Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn liệu còn tiếp tục gặp khó?
Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực khi tái thủng mốc 1.000 điểm kéo theo hàng loạt cổ phiếu chìm sâu, chưa biết đâu là đáy. Các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhất là cổ phiếu trụ phải cần một lượng tiền lớn mới có thể tăng giá được. Dự báo, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn còn tiếp tục gặp khó.
Có thể thấy, các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhất là cổ phiếu trụ phải cần một lượng tiền lớn mới có thể tăng giá được. Tuy nhiên, mặt bằng chung thanh khoản đang ở mức rất yếu và được cho là đứng trước nguy cơ gặp “khủng hoảng thanh khoản” khi hàng loạt thông tin kém tích cực bủa vây.
Lấy ví dụ về cổ phiếu HPG. Hiện tại, Hòa Phát vẫn đang trong top đầu trên cả 3 sàn về vốn điều lệ với hơn 58.000 tỷ đồng, vượt qua cả các nhà băng lớn nhất nhất thị trường và chỉ đứng sau VPB (hơn 67.000 tỷ đồng). Đồng thời, số lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) của HPG cũng nhiều thứ hai sàn với gần 3,2 tỷ đơn vị.
Song, chính điều này lại là áp lực khiến giá cổ phiếu HPG chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dòng tiền hiện đã không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ”. Điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2021 khi giá trị giao dịch của HPG có phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhờ lực cầu vô cùng lớn, gánh thanh khoản của cả thị trường.
Thực tế, làn sóng nhà đầu tư mới, động lực chính cho sự bứt phá của thị trường giai đoạn trước cũng đã hạ nhiệt. Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã liên tục sụt giảm sau khi đạt đỉnh và chỉ còn chưa đến 100.000 tài khoản trong tháng 10, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Thanh khoản thị trường cũng theo đó ngày càng sụt giảm. Giá trị khớp lệnh bình quân liên tục sụt giảm các tháng gần đây xuống mức 9.300 tỷ đồng/phiên trong tháng 10, thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Sang tới tuần đầu tháng 11, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chỉ quanh mức 9.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất đã kéo theo một lượng lớn dòng tiền rút ra khỏi thị trường để quay trở lại sản xuất kinh doanh hoặc chuyển sang kinh đầu tư khác an toàn hơn như gửi tiết kiệm. Ngoài ra, các biện pháp thắt chặt trái phiếu và tín dụng hạn chế cũng phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.
Đáng chú ý, trước diễn biến của thị trường chung, làn sóng bán giải chấp tài khoản các "sếp" doanh nghiệp địa ốc đang tạo hiệu ứng domino. Không chỉ gây ảnh hưởng đến tình trạng force sell dây chuyền, mà để quản trị rủi ro nhiều CTCK đã giảm mức giá chặn vay (mức giá tối đa khi cho vay), thậm chí cắt margin với nhiều mã bất động sản, bao gồm cả những bluechip.
Hơn nữa, trước áp lực tỷ giá do Fed cấp tập hút tiền chống lạm phát, xu hướng tăng lãi suất trở nên phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Không nằm ngoài xu hướng, các CTCK cũng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay ký quỹ (margin) lên dao động tổng khoảng 13-15%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay margin đã tăng đáng kể so với mức 9 - 11% trong giai đoạn thị trường giao dịch bùng nổ cách đây một năm. Và chính những cộng hưởng từ những vấn đề trên được đánh giá sẽ tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư, từ đó gây tiêu cực đến lượng thanh khoản vốn đã “èo uột”. Đồng nghĩa với việc, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dự báo sẽ còn tiếp tục gặp khó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận