24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhờ đâu nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất tăng sức hút trở lại?

Tính đến hết tháng 8, VN-Index đã hồi phục 33% từ đáy hồi cuối tháng 3/2020. Đáng chú ý khi nhiều mã thuộc nhóm ngành phân bón - hóa chất lại có mức tăng giá tốt hơn thị trường chung, điển hình như DPM, DCM hay DGC. Liệu đây chỉ là “phong độ nhất thời” hay sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất  đã thực sự quay trở lại?

Sau cú giáng đòn bất ngờ của dịch Covid-19, TTCK Việt Nam đã liên tục lao dốc và tạo đáy vào hồi cuối tháng 3/2020. Và cũng từ thời điểm đó, hầu như toàn thị trường đều hồi phục trở lại. Mức hồi phục của VN-Index tính từ tháng 4 đến tháng 8/2020 đạt 33%, đối với chỉ số HNX-Index là 35%.

Điều đáng ngạc nhiên là nhiều mã cổ phiếu ngành phân bón - hóa chất (PB-HC) lại có mức tăng tốt hơn hẳn thị trường chung, điển hình như DPM, DCM, BFC, DGC hay CSV. Không những vậy, thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này cũng gia tăng đột biến so với những tháng trước đó.

Mức tăng giá của một số cổ phiếu ngành PB-HC từ tháng 4 đến tháng 8/2020

Nhờ đâu nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất tăng sức hút trở lại?
Nguồn: VietstockFinance

Kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực

Bất chấp đại dịch, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành PB-HC đã khởi sắc rõ nét trong năm 2020. Những ông lớn trong ngành đều đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, dù tình hình kinh tế chung còn ảm đạm.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của một số doanh nghiệp ngành PB-HC. Đvt: Tỷ đồng

Nhờ đâu nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất tăng sức hút trở lại?
Nguồn: VietstockFinance

Điển hình như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM), sau nửa đầu năm 2020, sản lượng sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy NPK ước tăng 60% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng Đạm Phú Mỹ sản xuất ước tăng 63% so cùng kỳ; sản lượng sản xuất của Nhà máy NPK cũng gia tăng 44%. DPM đem về gần 3,876 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 408 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 11% và 390% so cùng kỳ.

Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) đạt mức tăng trưởng tới 566% lợi nhuận trong nửa đầu năm 2020. Kết quả khả quan phần nhiều nhờ đóng góp của quý 2/2020 với con số lãi ròng gần 53 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất trong 8 quý của BFC (kể từ quý 3/2018). Phía Công ty cho biết doanh thu lũy kế 6 tháng chỉ đạt 43% kế hoạch cả năm 2020, cùng với việc ngập mặn đã suy giảm, dấu hiệu tích cực này có thể hỗ trợ tăng doanh thu trong những tháng cuối năm. Khác với chi phí đầu vào rất biến động, giá phân NPK lại ổn định hơn do phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu nông nghiệp.

Một đơn vị cũng gặp nhiều thuận lợi là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC). Tính riêng 6 tháng đầu năm, DGC đã đem về 3,096 tỷ đồng doanh thu thuần và 445 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 25% và 59% so cùng kỳ. Kết quả này đến từ các yếu tố: 1) Doanh thu nước ngoài đóng góp 76% doanh thu; 2) thiệt hại do cháy nổ vào tháng 06/2020 gây thiệt hại 8 tỷ đồng nên không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DGC; 3) lợi nhuận từ công ty con - Công ty TNHH Hóa chất Đức Giang Lào Cai & Đình Vũ; 4) biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 17.8% lên mức 22.3% nhờ chi phí nguyên liệu thấp, giá điện giảm.

Hưởng lợi nhờ giá dầu, giá điện

Giá dầu thế giới tiếp đà giảm sang đầu năm 2020 và tạo đáy vào hồi tháng 4 - tháng 5. Với tình hình giá dầu thấp kéo dài đã tạo thời cơ cho nhiều doanh nghiệp tích trữ được lượng nguyên liệu đầu vào (các nguyên liệu từ dầu khí) giá rẻ.

Theo đánh giá của ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Môi giới của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những nhóm ngành hưởng lợi đáng kể từ giá dầu thấp gồm nhiệt điện khí, vận tải, sản xuất nhựa, sản xuất phân bón - hóa chất,…

Giá dầu thế giới “hụt chân” trong tháng 4 và tháng 5/2020. Đvt: USD/thùng

Nhờ đâu nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất tăng sức hút trở lại?

Thực tế, giá khí nguyên liệu đầu vào giảm mạnh làm cho giá thành sản phẩm của DPM hạ thấp hơn cùng kỳ. Điều này giúp cho DPM cải thiện đáng kể biên lãi gộp trong nửa đầu năm 2020, đạt 23.5% (cùng kỳ ở mức 15.1%).

Nhờ đâu nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất tăng sức hút trở lại?
Nguồn: VietstockFinance

Tình hình của DCM và BFC cũng tương tự. Ban lãnh đạo của BFC cho biết giá Urê đầu vào bất ngờ giảm đã giúp lợi nhuận tăng mạnh, điều này dự báo có thể tiếp diễn trong những tháng cuối năm 2020.

Về phần DGC, Công ty Chứng khoán MiraeAsset chỉ ra chi phí điện chiếm khoảng 35% - 45% chi phí sản xuất sản phẩm chủ lực (Phốt pho vàng) của doanh nghiệp này. Hiện tại, giá điện năm 2020 dự kiến nếu không tăng sẽ tạo lợi thế về mặt tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, giá nguyên liệu phốt pho thế giới nửa đầu năm 2020 thấp hơn 10% - 20% so với năm 2019 là nhân tố hỗ trợ tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận.

Nhìn lại, có thể thấy phần nhiều sản phẩm của DGC là phụ trợ của ngành nông nghiệp hoặc gián tiếp là sản phẩm đầu vào của ngành phân bón.

Nhờ đâu nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất tăng sức hút trở lại?

DGC vừa hủy niêm yết tại sàn HNX và chuyển sang niêm yết cổ phiếu lên HOSE vào ngày 28/07/2020. Một trong những động thái mới đây nhất của DGC là sản xuất thành công DAP 18/46 (phân bón) và Chloramin B (chất phun khử trùng, diệt khuẩn/virus). Đây là 2 sản phẩm mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trong thời gian qua, chịu sự phụ thuộc cũng như rủi ro về tình trạng khan hiếm, đẩy giá.

Câu chuyện về thuế suất

Thuế suất cũng đang là một câu chuyện đáng chú ý đối với nhóm doanh nghiệp ngành phân bón. Thông tin mà giới đầu tư quan tâm gần đây là kỳ vọng sản phẩm phân bón có thể sẽ được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như trước, qua đó giúp các doanh nghiệp trong ngành được khấu trừ thuế đầu ra và giảm chi phí.

Thực tế trong những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Mặc dù chủ trương khuyến khích này là hoàn toàn hợp lý, song, theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Luật thuế 71/2014/QH13 đưa mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT đã dẫn đến một số bất cập. Điều này làm phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh hơn về giá, gia tăng nhập siêu và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất. Sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, người nông dân phải mua phân bón với giá cao.

Việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ; doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%, dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Đó là lý do các doanh nghiệp ngành phân bón vẫn đang kỳ vọng sẽ được đưa vào diện chịu thuế GTGT như trước. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về vấn đề này.

Triển vọng từ hiệp định EVFTA

Một yếu tố nữa tác động đến triển vọng của lĩnh vực PB-HC là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hiệp định này đã được đàm phán từ năm 2012 đến năm 2015 và chính thức được ký kết ngày 30/6/2019. Khi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/08/2020, thuế xuất, nhập khẩu phân bón được miễn giảm thì phân bón nhập khẩu vào Việt Nam từ EU (Liên minh Châu Âu) như Urê, phân DAP, MAP, phân hữu cơ đang được sản xuất và tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với phần lớn phân bón mà nguyên liệu đầu vào không có lợi thế về chính sách thuế. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn mà EU đề ra, ngành phân bón Việt Nam còn nhiều cơ hội để bứt phá.

Theo thống kê, phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Hà Lan và Bỉ chiếm 90% lượng phân hữu cơ nhập khẩu từ EU và 38% tổng lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường phân bón hữu cơ có bước tăng trưởng mạnh mẽ tại EU. Nguyên nhân chủ yếu là do các nước EU đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, do vậy sản lượng tiêu thụ phân bón vô cơ có xu hướng giảm dần qua các năm (dự báo giảm khoảng 1.8%/năm, một số quốc gia như Pháp, Ðức, Tây Ban Nha đã giảm 30% mức sử dụng hóa chất nông nghiệp). EU sẽ sớm thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.

Như vậy, ngành PB-HC đang có nhiều điểm tựa hỗ trợ cho đà trỗi dậy trong năm 2020. Trong bối cảnh nền kinh tế chững lại, việc gia tăng đáng kể lợi nhuận đã tạo sức hút đối với nhóm cổ phiếu ngành phân bón. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng những chính sách về thuế vẫn đang có “tác dụng ngược”, trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp đà hồi phục sẽ kéo giá nguyên liệu đầu vào dần tăng trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả