Nhờ đâu lợi nhuận ngành bất động sản tăng trưởng 30% trong quý 1/2020?
Dù doanh thu thuần của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết giảm hơn 31% trong quý 1/2020 nhưng lãi ròng của các doanh nghiệp này vẫn tăng ấn tượng ở mức 30%.
Doanh thu giảm, lợi nhuận tăng
Theo thống kê của Vietstock, tính đến hết ngày 06/05/2020, có 64/68 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố BCTC quý 1/2020. Những doanh nghiệp này mang về 38,463 tỷ đồng doanh thu thuần và 8,081 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng giảm 31% về doanh thu nhưng lại tăng đến 30% về lãi ròng so với kết quả đạt được ở quý 1/2019.
Nguyên nhân của sự tăng giảm không đồng đều này chủ yếu đến từ 2 ông lớn nhà họ Vin là Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) và Vinhomes (HOSE: VHM). Cụ thể, trong 11,890 tỷ đồng doanh thu thuần sụt giảm toàn ngành, Vingroup đã chiếm hơn 54%.
Trong khi đó, lãi ròng của Vinhomes gấp 2.7 lần cùng kỳ năm trước và chiếm đến 80% lãi ròng toàn ngành. Nếu không tính lợi nhuận của VHM, lợi nhuận của ngành bất động sản niêm yết trong quý đầu năm 2020 giảm đến 60% so cùng kỳ.
Biến động doanh thu thuần của Vingroup và lãi ròng của Vinhomes trong quý 1
Đvt: Ngàn tỷ đồng
Lãi ròng của Vinhomes tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận 7,509 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án đầu tư vào công ty con. Qua đó, doanh thu hoạt động tài chính của Vinhomes tăng mạnh so với cùng kỳ (hơn 196%), đạt 8,591 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu thuần của Vinhomes cũng góp phần vào tăng trưởng lãi ròng của Công ty khi tăng hơn 11% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 6,519 tỷ đồng chủ yếu đến từ chuyển nhượng các dự án bất động sản lớn của Công ty là Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Marina.
Top 10 doanh nghiệp BĐS niêm yết có lãi ròng cao nhất quý 1/2020
Đvt: Tỷ đồng
Trong top 10 doanh nghiệp báo lãi cao, có đến 4 đơn vị có doanh thu thuần tăng so với cùng kỳ. Trong đó, Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC) dẫn đầu với mức tăng gấp 4 lần. Kết quả này của IJC đến từ việc Công ty chuyển nhượng dự án Khu đô thi IJC cho chính Công ty mẹ Becamex IDC (UPCoM: BCM).
Mặc dù doanh thu chuyển nhượng bất động sản của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) trong quý 1/2020 giảm đến 91% so với cùng kỳ làm cho doanh thu thuần của Tập đoàn chỉ còn hơn 954 tỷ đồng; tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng cao và các khoản chi phí khác sụt giảm đã “giúp” lãi ròng của NVL vẫn tăng gần 10% trong quý 1. Theo Tập đoàn, nhóm sản phẩm nhà phố, biệt thự thuộc dự án Aqua City ghi nhận mức hấp thụ tích cực trong quý 1/2020 giữa bối cảnh nhu cầu trên thị trường bất động sản giảm do tác động của Covid -19.
Lãi tăng 4, 5 lần dù doanh thu vẫn giảm
Trong quý đầu năm 2020, chuyện doanh thu giảm nhưng lãi ròng tăng mạnh xuất hiện ở khá nhiều đơn vị. BCE, QCG, D11, DIG, HU1 là một trong đơn vị như thế.
Chẳng hạn Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) đạt doanh thu thuần của QCG trong quý 1 lại giảm 78% so với cùng kỳ, chỉ còn 81 tỷ đồng, ghi nhận mức thấp nhất trong gần 5 năm trở lại đây (kể từ quý 2/2015) do trong kỳ này Công ty cắt giảm kinh doanh hàng hóa, chỉ tập trung vào thủy điện, cao su và bất động sản.
Dù vậy, QCG vẫn báo lãi “khủng” gần 30 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua, chủ yếu nhờ vào khoản lãi đột biến từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp tại CTCP Bất động sản Hiệp Phúc.
Top 10 doanh nghiệp BĐS niêm yết tăng lãi cao nhất quý 1/2020
Đvt: Tỷ đồng
Nhiều ông lớn giảm mạnh lợi nhuận
Góp mặt trong nhóm giảm lãi mạnh nhất còn có nhiều ông lớn trên thị trường như Đất Xanh (HOSE: DXG), Tập đoàn CEO, HQC, LGL, NTL…
Trong đó, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà doanh thu kinh doanh bất động sản của CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) đã sụt giảm mạnh (giảm hơn 88% so với cùng kỳ), kéo theo doanh thu thuần sụt giảm và cũng là nguyên nhân chính làm cho lãi ròng của Tập đoàn giảm hơn 90%, đạt gần 8 tỷ đồng - là mức lãi ròng thấp nhất của CEO kể từ khi niêm yết.
Tương tự với CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (HOSE: LGL), việc doanh thu thuần giảm mạnh hơn 92% đã kéo theo lãi ròng giảm mạnh gần 97% về còn chưa tới 1 tỷ đồng, là mức thấp nhất của LGL trong 15 quý liên tiếp (kể từ quý 3/3016).
Top 10 doanh nghiệp BĐS niêm yết giảm lãi lớn nhất quý 1/2020
Đvt: Tỷ đồng
Nhiều doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục
Lần đầu tiên báo lỗ sau 8 năm (từ quý 2/2011), Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết giải trình do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành du lịch hàng không, nghĩ dưỡng và bất động sản đã làm cho giá vốn của Công ty tăng mạnh. Qua đó, dù doanh thu thuần quý 1 của FLC tăng 60%, đạt 4,768 tỷ đồng nhưng lỗ gộp của Công ty vẫn đạt gần 1,448 tỷ đồng chủ yếu do giá vốn tăng. Công ty cũng thiết lập mức lỗ kỷ lục mới 1,172 tỷ đồng.
Lỗ kỷ lục không chỉ ở FLC, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) cũng ghi nhận mức lỗ ròng lịch sử hơn 18 tỷ đồng trong quý 1/2020 - là mức lỗ lớn nhất của TDH kể từ khi niêm yết (vượt qua mức lỗ ròng 14 tỷ đồng vào quý 4/2011), và là lần đầu tiên báo kết quả lỗ trong 7 năm trở lại đây (từ quý 4/2012).
Theo TDH, kết quả của sự sụt giảm này đến từ doanh thu bán hàng giảm, thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án mới chưa kịp đưa vào kinh doanh do vướng mắc các thủ tục pháp lý, trong khi các mảng hoạt động kinh doanh khác (thương mại, dịch vụ) đều giảm (so với cùng kỳ) do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh toàn cầu Covid-19.
Trong quý 1/2020, CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) báo lỗ ròng hơn 29 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu thuần sụt giảm và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Các doanh nghiệp BĐS niêm yết báo lỗ trong quý 1/2020
Đvt: Tỷ đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận