'Nhịn ăn 10 năm mua nhà trong ngách Hà Nội'
Hai vợ chồng cùng là giảng viên đại học thu nhập tháng 40 triệu nhưng 10 năm mới mua được nhà.
So với năm 2019, mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6% một năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng giá căn hộ từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 là 13% một năm. Như vậy, tăng trưởng giá nhà cao hơn hai lần thu nhập trung bình của người Hà Nội. Mức chênh lệch lớn đặt ra dấu hỏi cho cơ hội sở hữu nhà của người dân.
Với nỗi bất an khi giá nhà ngày một tăng cao, vượt quá khả năng chi trả, độc giả Titeptop chia sẻ: "5 năm trước, thu nhập của tôi từ lương đâu đó khoảng 10 triệu đồng, nên tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện nhà cửa. Hiện tại, lương của tôi đã tăng lên khoảng 16 triệu đồng, cộng thêm lương của vợ nên chúng tôi có thu nhập khoảng 30 triệu đồng một tháng. Thế nhưng, vợ chồng tôi vẫn chẳng thể nào mua được cái nhà nhỏ, bởi giá nhà cứ tăng không ngừng nghỉ cùng với chi phí sinh hoạt, học hành của con cái cũng liên tục leo thang. Thế nên, tới giờ, chúng tôi vẫn phải chịu cảnh ở thuê".
Đồng cảm với nỗi lo không mua nổi nhà, bạn đọc Bazooka Duong bày tỏ: "Hai vợ chồng tôi cùng là giảng viên đại học, với thu nhập 40 triệu đồng một tháng. Nhưng chúng tôi cũng phải nhịn ăn tới 10 năm mới mua được một ngôi nhà trong ngách tại nội thành Hà Nội. Chưa kể, chúng tôi còn phải sinh con và nuôi con ăn học, chi phí cho các mối quan hệ họ hàng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... Làm việc chuyên môn e rằng chúng tôi khó đủ để mua nhà, trừ khi phải chân trong chân ngoài, theo kiểu vợ livestream bán hàng online, còn chồng thôi soạn bài để chạy vài cuốc xe công nghệ".
"Có những gia đình hồi môn cho con mấy cái sổ đỏ. Cứ đầu cơ đất khủng khiếp vậy, thì làm sao mà giá bất động sản không siêu ảo được. Lượng bất động sản đầu cơ hiện cao hơn hàng chục lần lượng cầu thực. Các thành phố chẳng thiếu nhà đất bỏ không, đô thị 'ma'. Người ta cứ đầu cơ rồi vứt hoang đấy. Nếu không đánh thuế nặng để chống đầu cơ sẽ rất lãng phí đất và vốn, kinh tế rất khó phát triển. Cần phải ưu tiên đất, vốn cho sản xuất, hạ tầng để công nghiệp hóa...", độc giả Ajisantoso nói thêm.
Thừa nhận thu nhập trung bình của người dân không thể đuổi kịp giá nhà đất do nạn đầu cơ không được kiểm soát, bạn đọc Johansirius nhấn mạnh: "Thu nhập trung bình của người dân sẽ không bao giờ đuổi kịp giá bất động sản. Lý do là thu nhập ở thời điểm hiện tại và trong 15 năm tiếp theo có thể thay đổi rất ít, nhưng giá bất động sản có thể đã tăng gấp 5 lần rồi. Thế hệ đầu cơ này sợ và bỏ cuộc thì lại có thế hệ mới lao vào, đón sóng, thổi giá tiếp. Hệ lụy dễ thấy là không ai thấy đầu tư học hành, tri thức, mà chỉ tính bài toán làm giàu ngắn hạn từ đất".
Cho rằng bất động sản không còn "mỏ vàng" với giới đầu tư, độc giả Truong Tlg phân tích: "Giá bất động sản cao nhưng giá trị sử dụng lại thấp. Ví dụ bạn mua căn liền kề 100 m2 giá 10 tỷ đồng, nhưng cho thuê chỉ được 15 triệu đồng một tháng. Nếu để 5 năm nữa, giá của nó cũng khó tăng thành 15 tỷ đồng vì ít ai mua căn nhà ống với giá đó. Nghĩa là đầu tư bất động sản giai đoạn này có khi còn thua gửi tiết kiệm ngân hàng".
Đồng quan điểm bạn đọc Hong Nhung bình luận: "Nhà trung tâm neo giá rất cao, nhưng bán rất khó, cho thuê giá cao lại không dễ vì buôn bán ế ẩm. Cụ thể, dãy phố nhà tôi có bà bán phở gia truyền ế quá mà cũng phải rao bán căn nhà, nhưng 10 năm mới bán được 9 tỷ đồng. Chủ mới sau thời gian dài làm ăn cũng ế khách nên rao bán lại với giá 15 tỷ, nhưng đến giờ vẫn không bán được. Nói chung, phân khúc nhà trung tâm chủ yếu mua để làm ăn chứ không phải để ở. Tình hình này, nhà đất còn ế dài vì chỉ có nhà giàu mới mua được".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận