Nhóm cổ đông lớn tiếp tục nâng sở hữu tại Chứng khoán Sen Vàng, có bóng dáng Xuân Thiện Group đứng sau
Ngày 12/06, bà Thái Kiều Hương – Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Sen Vàng (OTC: GLS) đã hoàn tất mua thêm gần 1.4 triệu cp GLS, nâng sở hữu 15.13% vốn, chính thức trở thành cổ đông lớn. Giao dịch này cũng đồng thời gia tăng sở hữu của nhóm cổ đông liên quan.
Cụ thể, giao dịch được thực hiện bằng hình thức thỏa thuận, với bên mua được công bố là bà Thái Kiều Hương – thành viên HĐQT GLS, còn bên bán là cổ đông Nguyễn Khoa Đức. Sau giao dịch, bà Hương nâng sở hữu từ hơn 668 ngàn cp (tỷ lệ 4.95%) lên hơn 2 triệu cp (tỷ lệ 15.13%), chính thức trở thành cổ đông lớn GLS. Ngược lại, ông Đức giảm sở hữu về 0% và không còn là cổ đông.
Theo tìm hiểu, bà Thái Kiều Hương sinh năm 1973 tại Hà Nội. Hiện bà đang sinh sống tại tòa nhà D’. Le Roi Soleil, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Bà Hương còn là người có liên quan với Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An – tổ chức cũng đang nắm giữ 2.7 triệu cp GLS, tương đương 20% vốn. Do đó, sau giao dịch kể trên, tổng sở hữu của nhóm cổ đông này đã lên đến hơn 4.74 triệu cp, tương đương 35.13% vốn điều lệ GLS.
Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An được thành lập ngày 12/02/2018 với tên Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình, hoạt động chuyên về chăn nuôi dê và cừu, có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Xuân Thiện, khu đô thị Xuân Thành, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Thời điểm mới thành lập, Công ty có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (thành viên thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) nắm 98%, CTCP Tư vấn Đầu tưu DTH Quốc tế và CTCP Nam Anh Tú chia đều nhau 2% còn lại. Khi này, Công ty do ông Nguyễn Huy Hoàng làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Tháng 7/2023, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An như hiện tại, hoạt động chính chuyển sang sản xuất và chế biến nông sản, rau, củ, quả, trái cây. Cơ cấu sở hữu cũng có sự thay đổi lớn, khi bà Thái Kiều Hương nắm 99% và ông Nguyễn Đức Toàn nắm 1% còn lại. Riêng ông Toàn giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, nhưng đến tháng 5/2024 được thay thế bởi ông Đỗ Viết Tập.
Trước đó, trong ngày 11/04, bà Hương, Công ty Khang An cùng 2 cá nhân khác gồm ông Hồ Ngọc Bạch và ông Lê Huy Dũng đã nhận chuyển nhượng tổng cộng gần 6.6 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 48.53% vốn GLS từ ông Cao Tấn Thành. Ngoài ra, ông Lê Huy Dũng còn nhận thêm hơn 2.2 triệu cp (tỷ lệ 3.7%) từ ông Chu Tuấn An. Sau giao dịch nhóm cổ đông này này nắm 64.86% vốn.
Giao dịch chuyển nhượng vốn của GLS ngày 11/04/2024
Sau giao dịch chỉ vài ngày (15/04/2024), HĐQT GLS thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Cao Tấn Thành và được thay thế bởi ông Lê Huy Dũng.
Được biết, ông Lê Huy Dũng sinh năm 1967 tại Hà Nội, từng giữ nhiều vai trò quan trọng tại Vietbank (VBB) như Phó Tổng giám đốc, Quyền Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc vùng Hà Nội trong giai đoạn tháng 8/2017 đến tháng 1/2024 . Những năm trước đó, ông kinh qua nhiều vị trí tại hàng loạt ngân hàng như ACB, Đại Á Bank, Vietcombank và Habubank.
Với ông Cao Tấn Thành, lượng lớn cổ phiếu do ông sở hữu được nhận từ 4 cổ đông khác gồm ông Trần Phương, bà Nguyễn Thùy Quyên, bà Phùng Thị Cẩm Nhung và ông Nguyễn Anh Dũng, vào ngày 29/12/2023.
Như vậy, sự đến và rời đi chóng vánh của ông Thành cho thấy cá nhân này rất có thể là người đại diện đứng ra gom cổ phiếu để chuyển nhượng toàn bộ cho nhóm cổ đông mới.
Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2023 của GLS
Sen Vàng muốn đổi tên thành Xuân Thiện
Về phần GLS, bên cạnh nhiều biến động thường tầng, nhiều diễn biến cho thấy GLS đang chuyển mình. ĐHĐCĐ thường niên 2024 ngày 15/04 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng với hoạt động của Công ty.
Đầu tiên là kế hoạch chào bán riêng lẻ 500 triệu cp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp trong quý 2-4/2024, tăng vốn điều lệ thêm 5,000 tỷ đồng. Giá chào bán 10,000 đồng/cp. Phần lớn số tiền thu về sẽ được bổ sung cho hoạt động cho vay ký quỹ (3,000 tỷ đồng), tự doanh (1,800 tỷ đồng).
Kế hoạch sử dụng vốn huy động của GLS
Nguồn: GLS
Công ty cũng đang lên kế hoạch bổ sung nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và kinh doanh chứng khoán phái sinh. Hiện tại, GLS chỉ còn nghiệp vụ môi giới và tư vấn đầu tư; mất kết nối với 2 sở giao dịch chứng khoán và đang trong diện kiểm soát.
Một nội dung khác là việc thay đổi trụ sở Công ty từ Lầu 3-4, số 164 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM sang Tòa nhà D’. Le Roi Soleil, quận Tây Hồ, TP Hà Nội - cũng chính là tòa nhà nơi thành viên HĐQT Thái Kiều Hương đang sống.
Ngoài ra, Công ty còn muốn đổi tên thành CTCP Chứng khoán Xuân Thiện, viết tắt là XTSC.
Năm 2024, Công ty xây dựng kế hoạch tập trung vào việc xin ra khỏi diện kiểm soát, khôi phục các nghiệp vụ và kết nối 2 sở. Theo đó, Công ty lên kế hoạch thận trọng gồm doanh thu 5.1 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 91 triệu đồng, lần lượt giảm 32% và 90% so với năm trước.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của GLS
Đvt: VND
Nguồn: GLS
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận