Nhiều tồn tại, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Sở Y tế Bình Dương đã chấm thầu cung cấp 224 mặt hàng thuốc không đúng quy định, làm thiệt hại khoảng 4,88 tỷ đồng; đưa vào kế hoạch đấu thầu nhiều loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, phối hợp, thành phần hoạt chất không phổ biến trên thị trường, có giá cao hơn thuốc có tác dụng tương đương phổ biến trên thị trường làm thiệt hại 9,35 tỷ đồng...
Đây chỉ là một trong những tồn tại, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc, hóa chất và vật tư y tế được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu ra tại Báo cáo kiểm toán chuyên đề về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Một trong những điểm tồn tại, hạn chế lớn nhất trong quá trình xây dựng kế hoạch mua sắm là việc phân chia nhóm thuốc, lập danh mục thuốc làm tăng giá trị gói thầu.
Tại một số tỉnh, thành phố như tỉnh Bến Tre, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, có tình trạng các đơn vị đã đưa vào kế hoạch mua sắm các loại hoạt chất có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít cạnh tranh hoặc có chi phí cao bất hợp lý, nhưng không báo cáo lý do sử dụng theo quy định của Bộ Y tế.
Hay tại tỉnh Hà Tĩnh, Phú Yên, Bến Tre, mặc dù có cùng loại hoạt chất, nhưng nhóm thuốc có giá cao được xây dựng nhu cầu nhiều, trong khi nhóm thuốc có giá thấp lại xây dựng ít. Kế hoạch mua sắm được lập chưa ưu tiên thay thế thuốc biệt dược gốc đã hết thời hạn bảo hộ (TP.HCM). Danh mục thuốc dạng bào chế viên phân tán được phê duyệt mua sắm với số lượng nhiều, giá thành cao (tỉnh Đồng Nai). Một số thuốc có cùng hoạt chất, cùng nhóm, có hàm lượng thấp nhưng xây dựng kế hoạch đấu thầu với giá cao hơn thuốc cùng loại, có hàm lượng cao hơn (Bến Tre, Cần Thơ, An Giang)...
Theo KTNN, khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhiều địa phương có tình trạng hạn chế các nhà thầu tham gia đấu thầu. Chẳng hạn như tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, KTNN chỉ rõ, đơn vị mua sắm đã lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có một số loại thuốc có thành phần hoạt chất đặc biệt, chỉ có 1 đơn vị sản xuất, cung ứng, trong khi trên thị trường có nhiều loại thuốc có tính năng tương đương, có giá thành rẻ hơn nhiều lần. Hồ sơ mời thầu còn yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Mặt khác, một số địa phương phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao gấp nhiều lần giá trúng thầu bình quân của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố như: Nam Định, Phú Yên, Long An...
Đối với việc lựa chọn các hình thức lựa chọn nhà thầu, tình trạng áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp không đúng quy định xảy ra ở nhiều địa phương.
Đơn cử tại TP. Hà Nội, mặc dù có áp thầu đối với các hợp đồng trúng thầu trước đó, nhưng chưa phải hợp đồng có giá thấp nhất, và cũng không công khai kết quả mua sắm trực tiếp.
Hay tại TP.HCM, địa phương này đã phê duyệt đối với kết quả mua sắm trực tiếp quá 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó.
Ở tỉnh Kiên Giang, có hiện tượng chia lẻ gói thầu. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang ban hành 87 quyết định mua thuốc ngoài thầu và 1 quyết định mua sắm trực tiếp cùng một chủng loại thuốc với số tiền 30,45 tỷ đồng.
Đặc biệt, KTNN nhấn mạnh, Sở Y tế Bình Dương (chủ đầu tư) còn mua sắm trực tiếp đối với danh mục thuốc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước (Gói thầu Mua sắm trực tiếp thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế ngoài công lập và Gói thầu Mua sắm trực tiếp thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và vị thuốc y học cổ truyền với tổng giá trị 679,14 tỷ đồng).
Từ việc chấm thầu cung cấp 224 mặt hàng thuốc không đúng quy định, Sở Y tế Bình Dương làm thiệt hại khoảng 4,88 tỷ đồng. Việc đưa vào kế hoạch đấu thầu nhiều loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, phối hợp, thành phần hoạt chất không phổ biến trên thị trường, có giá cao hơn thuốc có tác dụng tương đương phổ biến trên thị trường làm thiệt hại 9,35 tỷ đồng. Chủ đầu tư này còn đấu thầu và lựa chọn nhà thầu mua sắm một số loại thuốc thuộc diện cảnh báo của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế...
Qua kết quả kiểm toán nêu trên, KTNN cho rằng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017. Do đó, KTNN kiến nghị chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận