24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hà My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Nhôm giá rẻ Trung Quốc phá giá thị trường khủng khiếp”

"Với lợi thế giá rẻ, nhôm Trung đã phá giá thị trường khủng khiếp khiến các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn"...

Đó chính là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Nhôm Sông Hồng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam tại Hội thảo Hiệp định Thương mại EVFTA diễn ra ngày 23/7.

Cạnh tranh sòng phẳng với nhôm Trung Quốc

Ông Nguyễn Minh Kế cho biết nhôm Trung Quốc với lợi thế giá rẻ đã phá giá thị trường khủng khiếp khiến các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn, trong khi lao động trong ngành nhôm là lớn.

"Đây sẽ là điểm tựa về mặt pháp lý để chống lại cuộc cạnh tranh không lành mạnh của nhôm thanh định hình của Trung Quốc vào Việt Nam. Trước mắt, Hiệp hội sẽ xây dựng lại hệ thống nhôm thanh định hình Việt Nam để xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng rành mạch và có điểm tựa để cạnh tranh sòng phẳng với hàng xuất xứ từ Trung Quốc", ông Kế nói.

Cũng theo vị doanh nhân này, các doanh nghiệp Việt cũng cần tự hoàn thiện mình áp dụng khoa học kĩ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh sòng phẳng với nhôm Trung Quốc. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng nhất vào việc đầu tư công nghệ, hoàn thiện con người.

Riêng với thị trường EU, ông Kế nói rằng cơ hội còn rất nhiều nhưng cần có sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách thuế.

Ông Vũ Văn Phụ, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội cho rằng, để vào được thị trường EU, hiện thị trường mới chiếm 5% doanh số xuất khẩu, trước tiên các doanh nghiệp phải có các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường đó.

"Hàng vào Châu Âu là phải chất lượng, những doanh nghiêp muốn xuất khẩu phải có năng lực bởi cơ hội từ thị trường này rất lớn. Các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ nội dung của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong đó có quy tắc về xuất xứ hàng hoá. Doanh nghiệp Việt mà đuối về xuất xứ hàng hoá thì cần khắc phục ngay, nguồn nguyên liệu cho sản xuất như thế nào để phù hợp với hiệp định thương mại đó để khi xuất khẩu, doanh nghiệp không vi phạm quy định xuất xứ của EVFTA", ông Phụ phân tích.

Về việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc và lẩn tránh thuế, ông Phụ khẳng định không còn phụ thuộc vào nguồn hàng từ Trung Quốc bởi các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng được nguồn nguyên liệu. Nếu không sản xuất được có thể nhập khẩu từ một số thị trường khác nhưng vẫn phải đáp ứng tiêu chí trong FTA.

"Ngành công nghiệp nhôm Việt Nam còn tương đối non trẻ nhưng tốc độ phát triển và tiếp thu công nghệ nhanh, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì có thể nói trong top đầu về sản lượng và chất lượng, thậm chí xuất khẩu lớn", ông Phụ cho hay.

Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế chống lẩn tránh

Tại hội thảo, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam đã có 13 hiệp định thương mại được ký kết trong đó có 11 hiệp định đang thực hiện, 2 hiệp định (trong đó có EVFTA) đang chờ các văn bản hướng dẫn và một số hiệp định thương mại khác đang được Việt Nam đàm phán.

Theo bà Thuỳ, trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) có các nội dung như mua sắm Chính phủ, rào cản thương mại, thuế, thương mại hàng hóa… Trong đó, quy tắc xuất xứ và cắt giảm thuế quan được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Trong chương thương mại hàng hóa nó có hai phần, thứ nhất là quy tắc xuất xứ và thứ hai là cắt giảm thuế quan. Hai mệnh đề này luôn song hành với nhau.

"Sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta chỉ nói về thuế quan mà không nói về quy tắc xuất xứ. Đôi khi, chúng ta thường quan tâm khi Hiệp định nào có hiệu lực thì những dòng thuế nào sẽ về 0% ngay, không có gì là cho không biếu không cả. Hàng hóa của Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ muốn vào các thị trường. Mà quy tắc xuất xứ là thiết kế riêng cho từng mã hàng khác nhau và thiết kế quy tắc xuất xứ là một trong những mục khó nhất, phức tạp nhất của bất kể một hiệp định thương mại nào. Cho nên khi nói thuế quan bằng 0 thì không đơn giản là chỉ có màu hồng", bà Thuỳ nói.

Theo vị chuyên gia này, hàng hóa được thiết kế riêng cho từng mã HS và đáp ứng quy tắc xuất xứ mới được ưu đãi thuế 0%. Và khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì áp dụng mức thuế thường, cao hơn rất nhiều với thuế của FTA. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể, có thể có các thị trường sẽ áp dụng thuế chống lẩn tránh.

Bà Thuỳ nhấn mạnh thuế chống lẩn tránh là cụm từ rất nóng trong giới kinh tế gần đây. Thuế chống lẩn tránh, là loại thuế áp lên những nhóm hàng mà hiện nay một quốc gia đã áp sẵn như thế rồi với một quốc gia khác, nếu chúng ta sản xuất hàng tương tự với mong mỏi đi sang các quốc gia kia thì chúng ta rất dễ áp thuế chống lẩn tránh nếu như chúng ta không chứng minh được các yếu tố đầu vào không sử dụng từ các quốc gia bị đánh thuế đó rồi.

"Thuế này ngày càng phổ biến khi chúng ta là quốc gia đang chịu sẵn thuế đó lại tiếp tục được hưởng bằng cách này hay cách khác qua các nhà máy ở nước khác và không loại trừ ngành thép (đã bị rồi) và nhôm và nhiều ngành khác từ các quốc gia như Việt Nam cũng sẽ chịu chung thuế này khi xuất khẩu tới các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand…", bà Thuỳ giả sử không có các yếu tố đầu vào của ngành nhôm, thép, chúng ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc và chỉ cần chứng minh đã có chuyển đổi cơ bản xảy ra, chuyển đổi mã HS ở mức độ nhất định thì mặc định có thuế quan ưu đãi theo FTA.

Từ đó, vị chuyên gia khuyên các doanh nghiệp nhôm hãy bình tĩnh sản xuất, chỉ cần chứng minh đã có chuyển đổi cơ bản bởi các quốc gia đã phát triển như Mỹ sẽ sử dụng bộ quy tắc xuất xứ chặt nhất để áp với nhóm hàng họ không muốn nhập khẩu như thế. Trong tương lai gần, không loại trừ các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ...sẽ áp thuế với hàng hóa từ các nước đang phát triển như Việt Nam.

"Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nắm vững quy tắc xuất xứ, làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất thì sẽ thuận lợi cho chúng ta xuất khẩu vào EU. Hải quan EU là một trong những lực lượng làm việc minh bạch và chuyên nghiệp bậc nhất thế giới", bà Thuỳ nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả