Nhộn nhịp mua cổ phần công ty điện mặt trời
Nhiều doanh nghiệp đã gia tăng vốn góp vào các dự án sản xuất điện mặt trời.
Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) vừa công bố thông tin đã nhận chuyển nhượng 23 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Điện mặt trời EuroPlast Long An, tương đương sở hữu 76,67% vốn điều lệ. Công ty này đang là chủ của dự án nhà máy Điện mặt trời Europlast Long An với tổng mức đầu tư 1.157 tỉ đồng với công suất 50 MW.
Trong thông báo nhận chuyển nhượng cổ phần, ASM không nêu chi tiết số tiền góp vốn. Nhưng một công bố trước đây từng đưa ra là sẽ chi 25,5 tỉ đồng để mua 85% vốn Công ty cổ phần điện mặt trời EuroPlast Long An. ASM đang tập trung vào lĩnh vực khai thác điện mặt trời khi hôm qua dã khánh thành nhà máy điện mặt trời Sao Mai Solar PV1 tại An Giang với tổng vốn gần 6.000 tỉ đồng, tổng công suất phát điện 210 MWp, trải dài trên diện tích 275 ha. Bên cạnh đó, ASM đang có nhiều dự án ở một số tỉnh như Bến Tre, Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk...
Nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã bắt đầu tham gia mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như Tập đoàn Thành Thành Công giữa năm 2017 đã công bố sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD để xây dựng và vận hành khoảng 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Đến nay công ty này đã đưa 7 nhà máy đi vào hoạt động và hòa lưới điện quốc gia.
Điện mặt trời Việt Nam cũng thu hút hàng loạt dòng vốn ngoại tham gia trực tiếp lẫn gián tiếp. Cụ thể là tập đoàn Fujiwara của Nhật Bản cũng được tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án điện 100 MW trị giá 64 triệu USD. Hay mới đây Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) công bố tăng thêm 65 triệu USD cho hai công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên với công suất phát điện kết hợp khoảng 100 MW.
Trong năm 2018, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan đã ký thỏa thuận chi 35,2 triệu USD để mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên. B.Grimm Powe cũng hợp tác với Tập đoàn Xuân Cầu để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh.
Hay nhà máy điện mặt trời Mũi Né với công suất 40 MW mới đi vào hoạt động là sự hợp tác đầu tiên giữa công ty Dragon Capital và công ty Pacifico Energy trong lĩnh vực năng lương tái tạo tại Việt Nam. Đây là khoản đầu tư thứ ba của Công ty Dragon Capital vào các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước...
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, có 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW đã được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công - tính đến hết ngày 30.6.2019. Các dự án này được hưởng mức giá mua điện tương đương 9,35 Uscent/kWh trong thời gian 20 năm theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận