Nhu cầu huy động vốn đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 7337/UBND-KTN gửi Bộ Giao thông vận tải về việc báo cáo Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, trên cơ sở đề cương các nội dung chính trong Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không do Cục Hàng không Việt Nam lập, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai.
Cụ thể, phạm vi nghiên cứu của Đề án là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh việc đầu tư, khai thác và quản lý kết cấu hạ tầng Cảng hàng không (CHK) Chu Lai theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo quy hoạch CHK Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trừ các công trình đảm bảo hoạt động bay tại CHK Chu Lai.
Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng giải pháp và lộ trình huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CHK Chu Lai theo phương thức PPP. Đề xuất định hướng hoàn thiện quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Quy mô đầu tư theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không) đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quy hoạch CHK Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 khoảng 30 triệu hành khách/năm.
Về nhu cầu vốn đầu tư, đề án chọn phương án 1 (theo định hướng quy hoạch cảng hàng không sân bay Chu Lai giai đoạn 2021 - 2030) có tính khả thi cao, có thể sẽ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.
Theo đó, nhu cầu huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỷ đồng; sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng; khu hàng không dân dụng (HKDD) khoảng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng theo quy định). Công suất quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 khoảng 10 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Nội dung đầu tư chủ yếu tập trung các công trình HKDD khu vực phía Đông của Cảng hàng không Chu Lai bao gồm các công trình khu bay và các công trình khu HKDD.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng diện tích đất Cảng hàng không Chu Lai khoảng 2.148,6 ha và diện tích này hiện nay do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng.
Do đó, để thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan đo đạc, phân định rõ diện tích đất hàng không dân dụng, đất quân sự và đất quân sự dùng chung (dùng chung dân dụng và quân sự) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; làm cơ sở lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và xác lập hồ sơ, thủ tục giao phần diện tích đất hàng không dân dụng cho tỉnh Quảng Nam quản lý để thực hiện dự án.
Quảng Nam đề nghị giai đoạn 1 tập trung thu hút xã hội hóa đầu tư khu vực phía Đông
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo những căn cứ pháp luật có liên quan, các tài sản hiện có ở sân bay Chu Lai thuộc sở hữu của các đơn vị trực thuộc và của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng nên thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để tham gia thực hiện dự án PPP là của Thủ tướng Chính phủ (trong trường hợp nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên) hoặc của Bộ Giao thông vận tải (trong trường hợp nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 tỷ đồng).
Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để thực hiện việc định giá các tài sản thuộc quyền quản lý và lập thủ tục bàn giao lại cho tỉnh Quảng Nam để tham gia dự án PPP, trên cơ sở đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ nhằm phù hợp với thực tế triển khai dự án PPP Cảng hàng không Chu Lai.
Để sớm đầu tư đưa vào hoạt động Cảng hàng không Chu Lai, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị giai đoạn 1 tập trung thu hút xã hội hóa đầu tư khu vực phía Đông (hiện nay là đất trống).
Sau khi các cơ chế liên quan về giải quyết đất quốc phòng, định giá tài sản trên đất đối với khu vực phía Tây (hiện đang khai thác) được giải quyết cụ thể sẽ thực hiện các thủ tục liên quan để thu hút đầu tư vào khu vực này.
UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, lấy ý kiến các thành viên Tổ Công tác 1121, các Bộ, ngành liên quan để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác 1121 và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các vướng mắc trong việc xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.
Đồng thời, thống nhất chủ trương, giao UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận tài sản, kêu gọi đầu tư, khai thác toàn bộ kết cấu hạ tầng Cảng hàng không sân bay Chu Lai theo phương thức đối tác công tư (PPP); trừ các công trình bảo đảm hoạt động bay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận