Nhìn nhận lại nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán sụt giảm – Đã đến thời điểm để chúng ta bắt đầu tham lam hay chưa?
Đặt vấn đề.
“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”, đó là 1 câu nói rất kinh điển trên thị trường chứng khoán. Hàm ý của câu nói này nhằm nhắc nhở chúng ta hãy luôn giữ lý trí và tư duy thật sắc bén trên thị trường, hãy luôn thật nhạy bén với những cơ hội và chớp lấy nó thật nhanh trong khi những người xung quanh vẫn đang ngập ngừng, lo sợ 1 điều gì đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhắc nhở những nhà đầu tư trên thị trường rằng: “Hãy luôn là những người đi tiên phong, hãy xông pha nắm bắt cơ hội đầu tư thật nhanh trong khi những nhà đầu tư khác vẫn đang đặt ra nhiều những hoài nghi, nỗi lo sợ”.
Vậy câu hỏi đặt ra là có phải lúc nào tham lam khi người khác sợ hãi cũng là đúng không? Câu trả lời là không. Việc chúng ta có nên tham lam còn phụ thuộc vào 1 vấn đề then chốt đó chính là “timing”-thời điểm. Vậy chúng ta đã nên tham lam ở thời điểm hiện tại đối với thị trường chứng khoán hay chưa? Hãy cùng giải đáp câu hỏi đó trong bài viết này.
Trong suốt khoảng thời gian 6 tháng vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một làn sóng điều chỉnh rất lớn. Mà có lẽ việc gọi nó là 1 đợt điều chỉnh là không còn đúng nữa mà phải gọi nó là 1 đợt sụp đổ trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đã có rất nhiều những câu trả lời được đưa ra để có thể giải thích cho đợt sụt giảm này. Trong số đó, chắc hẳn không ít người đều đồng quan điểm rằng tình hình vĩ mô, kinh tế thế giới, tỷ giá là những yếu tố tiêu cực gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nếu chỉ có tình hình vĩ mô xấu thì liệu đã đủ giải thích cho việc VN-Index đã sụt giảm xấp xỉ 40% kể từ đỉnh-một mức sụt giảm mà có thể đem ra so sánh với thị trường chứng khoán Nga, một quốc gia đang gặp đầy khó khăn do chiến tranh với Ukraine? Có lẽ chừng đó là chưa đủ để giải thích. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa mà chúng ta cần nhìn nhận đó là sự thiếu hụt dòng tiền và sự mất niềm tin trầm trọng trong ngắn hạn. Nguyên nhân là do đâu khi những mốc hỗ trợ tưởng chừng như vô cùng mạnh mẽ của thị trường là 1300,1100,1000 rồi 950 lần lượt bị xuyên thủng một cách dễ dàng như thế? Và càng về sau, sự phản ứng của thị trường mỗi khi chỉ số tiến về các mốc hỗ trợ lại càng yếu ớt. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi là dòng tiền đã ở đâu khi thị trường lâm vào tình trạng như thế suốt 1 thời gian dài. Có lẽ câu trả lời nằm ở chính bản thân dòng tiền khi chúng bị thiếu thanh khoản một cách trầm trọng. Thị trường chứng khoán Việt Nam thật không may đã sụt giảm trong một thời điểm hết sức nhạy cảm. Đó là thời điểm của những “Bank run”, rồi “Bond run” và câu chuyện lãi suất-tỷ giá đè nặng lên toàn thị trường, đó cũng chính là thời điểm niềm tin của nhà đầu tư trở nên vô cùng mỏng manh.
Trong giai đoạn vừa qua, thị trường liên tục đón nhận nhiều thông tin xấu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Điển hình có thể kể đến như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,…và liên quan đến những DN này cũng có những ngân hàng và các định chế tài chính khác. Mặt bằng lãi suất trong nước thời gian gần đây gia tăng mạnh đã khiến cho những khoản nợ trái phiếu khổng lồ được phát hành vô tội vạ trước đó trở nên vô dùng rủi ro. Những trái phiếu ba “không”(không tài sản đảm bảo-không xếp hạng tín nhiệm-không bảo lãnh thanh toán) hiện đang khiến nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại khi có không ít DN hiện không có khả năng thanh toán cho họ và rằng họ có thể mất trắng khoản đầu tư mà mình đã bỏ ra. Tâm lý lo sợ đã nhiều nhà đầu tư ra quyết định bán trái phiếu trước hạn để rút tiền và từ đó tạo nên làn sóng “Bond run”.
Giống như việc nhiều cá nhân thực hiện rút tiền cùng 1 lúc ở 1 ngân hàng(Bank run) có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn thanh khoản về tiền mặt thì nay làn sóng bán trái phiếu trước hạn bất chấp cũng gây ra hiện tượng tương tự. Với một lượng trái phiếu khổng lồ đã phát hành ra trước đó, nhiều DN bất động sản đã lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi nhiều nhà đầu tư đã tuyên bố đòi bán lại trái phiếu trước hạn. Việc phải đối phó với “Bond run” trong điều kiện kẹt dự án và các không thể đảo nợ đã khiến cho nhiều doanh nghiệp BĐS lầm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Và rồi họ phải lấy tiền đâu để trả nhà đầu tư? Câu trả lời chính là “Cổ phiếu”. Đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân vì sao cổ phiếu của các Doanh nghiệp bị bán một cách bất chấp chỉ nhằm mục tiêu thu tiền mặt về và trả nhà đầu tư. Và dĩ nhiên, những đối tượng bán cổ phiếu một cách bất chấp không phải chỉ mỗi các DN mà còn có cả các quỹ lớn, những nhà đầu tư tổ chức. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao chóng mặt, họ cũng bắt buộc phải bán cổ phiếu với giá rẻ mạt để trả tiền cho những nhà đầu tư muốn thay đổi kênh gửi gắm tài sản của mình. Thế rồi tình trạng call margin chéo diễn ra và quét sạch ngay cả những nhà đầu tư lỳ lợm nhất. Những cổ phiếu tốt, có thanh khoản cuối cùng vẫn bị bán không thương tiếc để ngăn chặn tình cảnh bán giải chấp ở những cổ phiếu bịt sàn. Tâm lý nhà đầu tư trải qua liên tiếp những phiên giao dịch như thế đã dần từ chán nản chuyển sang tuyệt vọng. Niềm tin của họ vào một thị trường chứng khoán mà cách đây nửa năm vẫn còn được coi là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới nay gần như tan biến. Những yếu tố như vậy, trớ trêu thay lại chính là điều kiện then chốt khiến cho thị trường tạo đáy.
2. Chúng ta đã nên tham lam ở thời điểm hiện tại?
Sau cơn giông bão thì bình minh cuối cùng cũng tới, thị trường cuối cùng cũng tìm lại điểm cân bằng và bắt đầu tự hồi phục của nó. Nhưng cũng vì vậy mà một nghi vấn mới lại được đặt ra lúc này: “Đã đến lúc chúng ta nên tham lam hay chưa?”. Có lẽ đối với mỗi người thì câu trả lời sẽ mỗi khác bởi lẽ khẩu vị rủi ro và chiến lược đầu tư của mỗi cá nhân là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, thì có lẽ ở 1 góc độ nào đó, đây đã là thời điểm chúng ta có thể bắt đầu có thể tham lam được, vì:
- Thứ nhất: Vấn đề về thanh khoản của dòng tiền đã phần nào hạ nhiệt và đang được giải quyết dần ổn thỏa: Chính phủ đang có những chính sách và kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, những vấn đề về việc quản lý và tái cơ cấu tài sản ở những ngân hàng có tỷ lệ rủi ro cao và liên quan đến các vấn đề trái phiếu đang được đẩy mạnh. Hiện tượng “Bank run” và “Bond run” do đó hiện đang hạ nhiệt rất nhanh.
- Thứ hai: Niềm tin của nhà đầu tư đang dần được cải thiện thông qua những thông điệp trấn an và động viên của chính phủ và những yếu tố cải thiện của tình hình vĩ mô trong-ngoài nước.
- Thứ ba: Những làn sóng call margin khốc liệt nhất đã qua đi và hiện tại tình trạng dư nợ margin đã dễ thở hơn rất nhiều. Theo thống kê thì dư địa cho vay margin hiện tại ở các công ty chứng khoán đã thoáng hơn rất nhiều, dự tính ít nhất vẫn còn khoảng 50000-60000 tỷ dư địa margin cho toàn thị trường.
- Thứ tư: Thị trường sau khi trở về vùng định giá vô cùng hấp dẫn thì đang cho thấy những nỗ lực hồi phục đầu tiên rất đáng tin cậy. Đặc biệt, những phiên gần đây, các quỹ lớn cùng với nhóm nhà đầu tư ngoại đang cho thấy hành động giải ngân với giá trị mua ròng cao kỷ lục. Điều này cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam khi đang ở vùng giá chiết khấu như thời điểm hiện tại.
Bài viết chỉ nhằm chia sẻ quan điểm và góc nhìn cá nhân, hoàn toàn không phải khuyến nghị mua bán. Đề nghị người đọc tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận