Nhìn lại một năm thực hiện CPTPP
Sau hơn một năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cần nhìn lại kết quả và vấn đề đối với Việt Nam để nâng cao hiệu quả thương mại và đầu tư với 10 nước thành viên khác.
- I -
Khác với việc tham gia WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, Việt Nam là một trong các nước đồng sáng lập CPTPP, tham gia soạn thảo Hiệp định, do đó chủ động trong các vòng đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia trong quan hệ với các nước thành viên khác. Với tư cách là nước có thu nhập trung bình (thấp), Việt Nam được hưởng một số ưu đãi riêng của CPTPP.
Đương nhiên, khi giao dịch thương mại, đầu tư với những quốc gia phát triển tham gia CTPPP, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về trao đổi hàng hóa, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư ra nước ngoài, tỷ giá hối đoái và thị trường tiền tệ trong điều kiện năng lực quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, nghiên cứu thị trường của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước thành viên khác.
CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. CPTPP yêu cầu nước ta mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước cho các nước đối tác, tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam.
CPTPP tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp nước ta mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, có điều kiện lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng và tìm kiếm dự án đầu tư tại các nước thành viên do gỡ bỏ 95% sắc thuế hải quan của thị trường khoảng 500 triệu người, chiếm 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% giao dịch thương mại thế giới.
CPTPP quy định những tiêu chuẩn cao về thể chế, luật pháp, quản lý nhà nước, gây áp lực cải cách thể chế theo chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, huy động, sử dụng tốt nhất nguồn lực trong nước và tận dụng tốt nguồn lực bên ngoài, nhất là hải quan, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ, biện pháp phi thuế quan.
Ngân hàng HSBC thông báo kết quả cuộc khảo sát cho thấy, khoảng 63% doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng, CPTPP có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ. 46% trong số 1.150 doanh nghiệp có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát kỳ vọng các lợi ích tích cực từ Hiệp định.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam tin rằng, CPTPP sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia.
CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp da giày tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mexico, Canada, Pêru. Riêng Nhật Bản - thị trường chủ lực của xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20-35%/năm, với CPTPP thì mức tăng trưởng sẽ còn cao hơn.
CPTTP tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác, nhất là các nước mà Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico, vì Hiệp định sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại, mà thương mại lại gắn liền với đầu tư.
CPTPP tạo cơ hội để Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư từ các đối tác khác như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, những nước có tiềm năng lớn về công nghệ cao, công nghệ nguồn, góp phần làm cho Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn đầu tư quốc tế. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.
- II -
Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2019, xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP đạt mức tăng trưởng khá như Canada đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%; Chile gần 1 tỷ USD, tăng 20,5%; Pêru đạt 350 triệu USD, tăng 40% so với năm 2018. Xuất siêu của Việt Nam sang sang các nước CPTPP đã đạt gần 4 tỷ USD.
Dệt may được đánh giá có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan của CPTPP, song thực tế không diễn ra như mong đợi. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của ngành này đạt 39 tỷ USD, thấp hơn dự báo 21 tỷ USD.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: “Thách thức lớn nhất của ngành dệt may là ở nguyên liệu đầu vào. Đến nay, nước ta vẫn phải nhập khẩu trên 50% nguyên phụ liệu; trong khi quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đang bỏ ngỏ”.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận, xuất khẩu dệt may chưa tận dụng được cơ hội của CPTPP nếu so với các mặt hàng như nông sản vì có quy tắc xuất xứ “dễ thở” so với dệt may, yêu cầu “từ sợi trở đi” đánh đúng “điểm nghẽn” của ngành này.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaco) thông báo, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, đứng thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới. Ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu cho các sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các sản phẩm trung bình khá. Nhìn chung, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn sản xuất hàng xuất khẩu, hầu hết là sản phẩm của các doanh nghiệp FDI. CPTPP tạo điều kiện để ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada.
Đối với thu hút FDI, tính đến cuối năm 2019, 9 nước thành viên CPTPP (trừ Pêru) đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 123 tỷ USD, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký, là con số có ý nghĩa lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam.
Năm 2019, vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với 2018; tổng giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đạt 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với năm 2018, chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký là kết quả đáng khích lệ, trong đó có hội nhập sâu rộng với thế giới, gồm thực hiện CPTPP.
- III -
Năm đầu tiên thực hiện CPTPP cho thấy, tiềm năng to lớn của Hiệp định cần được khai thác tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời cũng xuất hiện những vấn đề cần giải quyết (ngoài chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoàn thiện thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi).
Một là, doanh nghiệp phải năng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới, tìm hiểu quy định của luật pháp thương mại và đầu tư, tập quán kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của các thành viên CPTPP mà trước đây doanh nghiệp chưa có quan hệ hợp tác. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, thì bản thân doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định trong hành trang tiến vào thị trương đầy tiềm năng này.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số vấn đề mới của CPTPP như lao động, môi trường, hoạt động mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, cho phép người lao động thành lập tổ chức công đoàn độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam…
Hai là, quy tắc xuất xứ hàng hoá. Để được hưởng lợi nhiều khi tham gia CPTPP như da giày, dệt may, thì phải xây dựng Quy hoạch Phát triển nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu với chính sách của Nhà nước khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài để nhanh chóng hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt từng sản phẩm. Hiệp hội ngành nghề đóng vai trò quan trọng trong việc lập quy hoạch, kiến nghị với Chính phủ chính sách ưu đãi và khuyến khích, tổ chức thực hiện quy hoạch khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ba là, hợp tác có hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp với ngân hàng trong hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm. Bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc Khối Ngân hàng giao dịch của Techcombank nhận xét, lâu nay, trong giao dịch ngân hàng, doanh nghiệp thường chỉ tập trung nhiều vào việc thương thảo mức lãi suất vay thấp hoặc giảm chi phí thanh toán trên giao dịch. Các vấn đề về giải pháp giảm chi phí từ rủi ro ngoại hối, rủi ro gian lận thương mại, rủi ro thanh khoản chưa được chú trọng.
Để khắc phục, theo bà Giang, doanh nghiệp cần coi trọng việc quản lý dòng tiền hiệu quả, đảm bảo thu tiền đúng hạn, thanh toán tập trung theo kỳ để tối ưu hoá vốn tự có, giảm nhu cầu vay vốn, từ đó giảm chi phí vốn. Việc quản lý rủi ro hiệu quả như bảo hiểm tỷ giá, bảo hiểm hàng hoá, am hiểu đối tác, am hiểu luật pháp và quy tắc ứng xử quốc tế giúp doanh nghiệp có được lợi nhuận trong kinh doanh.
Các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ về thông tin, thể chế; ngân hàng sẵn sàng cấp vốn, hỗ trợ trong thanh toán, vấn đề còn lại vẫn là bản thân của các doanh nghiệp.
Ba là, nghiên cứu thị trường. Đây là khâu yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam cũng như của cơ quan quản lý nhà nước. Tình trạng phổ biến là doanh nghiệp không quan tâm, không đầu tư nhân lực và tài chính để nghiên cứu thị trường và đối tác thương mại, đầu tư, chỉ nắm bắt thông tin từ trực tiếp tiếp xúc, từ báo chí. Một số viện nghiên cứu thị trường, thương mại, đầu tư của nước ta cũng mới chỉ dừng ở nghiên cứu vĩ mô, ít có các nghiên cứu vi mô theo hướng tiếp cận từng dự án, từng doanh nghiệp.
Các tập đoàn lớn khi giao dịch thương mại và đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam đều bắt đầu từ nghiên cứu thị trường, gồm cả vĩ mô và vi mô. Để thực hiện có hiệu quả CPTPP cũng như các FTA khác, Chính phủ cần chủ trương và hỗ trợ tài chính, nhân lực cho doanh nghiệp, các bộ, viện để tập trung nghiên cứu một số thị trường lớn đầy tiềm năng.
Bốn là, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư. Tuy những năm gần đây, hoạt động này được doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bộ coi trọng, nhưng phổ biến vẫn là những phương thức sẵn có như tổ chức hội thảo trong nước, hội thảo quốc tế, tham gia hội chợ để quảng bá hàng hóa, chưa tổ chức và quản lý thống nhất trong phạm vi toàn quốc, gây lãng phí về thời gian và tiền của, đem lại kết quả hạn chế.
Chính phủ đã chủ trương đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Đã đến lúc, trên cơ sở chiến lược chung, cần đầu tư nhân lực và tài chính tập trung xúc tiến thương mại và đầu tư có trọng điểm tại những thị trường và đối tác chính, bao gồm các nước thành viên CPTPP để tạo chuyển biến rõ rệt trong quan hệ hợp tác với từng đối tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận