Nhu cầu hồi phục và giá bán tăng, doanh nghiệp bia báo lãi quý II tăng mạnh
Nhiều doanh nghiệp bia công bố lợi nhuận quý II tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, có đơn vị gấp đôi.
Lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh và vượt mức trước dịch
Dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động giao thương và du lịch mở cửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bia. Nhiều công ty trong ngành công bố BCTC quý II với lợi nhuận phục hồi mạnh, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và vượt qua mức trước dịch bệnh.
Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB), doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất thị trường bia Việt Nam, công bố doanh thu quý II đạt 9.008 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước và về mức tương đương quý II/2019 (trước dịch); lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.668 tỷ đồng, tăng 67% và lập kỷ lục kể từ khi lên sàn. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 16.315 tỷ đồng, tăng 25,4%; lãi ròng 2.839 tỷ đồng, tăng 46%.
Đơn vị: tỷ đồng |
“Ông lớn” ngành bia cho biết đất nước thoát khỏi tình trạng phong tỏa với việc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi kích thích tiêu dùng, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí giúp giảm thiểu tác động của việc tăng chi phí đầu vào.
SSI Research cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do công ty đã ký hợp đồng mua dài hạn cho các nguyên vật liệu chính và giá bán bình quân đã tăng thêm gần 10% trong ba quý qua. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Sabeco được kỳ vọng cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, nhờ việc mở lại hoàn toàn dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các hoạt động vui chơi giải trí, và lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên. Đồng thời, trong bối cảnh áp lực lạm phát và thu nhập giảm, doanh nghiệp bia có thể được hưởng lợi nhờ có tỷ trọng bia dành cho phân khúc phổ thông cao. Về mặt chi phí, chi phí hàng hóa (mạch nha, hoa bia) giảm sẽ giúp công ty tăng tỷ suất lợi nhuận.
Tương tự, Bia Sài Gòn – Miền Trung (HoSE: SMB) báo cáo doanh thu quý II tăng 24% đạt 399 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 72,5 tỷ đồng, tăng 47,3%. Nửa đầu năm, doanh thu tăng 15% lên 682 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 40% lên 109 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty lý giải lợi nhuận tăng nhờ giá vật tư nửa đầu năm tăng chậm hơn dự kiến và đơn vị ghi nhận tăng lợi nhuận hoạt động tài chính từ lãi tiền gửi.
Nhiều doanh nghiệp bia khác như Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi (UPCoM: BSQ), Bia Sài Gòn – Hà Nội (UPCoM: BSH), Bia Hà Nội – Hải Dương (HNX: HAD) ghi nhận lợi nhuận tăng trên 73% nhờ giá bán sản phẩm, tiêu thụ tăng bù đắp chi phí nguyên liệu tăng và tiết kiệm trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh.
Đơn vị: tỷ đồng |
Triển vọng phục hồi tích cực sau dịch bệnh
Trong 2 năm 2020 và 2021, ngành bia chịu tác động kép của dịch bệnh và Nghị định 100 phạt nặng người tham gia giao thông sử dụng bia trước khi lái xe. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ bia. Nhiều đơn vị nhận định rằng ngành bia sẽ phục hồi tích cực từ năm nay nhờ dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Chứng khoán MBS, sự mở cửa cho hoạt động du lịch và giải trí sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội từ đầu năm nay đem lại sự hồi phục và tăng trưởng tích cực cho ngành bia Việt Nam, khi khách hàng có tâm lý mua sắm và giải trí nhiều hơn để bù lại quãng thời gian dịch bệnh hạn chế tiêu dùng. Thị trường bia có thể quay về sản lượng tiêu thụ của thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019) bắt đầu từ năm 2023.
SSI Research nhận định ngành thực phẩm đồ uống là một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 (do giãn cách xã hội chặt chẽ trong quý III/2021) và bình thường hóa từ nửa cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, các kênh thương mại phục hồi hoàn toàn khi khách sạn, nhà hàng, quán cà phê được mở lại hoàn toàn và lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên (Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3/2022).
Ngoài ra, giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hưởng điều chỉnh giảm trong các quý tới giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thực phẩm đồ uống có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Tương tự, Agriseco dẫn ước tính Eurononitor nhu cầu thị trường bia Việt Nam sẽ tăng 11% trong 3 năm tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kéo theo xu hướng gặp gỡ trực tiếp giữa người với người tăng lên. Mặt khác, giá bán bia tại Việt Nam đang trong đà tăng trước ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukrane kết hợp đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá nguyên liệu như lúa mạch, vỏ lon nhôm/chia thủy tinh… và chi phí vận chuyển tăng lên. Giá bia kể từ quý II đã tăng 15-30%.
Khi đó, đại diện ngành bia - Sabeco được kỳ vọng có thêm thị phần với các chiến lược marketing như tung sản phẩm trẻ trung và năng động, tham gia tài trợ và tổ chức nhiều sự kiện (Sea Games 31, Tổng cục Du lịch, thỏa thuận độc quyền với Liên đoàn bóng đá Việt Nam) để tiếp cận thêm người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Qua đó, Agriseco cho rằng Sabeco sẽ gia tăng sản lượng tiêu thụ kể từ năm nay so với nền thấp 2 năm trước.
Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, công nghệ chuyển đổi số “Sabeco 4.0” từ cuối năm 2020 và việc đáp ứng đủ nguyên liệu cho năm 2022 có thể hỗ trợ tốt cho lợi nhuận của Sabeco.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận