Nhóm Công tác thị trường vốn VBF đề xuất không tính tài chính xanh trong “room” tín dụng
Loạt giải pháp từ các nhóm công tác môi trường – ngân hàng – thị trường vốn để thúc đẩy tài chính ESG đã được nêu ra tại VBF, trong đó đề xuất tín dụng xanh được xét tính ngoài biên độ tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Ngày 19/3, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế và Ngân hàng thế giới tổ chức.
Tổng hợp ý kiến từ các nhóm công tác môi trường – ngân hàng – thị trường vốn xung quanh vấn đề tài chính và ESG, ông Dominic Scriven - Trưởng nhóm Công tác Thị trường vốn VBF nhấn mạnh về chữ E – môi trường.
“Chữ E - môi trường là yếu tố khó tránh khỏi. Nhóm công tác môi trường dù thành lập cách đây 2 - 3 năm, các thành viên đã nêu lên tới 27 vấn đề, tập trung chính ở nhóm nội dung phát triển bền vững, phát triển xanh và biến đổi khí hậu”, ông Dominic Scriven nêu.
Theo đại diện của nhóm công tác, Việt Nam cần xây dựng bằng được hệ thống phân loại quốc gia (taxonomy). Trong đó, cần đưa ra một khung nêu lên các khái niệm, chính sách, quy định, luật cùng các ưu đãi để thực hiện cam kết trung hỏa carbon công bằng và hợp lý cùng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Điều này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể cùng dòng tài chính cho các hoạt động đó. Ngoài các nguồn vốn truyền thống như vốn ODA, đầu tư chức trực tiếp của nước ngoài, đầu tư gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng và thị trường vốn…, thị trường đang hình thành các dòng vốn đặc biệt cho phát triển xanh.
“Nhóm công tác ngân hàng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các nguồn vốn tài chính xanh, tín dụng xanh được tính ngoài biên độ tăng trưởng tín dụng hàng năm”, ông Dominic Scriven nêu ra một giải pháp để thúc đẩy dòng tài chính cho lĩnh vực này.
Việt Nam cần xây dựng các lựa chọn để tận dụng và điều hướng dòng vốn. Thách thức từ những vấn đề này đang được cảm nhận ngày càng rõ hơn khi nhìn vào thuế và các rào cản khác mà các đối tác của Việt Nam gặp phải. Điển hình nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) sắp tới, dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tại Mỹ cũng đang trong quá trình xây dựng hay các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến chủ thể rửa xanh – tổ chức có hành vi làm sai lệch hay bóp méo thông tin để khiến người tiêu dùng tin rằng doanh nghiệp đó có trách nhiệm với môi trường.
Về hoạt động công bố thông tin, đại diện nhóm Công tác Thị trường vốn VBF cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp không chỉ cần theo đuổi chuẩn mực kế toán IFRS như hiện tại, mà còn tiến tới chuẩn mực Quốc tế về tính bền vững (ISSB). Nhóm công tác cũng kiến nghị Việt Nam và các doanh nghiệp sớm nghiên cứu thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD), thực hiện quản trị rủi ro về vốn tự nhiên, sự ổn định đa dạng sinh học, nghiên cứu thị trường tín chỉ đa dạng sinh học.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận