Nhìn lại những phiên đấu thầu vàng trước đây của Ngân hàng Nhà nước
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định tổ chức đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm. So sánh với phiên đấu thầu đầu tiên kể từ năm 2013, việc đấu thầu vàng miếng diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khác biệt.
Nhìn lại những phiên đấu thầu đầu tiên
Từng là Giám đốc Trung tâm Ngoại hối, Vàng và Sản phẩm phái sinh tại TPBank, ông Nguyễn Minh Tuấn (CEO AFA Capital) đã trực tiếp tham gia nhiều phiên đấu thấu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Ông chia sẻ thời điểm năm 2013, việc đấu thầu vàng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
"Trong một năm, đã có 76 phiên đấu thầu được tổ chức, chào bán tổng cộng 1.932.000 lượng vàng, bán thành công 1.819.900 lượng - tương đương 69,9 tấn vàng.
Ở thời điểm bấy giờ, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng. Theo đó, thời gian đấu thầu là ngày thứ Sáu hàng tuần với lượng vàng đấu thầu là 15.000 lượng/phiên (riêng phiên cuối cùng vào ngày 31.12.2013 là 20.000 lượng); khối lượng đặt thầu tối thiểu 500 lượng và tối đa 1.500 lượng với mức giá tham chiếu đặt cọc được điều chỉnh theo từng phiên.
Trước đó, giai đoạn từ năm 2008-2012, trạng thái vàng toàn hệ thống ngân hàng âm, giá vàng càng ngày càng lên cao. Như vậy, đấu thầu vàng diễn ra sau giai đoạn đó, khi giá vàng có xu hướng sụt giảm, các ngân hàng phải mua lại vàng nhằm bù đắp lại lượng vàng đã bán giai đoạn trước.
Năm 2013, đấu thầu vàng được diễn ra với chức năng giúp làm cân đối thị trường vàng trong nước; tăng nguồn cung vàng; giảm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng Việt Nam; ổn định tỷ giá và chống "vàng hóa" nền kinh tế, tăng độ hiệu quả của các chính sách tiền tệ" - ông Tuấn kể.
Sự khác biệt sau 11 năm
Theo CEO AFA Capital, việc đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm, đối diện với nhiều điểm khác biệt trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi.
Năm 2013, việc đấu thầu vàng diễn ra khi giá vàng có xu hướng giảm. Song năm 2024, NHNN ra quyết định tổ chức đấu thầu vàng khi giá vàng trong nước và thế giới liên lục leo thang. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới đến 14 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, "ở thời điểm năm 2013, áp lực về tỷ giá, chỉ số DXY ở mức thấp trong giai đoạn diễn ra đấu thầu vàng. Hiện tại, chỉ số DXY liên tục tăng cao và vẫn có xu hướng đi lên" - ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc đấu thầu vàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. "Nếu đấu thầu vàng diễn ra, lãi suất và tỷ giá đều sẽ bị ảnh hưởng. Vì đấu thầu vàng yêu cầu một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, gây ảnh hưởng đến tỷ giá và lãi suất, tác động mạnh đến thị trường tài chính" - chuyên gia nói.
Sau nhiều năm ông Tuấn vẫn nhớ những chia sẻ của lãnh đạo NHNN lúc bấy giờ, rằng: Thông qua việc đấu thầu, Nhà nước không đặt mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu đặt mục tiêu tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.
Lãnh đạo AFC Capital cho rằng tuy có nhiều điểm khác biệt trong hoàn cảnh kinh tế, nhưng mục tiêu của NHNN trong việc đấu thầu vàng lần này có thể không khác biệt. "Các nhà đầu tư không nên kỳ vọng rằng đấu thầu vàng sẽ giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới mà sẽ chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề nguồn cung" - ông Tuấn nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận