menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ái Vy

Nhiều tỉnh phía Nam mạnh tay “siết” cấp phép các dự án bất động sản mới

Gần đây động thái kiểm soát nghiệm ngặt và hạn chế giao dịch ở một số địa phương tại phía Nam nhằm đảm bảo cho thị trường bất động sản không vỡ trận được cho là do hệ lụy từ sự phát triển nóng của các dự án bất động sản, gây sốt đất trong thời gian qua.

Sôi động dự án bất động sản ở các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh

Theo giới kinh doanh bất động sản, trong năm 2019 này, nhiều thị trường bất động sản tỉnh lẻ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An… bỗng dưng “nổi sóng” dù xét về mặt kinh tế vẫn không có nhiều đột phá.

Cụ thể, ở những địa phương này chỉ cần manh nha thông tin về dự án giao thông là lập tức khu vực xung quanh sẽ được giới đầu tư tạo lập thị trường. Đáng quan ngại hơn là không ít dự án được phân lô bán nền nằm heo hút trong khu vực vốn dĩ đã rất vắng dân cư. Chẳng hạn ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đất để các dự án phân lô chủ yếu là vườn cao su hoặc trồng các loại cây công nghiệp khác và người mua chủ yếu là người đầu tư.

Về vấn đề này, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản "bất lương". Họ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Minh chứng cho sự gia tăng của các dự án tại nhiều địa phương, đại diện của CBRE Việt Nam cho biết, các thống kê của CBRE cho thấy rằng nguồn cung dự án mới ở các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh như Đồng Nai và Long An, Bình Dương đang có sự gia tăng mạnh, từ đó hút lượng khách chuyển khu vực thị trường để đầu tư.

Mạnh tay giám sát việc cấp phép các dự án mới

Trước thực trạng này, để hạn chế rủi ro và ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường bất động sản nhiều địa phương đã phát ra văn bản chỉ đạo giám sát thị trường bất động sản chặt chẽ.

Cụ thể đầu tháng 10/2019, tỉnh ủy Bình Phước đã có công văn gửi UBND tỉnh, các huyện, thị ủy, thành ủy và công an tỉnh yêu cầu ngăn chặn tình trạng lôi kéo, lừa dối bán đất, phân lô trái phép. Đồng thời, cần thông báo công khai phê duyệt các Dự án khu dân cư cho người dân biết. Tiếp đó, các địa phương cần báo cáo tình hình, số lượng, quy mô, đối tượng, công việc xử lý, cũng như hướng khắc phục các khu đất vi phạm trên địa bàn.

Trước đó vào đầu tháng 9/2019, UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số 5119/UBND-KT với nội dung tăng cường công tác quản lý, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Hay tại tỉnh Bình Định cũng yêu cầu hạn chế tối đa việc tham mưu, đề xuất cho thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở gần trung tâm đô thị, khu vực có yêu cầu cao về cảnh quan kiến trúc.

Ngoài ra, tỉnh này cũng yêu cầu với các dự án mới, khi chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư, cần xem xét kỹ nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực về tài chính và kinh nghiệm để đảm bảo khi triển khai dự án sẽ đạt yêu cầu theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị và mẫu nhà ở…

Tuy nhiên quyết liệt nhất vẫn là TP. Hồ Chí Minh - nơi sôi động và quy mô lớn nhất của thị trường bất động sản phía Nam. Theo đó, ngoài việc chỉ đạo các sở/ngành “siết” tình trạng phân lô bán nền thì mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra quy định xử lý nghiêm các chủ đầu tư không công bố, công khai pháp lý của dự án, trong đó có việc đình chỉ hoạt động đến 12 tháng. Kiến nghị này được cho là xuất phát từ việc các doanh nghiệp làm theo kiểu bán lúa non khi pháp lý chưa đầy đủ.

Theo phản ảnh của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong năm 2019 này, công tác cấp duyệt hồ sơ cho các dự án rất khắt khe. Đối với các khu vực vùng ven thành phố hiện nay không cấp phép cho dự án phân lô bán nền nào. Có thể nó đây là động thái kiểm soát chặt chẽ thị trường bởi lo ngại những rủi ro khi nguồn cung quá nhiều, đặc biệt là sau vụ việc Công ty địa ốc Alibaba bán các dự án trên giấy cho hàng ngàn khách hàng trong thời gian qua mới bị cơ quan chức năng phát giác.

Việc “siết” các dự án mới khi không đủ diều kiện được đánh giá là động thái thiết thực của các địa phương nhằm đảm bảo thị trường bất động sản không bị phát triển nóng, ồ ạt. Tuy nhiên điều này cũng dẫn tới khan hiếm nguồn cung mới trên thị trường. Cụ thể chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh, theo dự báo của CBRE Việt Nam sẽ có sự thiếu hụt nguồn cung mới trong quý 4/2019 đối với phân khúc nhà phố và biệt thự xây sẵn. Như vậy, tăng trưởng nguồn cung lũy kế toàn thị trường Thành phố chỉ đạt 0,8%, đây là mức thấp trong 4 quý liên tiếp vừa qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại