việc luôn là “chậm tiến độ”.
Chưa kể, tổng vốn đầu tư như nói trên, nhưng đến tháng 3/2022, báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hòa Bình (gửi tới UBND TP Hòa Bình) cho thấy, việc chi trả tiền GPMB hiện đã đến đợt thứ 18, (tính đến ngày 29/3/2022) vẫn còn thiếu của các hộ dân có quyết định phê duyệt thuộc đợt 12, 14, 15 và 17 (gần 55 tỷ đồng). Thậm chí, dự án còn nợ chi phí GPMB và thẩm định của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hòa Bình cả tỷ đồng…
Đầu năm 2022, qua thanh tra 9 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn, Thanh tra tỉnh Hòa Bình chỉ ra có đến 6 dự án “vỡ tiến độ” do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có dự án của các “ông lớn” bất động sản như: Dự án khu đô thị mới Hòa Bình - Geleximco; dự án khu đô thị mới Trung Minh B; Khu dân cư núi Đầu Rồng, khu nhà ở Thăng Long Xanh... |
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hòa Bình, chủ đầu tư KCN Yên Quang cũng chính là chủ đầu tư sân golf Phúc Tiến.
Chủ tịch UBND xã Quang Tiến Nguyễn Văn Nam cho biết trong 35 dự án, có hơn 10 dự án thuộc nhóm nhà nước thu hồi đất, còn lại là nhận chuyển nhượng. Trong 2 năm qua, trong cơn sốt đất, nhiều người từ Hà Nội và địa phương đến mua bán, nhận chuyển nhượng, giá đất cứ thế tăng cao, đặc biệt ở khu vực gần mặt đường Hoà Lạc - Hoà Bình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận