Nhìn lại “trade war” và cơ hội xuất khẩu
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2019 có thể đạt mức trên 50 tỷ USD, qua đó nhiều khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 6 trong số các đối tác có xuất siêu lớn nhất vào Mỹ.
Tuy thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ mới chỉ tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm kể từ khi xung đột thương mại Mỹ – Trung chính thức diễn ra (6/2018), song với tỷ trọng chiếm 22,6%, chỉ riêng việc xuất khẩu vào Mỹ đến nay tăng 29% so với cùng kỳ đã giúp tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,7%. Điều này cũng cho thấy, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào thị trường EU đạt 17,3 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,1%; giày dép tăng 7,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 3,2%. Trung Quốc đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%, trong đó thủy sản giảm 11,8%; điện thoại và linh kiện giảm 56,6%; gạo giảm 78,7%.
Thị trường ASEAN đạt 10,6 tỷ USD, tăng 5,2%, trong đó hàng dệt may tăng 31,6%; sắt thép tăng 19,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,8%. Hàn Quốc đạt 7,9 tỷ USD, tăng 8,9%, trong đó hàng dệt may tăng 16,3%; điện thoại và linh kiện tăng 9,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 7,7%. Nhật Bản đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32,7%; giày dép tăng 16,8%; hàng hệt may tăng 6,5%.
Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang Mỹ tăng 34,7% so với mức tăng chung của nhóm hàng này là 17,8%; Nhóm hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù xuất sang Mỹ tăng 31,2% trong khi xuất khẩu chung toàn bộ nhóm hàng chỉ tăng 11,3%. Nhóm hàng dệt may xuất sang Mỹ chỉ tăng 9,1%, thấp hơn mức tăng xuất khẩu chung 10,2% của nhóm hàng này. Tuy vậy, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may quan trọng nhất của Việt Nam với tỷ trọng 47%. Tương tự như dệt may, xuất khẩu giày dép sang Mỹ cũng chỉ tăng 13,5%, thấp hơn mức tăng chung 14,5% của toàn bộ nhóm hàng.
Tuy nhiên, phân tích từ CTCK Việt cho rằng câu chuyện này sẽ hoàn toàn thay đổi theo hướng có lợi nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức cao hơn.
Dựa vào mức thị phần hàng Việt Nam tăng lên được (+0,2%) kể từ khi Mỹ chính thức áp thuế lên hàng Trung Quốc một năm trước và quy mô gói hàng hóa Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa đánh thuế tiếp, CTCP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính: nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức cao nhất, thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ có thể tăng thêm khoảng 1% so với mức hiện nay, tương đương khoảng 25 tỷ USD (tức khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018).
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2019 có thể đạt mức trên 50 tỷ USD, qua đó nhiều khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 6 trong số các đối tác có xuất siêu lớn nhất vào Mỹ.
Tuy vậy, cơ hội này cũng đi kèm những rủi ro nhất định. Rủi ro lớn nhất chính là việc thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ tăng nhanh, có thể khiến chính quyền của Tổng thống D.Trump xem xét sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Một rủi ro khác Việt Nam cần thận trọng chính là việc hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi “mượn danh” hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế. Do vậy, Việt Nam cần siết chặt các biện pháp quản lý thị trường cũng như công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để tránh rủi ro trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận