Nhu cầu khí đốt sẽ tiếp tục gia tăng trong nhiều thập kỷ nữa
Những công ty trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới đang đưa ra thông điệp rõ ràng: quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh sẽ cần nhiều khí đốt tự nhiên hơn.
Từ Shell Plc đến Chevron Corp., các công ty dầu khí hàng đầu thế giới đang có kế hoạch tăng tốc đầu tư vào nhiên liệu. Trung Quốc tiếp tục ký kết các thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sau năm 2050 và châu Âu gần như cũng có động thái tương tự. Mỹ đang tiến hành các dự án mới sẽ đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong tương lai gần.
Động lực này đã đánh dấu một bước ngoặt đối với khí đốt tự nhiên - nhiên liệu hóa thạch “sạch nhất” được xem là cầu nối ngắn hạn tới các nguồn năng lượng xanh hơn và các nhà bảo vệ môi trường đã tìm cách loại bỏ nó trong bối cảnh lo ngại rằng khí đốt bẩn hơn nhiều so với quảng cáo. Hiện nay, ý tưởng rằng nhu cầu khí đốt sẽ sớm đạt đỉnh bất cứ lúc nào đang dần biến mất.
Ben Cahill, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Washington cho biết: “Những người bán LNG nhìn quanh thị trường này và cảm thấy khá tự tin rằng nhu cầu khí đốt sẽ còn tồn tại với chúng ta trong nhiều thập kỷ tới”.
Xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra sau đó dẫn tới giá khí đốt tăng kỷ lục và đã làm thay đổi triển vọng dài hạn đối với khí đốt tự nhiên. Châu Âu đang gấp rút thay thế nhiên liệu của Nga trong khi các quốc gia thị trường mới nổi đang ký kết các thỏa thuận dài hạn để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tương lai.
Trong tuần này, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận 27 năm với Qatar để bảo vệ an ninh năng lượng và một nhà nhập khẩu khí đốt của Đức đã ký một hợp đồng mang tính bước ngoặt để mua LNG từ Mỹ cho đến năm 2046 - mặc dù Đức đặt mục tiêu trung hòa carbon trong năm 2045.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 60 tỷ mét khối khí đốt mới đã được phê duyệt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu diễn ra, gần gấp đôi tốc độ so với thập kỷ trước.
Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại Credit Suisse Group AG cho biết, nhu cầu khí đốt tăng cũng có ý nghĩa đối với các cổ đông. Nhiên liệu này đã mang lại lợi nhuận trong vài năm qua trong khi việc theo đuổi các mục tiêu năng lượng xanh gặp nhiều khó khăn hơn.
Khí đốt là nguồn thu nhập chính của các công ty năng lượng bao gồm Shell và BP Plc trong vài năm qua. Nhiều năm trước, các nhà sản xuất đã lao vào lĩnh vực kinh doanh năng lượng tái tạo có tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng hiện đang cân nhắc lại các khoản đầu tư đó do lợi nhuận mờ nhạt.
“Khí tự nhiên hóa lỏng sẽ đóng một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong hệ thống năng lượng tương lai so với hiện nay. LNG có thể được vận chuyển dễ dàng đến những nơi cần thiết nhất. Và hơn thế nữa, trung bình, khí tự nhiên thải ra lượng khí thải carbon ít hơn khoảng 50% so với than khi được sử dụng để sản xuất điện”, Giám đốc điều hành của Shell, Wael Sawan cho biết.
Shell đang có kế hoạch tăng đầu tư khí đốt tự nhiên khoảng 25% trong năm nay lên mức kỷ lục 5 tỷ USD và tiếp tục chi tiêu ở mức đó cho đến năm 2025. Năm ngoái, Shell đã cùng với Exxon Mobil Corp. và ConocoPhillips đầu tư vào việc mở rộng dự án LNG trị giá 30 tỷ USD của Qatar, là quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong ngành.
Khí đốt cũng là chìa khóa cho các kế hoạch tăng trưởng của tập đoàn năng lượng Eni SpA của Ý, đó là động lực lớn đằng sau thỏa thuận trị giá 4,9 tỷ USD để mua Neptune Energy Group) trong một dự án khí đốt ở Biển Đen. Chevron và Exxon cũng đang tuyển dụng thêm nhân viên để xây dựng các hoạt động kinh doanh khí đốt của họ ở London và Singapore.
Tại Mỹ, việc phát triển các nhà máy LNG mới đang được củng cố khi người mua ở các quốc gia bao gồm Đức và Nhật Bản ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà xuất khẩu. TotalEnergies SE đã thúc đẩy kế hoạch xây dựng một nhà ga xuất khẩu khí đốt của Mỹ trong tháng này. Một công ty Pháp cũng đang thảo luận với Ả Rập Xê Út để đầu tư vào dự án khí đốt tự nhiên khổng lồ của mình.
Tuy nhiên, vẫn còn một cuộc tranh luận về việc cần bao nhiêu khí đốt và đầu tư, và nhu cầu có thể phụ thuộc vào mức độ thành công của các quốc gia trong việc giảm khí thải.
IEA cho biết, nhu cầu khí đốt cần phải giảm đáng kể vào cuối thập kỷ này để giữ cho thế giới đi đúng hướng về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một trong những lập luận lớn nhất chống lại khí đốt tự nhiên là khí thải metan, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất khí đốt. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, rò rỉ khí hơn khoảng 3% khiến nhiên liệu này có hại cho khí hậu hơn so với than đá, làm suy yếu ngành công nghiệp khai thác khí tự nhiên.
Để quảng bá khí đốt tự nhiên như một giải pháp thay thế sạch cho than đá, các chuyên gia năng lượng đang nỗ lực cắt giảm lượng khí metan thải ra. Shell, Exxon Mobil và nhiều nhà sản xuất khác đặt mục tiêu đạt được lượng khí thải metan “gần như bằng 0” vào năm 2030 như một phần của sáng kiến được đưa ra vào năm ngoái.
“Bằng cách thực hiện nghiêm túc việc giảm phát thải khí metan, các công ty lớn tin rằng họ có thể tạo ra kim chỉ nam để đóng góp tích cực cho biến đổi khí hậu và giữ cho tài sản của họ phù hợp về mặt thương mại”, Ira Joseph, một thành viên toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận