NHNN tăng siết tín dụng bất động sản, chuyên gia vẫn lo
Vốn tín dụng chảy mạnh vào bất động sản gây lo ngại sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lộ trình siết tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản bắt đầu từ năm 2019 với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%; tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%.
Những năm tiếp theo, theo lộ trình dự kiến, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm còn 35% vào năm 2020 và 30% ở năm kế tiếp, đồng thời nâng hệ số rủi ro của ngành này lên 250 - 300%.
Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tín dụng vốn đã và đang chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản trong các năm vừa qua.
Tuy nhiên, dù các ngân hàng thương mại đã áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40% ngay từ đầu năm 2019, nhưng tín dụng chảy vào bất động sản vẫn ở mức cao.
Tín dụng bất động sản ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng gây nhiều lo ngại
Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, nếu tính cả tiền cho vay mua, sửa nhà "núp bóng" vay tiêu dùng thì tín dụng đổ vào bất động sản đang chiếm tới 40%.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh cơ cấu cho vay bất động sản.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh bất động sản, tăng dần tỷ trọng tiêu dùng bất động sản, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Cụ thể, theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2018; riêng lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018.
Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473.700 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018; tín dụng tiêu dùng bất động sản (không phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản) đạt 919.600 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2018.
Dù vậy, dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu vẫn bày tỏ nỗi lo ngại khi tín dụng bất động sản vẫn ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng.
Theo vị chuyên gia, dù NHNN khuyến cáo các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay bất động sản nhưng các ngân hàng vẫn rất mặn mà bởi đó là miếng bánh ngon.
"Ngân hàng phải tập trung vào vấn đề rủi ro nhưng chính vì thế mà ngân hàng coi bất động sản là món vay rất an toàn vì có tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp minh bạch, được thẩm định.
Đó là sai lầm của ngân hàng bởi bất cứ sự tập trung nào trong dư nợ tín dụng cũng gây rủi ro lớn. Khi thị trường của những tài sản bảo đảm suy sụp, nó sẽ kéo theo sự suy sụp của cả dư nợ tín dụng.
Chính vì thế, NHNN cần có những biện pháp để thắt chặt hơn tín dụng bất động sản, không chỉ dừng ở những khuyến cáo, những biện pháp hiện tại.
Điều quan trọng trước tiên là con số tín dụng bất động sản cần phải được công bố chính xác cho tất cả mọi người thấy thực tế của tín dụng bất động sản như thế nào", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia đề nghị NHNN cần có quy định về cho vay đất nền, theo đó hạn chế, thậm chí phải cấm ngân hàng thương mại cho các đối tượng vay mua đất nền để đầu cơ. Đồng thời, các ngân hàng phải tập trung thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng và Chính phủ nên áp dụng chính sách thuế để hỗ trợ người dân mua nhà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận