Nhìn từ cách tiêu 1.000 USD tự kiếm và 1.000 USD đi vay, hé lộ tương lai giàu có hay nghèo khổ
Người đời vẫn nói, cách bạn tiêu tiền thể hiện bạn là ai. Điều này hoàn toàn đúng.
Hãy thử trả lời câu hỏi này, khoản tiền nào sẽ hết nhanh hơn: 1.000 USD có sẵn trong túi hay 1.000 USD đi vay? Đáp án là khoản nợ 1.000 USD, bởi đây là tiền của người khác, không phải do ta vất vả làm ra.
Quản lý tài chính là một yếu tố rất quan trọng khi làm giàu, bởi dù kiếm được nhiều tiền cỡ nào mà chi tiêu không hợp lý thì cũng chẳng thể đổi đời. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng: "Hãy cứ tiêu tiền đi, bởi sau này ta vẫn có thể kiếm thêm". Thế nhưng, điều khôn ngoan nhất ta cần làm để có thể tự chủ tài chính là trả hết mọi nợ nần.
Ta thường quá tự tin vào khả năng kiếm tiền của mình. Có một sự thật đau đớn là: người giàu thì càng giàu lên, còn người nghèo thì càng nghèo đi. Nhà kinh tế học người Pháp kiêm tác giả cuốn sách "Kinh Tế Học Về Bất Bình Đẳng" Thomas Piketty từng nói: "Tiền đến với những người giàu có và rời khỏi những người nghèo khổ".
Người hướng ngoại hay người hướng nội lãng phí tiền bạc hơn?
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có những tính cách nhất định dễ khiến con người trở nên nghèo túng và lãng phí tiền bạc. Những người hướng ngoại nhưng thiếu tự tin, thích khoe khoang sẽ rất dễ trở nên nghèo túng, thậm chí phá sản.
Một người hướng ngoại khi sở hữu rất nhiều tiền, thường có thói quen hào phóng. Anh ta sẽ nói: "Công việc đang ăn nên làm ra nên tôi cảm thấy rất vui vẻ. Bữa này cứ để tôi thanh toán. Tôi bao tất!". Tất nhiên, ngay cả người hướng nội cũng có lúc làm thế, nhưng đó chỉ là thiểu số. Người hướng nội sớm nhận ra khi nào họ sắp cạn kiệt tiền, và sẽ tiết kiệm để ngăn cản việc đó xảy ra.
Trong khi đó, người hướng ngoại hay có xu hướng thể hiện bản thân hơn. Họ hay nghĩ rằng: nếu mình ngừng hào phóng với mọi người, họ sẽ nhận ra mình đang hết tiền. Vì vậy, càng không kiếm ra tiền, họ càng có xu hướng tỏ ra mình là người có tiền. Khi giàu, họ hào phóng với mọi người; nhưng khi nghèo, họ càng tỏ ra hào phóng hơn và tự khiến mình rơi vào cảnh đường cùng.
Bằng chứng từ nghiên cứu khoa học
năm 2020, ĐH London đã tiến hành một khảo sát về thói quen tiêu tiền của con người. Họ chọn ra 718 tình nguyện viên, thu thập dữ liệu về thu nhập, chi tiêu và cả nợ nần của họ trong 1 năm. Tình nguyện viên sẽ đánh giá khả năng chi tiêu của mình trên thang điểm từ 1-5, trong đó 1 là mức độ ổn định, còn 5 là vung tay quá trán. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ liên hệ giữa kết quả khảo sát này và kết quả trắc nghiệm tính cách Big 5 của các tình nguyện viên.
Kết quả cho thấy, người nằm ở mức 1 - thường là người hướng nội có xu hướng tìm và mua những món đồ thực tế có giá tiền thấp. Trong khi đó, người ở mức 5 - thường là người hướng ngoại sẽ đi du lịch nước ngoài, mua các bức họa xa xỉ hoặc gia nhập các CLB dành riêng cho giới thượng lưu.
Các chuyên gia còn chỉ ra rằng, người hướng ngoại nhưng thu nhập thấp có thói quen chi tiêu ở mức 5, vượt quá những người hướng ngoại nhưng giàu có. Tức là, người hướng ngoại kiếm ít tiền thì càng thích mua sắm để thể hiện mình.
Vì sao lại có kết quả như vậy?
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những người hướng ngoại khi kinh doanh gặp trục trặc sẽ có xu hướng chi nhiều tiền hơn. Chẳng hạn, khi thấy khoản thâm hụt quyết toán ở công ty, họ sẽ nghĩ ngay tới chuyện bán khống cổ phiếu. Họ cho rằng, một khi mình sa cơ lỡ vận, nhất định không được để người khác biết, do đó càng chi tiêu nhiều hơn. Trong khi đó, người hướng nội khi kiếm được ít tiền sẽ không bao giờ chi tiêu ở mức 5. Nếu đang nghèo khó, họ sẽ tìm cách tiết kiệm và quản lý chi tiêu.
Đáng chú ý, không phải lúc nào số tiền ta kiếm được cũng là yếu tố quyết định tiêu nhiều hay tiêu ít. Theo kết quả khảo sát của ĐH London, kể cả khi kiếm được ít tiền, người hướng ngoại cũng vẫn duy trì thói quen chi tiêu xa xỉ, còn người hướng nội thì không.
Các chuyên gia kết luận, mối liên hệ giữa tính cách và thói quen lãng phí có tồn tại. Dù cùng rơi vào tình trạng nghèo khổ, người hướng ngoại và người hướng nội sẽ có xu hướng hành động khác nhau.
Người hướng ngoại thường sống vì cộng đồng, do đó họ luôn quan tâm đến việc giữ gìn hình ảnh của mình. Họ sẽ cố gắng bù đắp sự nghèo túng của mình bằng cách thể hiện và khoe khoang. Thay vì ngẫm lại thất bại, kiếm thêm nhiều tiền hơn để khắc phụ vấn đề, họ lại đánh bóng hình ảnh, mua đồ xa xỉ và thay đổi vì những người xung quanh.
Trong khi đó, người hướng nội thường bù đắp sự nghèo túng của mình bằng cách tiết kiệm hoặc khiêm tốn. Họ chỉ chú ý đến bản thân, không để tâm xem người ngoài nghĩ gì về mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận