Nhìn lại xuất khẩu nhập khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2020
Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam, tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay đạt 2,12% thấp nhất trong 10 năm gần đây; Tuy vậy xuất hiện một số tín hiệu đáng khích lệ, trong đó có thương mại quốc tế.
Kết quả
Tổng cục thống kê cho biết: 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chiếm 91,3%, trong đó 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD chiếm 59,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ba tín hiệu tích cực của thương mại quốc tế: (1) Kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, mức cao kỷ lục trong những năm gần đây, đạt 71,8 tỷ USD và chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo xu thế này tiếp diễn sẽ tạo ra sự cân bằng về ngoại thương giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế FDI trong giai đoạn 2021- 2025. (2) Xuất siêu 16,9 tỷ USD gấp hơn hai lần cùng kỳ năm trước (7,27 tỷ USD); góp phần quan trọng vào cán cân thanh toán quốc tế, tạo điều kiện giữ giá trị đồng tiền Việt Nam, ổn định tỷ giá hối đoái, tăng dự trử ngoại tệ từ 92 tỷ USD hiện nay lên 100 tỷ USD vào cuối năm. (3) Kim ngạch xuất khẩu quý III đạt 80 tỷ USD, tăng 34% so với quý II, tăng 26,6% so với quý I và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, tạo tiền đề chuyển biến tích cực hơn vào quý IV.
Khu vực kinh tế FDI xuất siêu 27,5 tỷ USD bù đắp nhập siêu 10,52 tỷ USD của khu vực kinh tế trong nước, tạo ra xuất siêu 16,9 tỷ USD. Cần đánh giá đúng thực trạng khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu từ nguyên nhân chủ yếu của việc hàng năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp mới thành lập cần nhập khẩu máy móc, thiết bị xây dựng nhà máy, hàng vạn doanh nghiệp đã có trên 10 năm hoạt động cần đổi mới công nghệ, nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn; trong khi đại bộ phận doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án FDI mới hàng năm có vốn thực hiện khoảng 20 tỷ USD, một phần để mua máy móc, thiết bị, một phần chuyển ngoại tệ vào Việt Nam, tạo nên chênh lệch lớn giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu.
Trạng thái này sẽ thay đổi khi tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước ngày càng mạnh, công nghệ chế tạo đủ sức thay thế dần hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị thì cán cân thương mại của khu vực kinh tế trong nước sẽ dần cân bằng và tiến tới xuất siêu.
Triển vọng
Việt Nam về cơ bản đã khống chế được Dịch COVID-19, đang chuyển sang trạng thái bình thường mới vừa tiếp tục chủ động và linh hoạt phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế quý II đạt 0,39% thì quý III đạt 2,62%.
Quý IV doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA với nhiều giòng thuế về 0%. Bộ Công Thương cho biết, trong một tháng từ ngày 1-8 đến 31-8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch xuất khẩu 277 triệu USD vào EU chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này chiếm 8,4% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hàng năm của EU. Do vậy, sau hơn một tháng thực thi EVFTA nhiều mặt hàng xuất khẩu như gạo, thuỷ sản, nông sản đã có chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8/2020 đạt 350 triệu USD, tăng 17%, trong đó các rau quả đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng 7/2020; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng từ 80-200 USD/tấn so với trước 1/8.
EU là thị trường tiêu thụ chiếm 40% về lượng và 38% về trị giá xuất khẩu cà phê Việt Nam, đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm vừa qua. Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA thực thi có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU vì từ 1/8 thuế suất sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang giảm từ 7-11% xuống 0%, cà phê chế biến giảm từ 9-12% xuống còn 0% thì kim ngạch xuất khẩu cà phê vào EU và lợi nhuận sẽ tăng.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng thì 82,3% doanh nghiệp đánh giá khả quan về lượng đơn hàng mới, sản xuất và kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn, 17,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm trong quý VI.
Các ngành có đơn hàng mới quý IV tăng so quý III gồm sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 60,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 57,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 50,7%; sản xuất thuốc lá tăng 50%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 43,8%.
79,6% doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý IV tăng và giữ ổn định (35,6% dự báo tăng và 44% ổn định), 20,4% doanh nghiệp dự báo giảm. Dự báo tăng và giữ ổn định của doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ cao nhất 85,8% doanh nghiệp; doanh nghiệp FDI 82,2% và doanh nghiệp ngoài nhà nước 76,7%.
Từ kết quả họat động thương mại quốc tế trong quý III và 9 tháng, với những nhân tố mới từ sản xuất và kinh doanh sau khi thiết lập trạng thái bình thường mới, cũng như từ FTAs có hiệu lực, dự báo xuất nhập khẩu quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III và cả năm có thể xuất siêu trên 20 tỷ USD, gần gấp 2 lần năm 2019 (11,12 tỷ USD), góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo đà để tăng tốc vào năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025.
Để tận dụng cơ hội mới
FTAs tạo ra cơ hội mới đồng thời đòi hỏi cao hơn đối với hoạt động thương mại quốc tế, do đó Việt Nam cần cơ cấu lại chuỗi cung ứng sản phẩm, coi trọng thương hiệu, mẫu mã và chất lượng hàng hóa, nâng cao năng suất để giảm chi phí tạo ra năng lực cạnh tranh cao để tăng dần thị phần trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề chính:
1. Hạn ngạch: Một số sản phẩm xuất khẩu vào EU có hạn ngạch thuế quan như cá ngừ đóng hộp 11.500 tấn, gạo 80.000 tấn (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm), đường10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.
2. Xuất xứ: Một số sản phẩm phải bảo đảm quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU như vải, giày, đồ gỗ; theo nhận định của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thì đây là rào cản khiến doanh nghiệp nước ta khó tận dụng được cơ hội để tăng nhanh xuất khẩu sang EU. Tuy vậy, nếu Chính phủ có chính sách ưu đãi hấp dẫn để thành lập các khu công nghiệp chuyên biệt (cluster), doanh nghiệp đầu tư để bảo đảm tỷ lệ xuất xứ từ Việt Nam thì sẽ tạo điều kiện để gia tăng tốc độ xuất khẩu hàng hóa vào EU.
3. Rào cản kỹ thuật: EU đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn kỷ thuật như an toàn thực phẩm, rau quả là mặt hàng được hưởng lợi khi thuế giảm về 0%, nhưng phải đáp ứng quy định về tồn dư hoá chất trong sản phẩm và thuốc bảo vệ thực vật; do vậy, lượng rau quả xuất khẩu sang EU sẽ tăng tỷ lệ thuận với những vùng trồng đạt chất lượng Global Gap.
4. Cạnh tranh trên thị trường trong nước: Các sản phẩm chế tạo và hàng tiêu dùng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ gia tăng khiến doanh nghiệp nước ta phải đối mặt với tình hình cạnh tranh trên thị trường trong nước. Nếu muốn giữ vững vị thế thì một mặt doanh nghiệp phải đổi mới đồng bộ từ quản trị đến công nghệ để không bị thua thiệt trên chính đất nước của mình; mặt khác các nhà sản xuất EU có thế mạnh công nghệ và tiếp thị nên doanh nghiệp nội địa có thể học hỏi và áp dụng trong sản xuất và kinh doanh.
Nhóm chuyên gia HSBC nhận định sự chuyển đổi thương mại cần diễn ra song song với những thay đổi về quản trị doanh nghiệp. Các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia (TNCs) đang chịu sức ép gia tăng, buộc phải xem cấu trúc lại chuỗi cung ứng sản phẩm để đảm bảo các tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Việt Nam được hưởng lợi do được xem là một phương án dự phòng khi TNCs buộc phải thay đổi chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại.
Hoạt động xuất nhập khẩu quý IV và những năm tiếp theo của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào cải cách thủ tục hành chính có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận định: công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã có nhiều cải tiến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp; đến cuối năm 2019 cả nước vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Tuy tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất ít, chỉ từ 0%- 0,03% lô hàng không đáp ứng chất lượng.
Chính phủ đã chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Phương thức kiểm tra áp dụng đồng bộ cho cả chất lượng và an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; thủ tục kiểm tra được đơn giản hóa.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đang triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 38 thủ tục hành chính (TTHC) với mục tiêu cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; nhiều thủ tục kiểm tra đã được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan; khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành, sẽ giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.
Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xây dựng xong phần mềm để triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 3 đối với 24 thủ tục hành chính. Từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/10/2020, Cục Xuất nhập khẩu tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính này qua đường bưu điện (bản giấy) và qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ.
Từ ngày 1/11/2020 trở đi, Cục Xuất nhập khẩu chỉ tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính này qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Vấn đề quan trọng nhất vẩn là tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương và thủ tục hành chính theo hướng Chính phủ số, một nhược điểm cố hữu của bộ máy hành nhà nước; do đó phải quy định minh bạch, công khai trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu tổ chức, của công chức nhà nước khi thực hành công vụ, khen thưởng đúng mức cá nhân, đơn vị làm tốt; kỷ luật nghiêm minh những người và tổ chức vi phạm pháp luật, sách nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận