Nhóm cho vay lãi nặng trục lợi hơn 58 tỷ đồng
Cầm đầu ổ nhóm tín dụng này là Lê Công Hanh (SN 1991, trú tại Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương).
Lợi dụng việc người dân có nhu cầu sử dụng tiền nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng, các tổ chức tín dụng rất khó khăn, Hanh cùng đồng bọn đã mở các quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính để hoạt động việc cho vay tín chấp bằng thủ tục đơn giản chỉ cần viết giấy vay tiền, để lại giấy tờ tùy thân rồi cho vay với lãi suất cao để thu lợi bất chính.
Quá trình đấu tranh, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Hà xác định 7 quán đã cho 3.783 hợp đồng vay tiền, tổng số tiền cho vay hơn 58 tỷ đồng, tiền lãi đã thu về hơn 24 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án trên, ngày 31/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Hà cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND huyện Thanh Hà đề nghị truy tố các bị can: Lê Công Hanh; Lê Văn Hà (SN 1982); Tiêu Văn Ngọc (SN 1995); Lê Văn Vĩnh (SN 1977); Hoàng Văn Hanh (SN 1986); Hoàng Mạnh Tiến (SN 1992); Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1992); Tiêu Văn Hưng (SN1989); Vũ Thanh Tùng (SN 1998, đều ở xã Cẩm Chế); Phan Công Quý (SN 1982, ở xã Thanh Lang); Nguyễn Công Quỳnh (SN1992, ở xã Tân Việt); Tạ Văn Thắng (SN 1987, ở xã Bình Dân, huyện Thanh Hà); Vũ Ngọc Tuấn (SN 1982, ở xã Nam Thái, huyện Nam Trực, Nam Định); Phí Ngọc Quang (SN 1998 ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và Lê Văn Đông (SN 1986, ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Lê Công Hanh là đối tượng có nhiều tiền sự. Quá trình điều tra xác định từ năm 2017 đến ngày 17/6/2020, Hanh đã mở 7 quán cầm đồ gồm: Quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà (hay gọi là quán Tân Việt), do Lê Văn Vĩnh và Hoàng Văn Hanh quản lý, trông coi và cho vay lãi nặng; quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở số nhà 151 Trần Nhân Tông, thị trấn Thanh Hà, hay gọi là quán thị trấn 1 do Phí Ngọc Quang và Tiêu Văn Hưng quản lý, trông coi và cho vay lãi nặng; quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở số nhà 52 Nguyễn Hải Thanh, thị trấn Thanh hay gọi là quán thị trấn 2 do Vũ Thanh Tùng và Hoàng Mạnh Tiến quản lý, trông coi và cho vay lãi nặng; quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở xóm 1, xã Tân An do Vũ Ngọc Tuấn quản lý, trông coi và cho vay lãi nặng; quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở thôn Du La, xã Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương (hay gọi là quán Cẩm Chế) do Lê Văn Đông và Tiêu Văn Ngọc quản lý, trông coi và cho vay lãi nặng; quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở thôn 2, xã Thanh Xá hay gọi là quán Thanh Xá do Nguyễn Tuấn Dũng và Nguyễn Văn Tùng quản lý, trông coi và cho vay lãi nặng; quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở xóm 3, thôn Cổ Chẩm hay gọi là quán Việt Hồng do Nguyễn Công Quỳnh; Tạ Văn Thắng và Phan Công Quý quản lý, trông coi và cho vay lãi nặng.
Từ thông tin trên, ngày 17/6/2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Công an huyện Thanh Hà kiểm tra 7 quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn huyện Thanh Hà, Hải Dương.
Quá trình kiểm tra xác định có dấu hiệu của hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Hanh làm chủ. Tại cơ quan Công an, Hanh khai nhận: Để quản lý các quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính, Hanh đã mua bản quyền sử dụng phần mềm quản lý trên website “ag.mecash.vn” với các tài khoản khác nhau…, tương ứng với 7 quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính của Lê Công Hanh cùng biên bản làm việc với các đối tượng, thấy 7 quán đã cho 3.783 hợp đồng vay tiền, tổng số tiền cho vay hơn 58 tỷ đồng, tiền lãi đã thu về hơn 24 tỷ đồng.
Lê Công Hanh hoạt động cho vay tiền với hình thức vay tín chấp, quy định lãi suất cho vay trong các quán của mình từ 3.000 đồng/triệu đồng/ngày đến 5.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương với lãi suất từ 109,5% đến 182,5%/năm); chỉ một số trường hợp thân quen thì Hanh mới cho vay với lãi suất dưới 3.000 đồng/triệu/ngày, thời gian đóng lãi 1 tháng/lần.
Hợp đồng cho vay lãi.
Khi khách đến vay tiền nếu khoản vay dưới 20 triệu thì nhân viên tự quyết định việc cho khách vay, trường hợp khách vay số tiền từ 20 triệu đồng trở lên thì nhân viên phải gọi điện thông báo cho Hanh biết. Lúc này, Hanh yêu cầu nhân viên xác minh thông tin về khách để báo lại cho Hanh, sau đó Hanh là người quyết định việc có cho khách vay tiền hay không và mức lãi suất.
Sau khi được sự đồng ý của Hanh thì các nhân viên sẽ yêu cầu khách viết giấy biên nhận vay tiền theo mẫu in sẵn của quán cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Trên giấy cam kết vay tiền thể hiện thông tin người cho vay là Hanh còn nhân viên của quán là người cho vay, đồng thời có mục thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày vay tiền, số tiền vay của người vay tiền (không ghi lãi suất).
Người vay tự điền đầy đủ các thông tin trên rồi ký tên và điểm chỉ vào phần người vay theo sự hướng dẫn của nhân viên của quán, sau đó giao lại giấy vay tiền cho nhân viên, ngoài ra khách vay tiền còn phải để lại các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe…
Sau khi giao tiền cho khách thì nhân viên sẽ nhập thông tin vào phần mềm cài trong máy tính của quán, hoặc ghi vào giấy để cuối ngày mang về đưa cho Lê Công Hanh hoặc Lê Văn Hà nhập vào tài khoản trên phần mềm “ag.mecash.vn” để theo dõi, quản lý.
Đến kỳ đóng lãi, người vay sẽ đến quán đưa tiền lãi trực tiếp cho nhân viên, mỗi trường hợp đóng lãi hoặc thanh toán tiền gốc đều được cập nhật thông tin vào tài khoản quản lý của quán trên phần mềm “ag.mecash.vn” vào thời gian sau đó. Người nào chậm trả thì nhân viên của các quán sẽ gọi điện nhắc hoặc trực tiếp đến nhà người vay để thu tiền.
Hành vi phạm tội của bị can Lê Công Hanh, Lê Văn Hà và các bị can khác là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, cụ thể trong lĩnh vự kinh doanh tiền tệ đã được pháp luật bảo vệ. Hành vi phạm tội của bị can còn mang tính chất bóc lột làm cho người vay tiền lâm vào hoàn cảnh khó khăn...
Việc Công an tỉnh Hải Dương và Công an huyện Thanh Hà phối hợp triệt phá ổ nhóm tội phạm trên góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận