Nhiều sai phạm ở Dự án Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai
Sau 15 năm thực hiện, Dự án Đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 4 vẫn chưa thể thông tuyến. Cùng với đó là hàng loạt sai sót trong việc đầu tư Dự án đã được Kiểm toán chỉ rõ
Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 868/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán Dự án Đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn Km238 - Km258, đoạn Km271 - Km299 và đoạn Km339 - Km414 (Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai). Sau 15 năm thực hiện, Dự án vẫn chưa thể thông tuyến. Cùng với đó là hàng loạt sai sót trong việc đầu tư Dự án đã được Kiểm toán chỉ rõ.
Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án 6 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.565 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp 95km Quốc lộ 4 đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, trong đó đoạn qua địa phận Hà Giang dài 66,8km; qua tỉnh Lào Cai dài 28,2km. Công trình được khởi công vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, Dự án phải dừng giãn tiến độ đến sau năm 2015. Vì vậy, từ khi khởi công đến năm 2015, Dự án chỉ được bố trí 688,855 tỷ đồng (trong đó, năm 2015 được bổ sung 24,38 tỷ đồng) để ưu tiên hoàn thành trước 48,8km (cả giải phóng mặt bằng) một số đoạn tuyến thuộc huyện Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai) và huyện Xín Mần, Vị Xuyên (Hà Giang).
Sau khi thi công xong, chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ quyết toán (gồm cả quyết toán đến điểm dừng kỹ thuật), chi phí xây dựng đã tăng lên rất nhiều so với dự toán ban đầu, làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Qua rà soát, tính đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, chủ đầu tư còn nợ các nhà thầu thi công 136,3 tỷ đồng.
Liên quan đến quản lý chi phí đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu khối lượng hoàn thành các đợt vượt giá trị thực tế thi công (như công tác đào đất; điều chỉnh đơn giá nhân công bao gồm phụ cấp không ổn định sản xuất chưa phù hợp với quy định).
Thậm chí điều chỉnh chủng loại vật liệu không thoả thuận điều chỉnh (gỗ các loại) tại các gói thầu số 1,2,3; điều chỉnh thừa vật liệu cát trong lớp cấp phối đá dăm (các gói thầu số 4,5,17); sai sót số học (gói thầu số 3) làm tăng chi phí đầu tư số tiền gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư và đơn vị thi công thoả thuận đơn giá bổ sung mới chưa có trong hợp đồng đối với các gói thầu còn chưa thống nhất.
Dự án là tuyến đường vành đai biên giới nối Quốc lộ 4C (phía Hà Giang) với Quốc lộ 4D (phía Lào Cai). Toàn tuyến có chiều dài 176km, trong đó 95km được phê duyệt đầu tư. Tuy nhiên, ngay cả đoạn tuyến dài 95km cũng chỉ có 51km hoàn thành trước năm 2015 và 24km vừa được hoàn thành vào năm 2020.
Còn lại 20km đoạn qua đèo Tây Côn Lĩnh (Km368 - Km388) chưa được bố trí vốn để thi công, đảm bảo tính đồng bộ và thông suốt theo mục tiêu đầu tư. Các gói thầu tại Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai đều chậm tiến độ so với cam kết ban đầu, có những gói thầu phải mất 3 lần gia hạn, nhưng bên giao thầu không có văn bản khiển trách; không yêu cầu bên nhận thầu lập lại tiến độ chi tiết làm căn cứ thực hiện hợp đồng.
Đặc biệt, tại Gói thầu số 5, nhà thầu được chủ đầu tư tạm ứng 39 tỷ đồng, trong khi giá trị khối lượng được các bên thống nhất nghiệm thu đến điểm dừng kỹ thuật thời điểm Dự án bị giãn, hoãn tiến độ là 31,6 tỷ đồng. Trong suốt 4 năm (2015 - 2019), Ban Quản lý dự án 6 chỉ phát 2 văn bản đòi nhà thầu hoàn trả 7,52 tỷ đồng tiền tạm ứng không sử dụng. Liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết, chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 556…
Được biết, trong Thông báo số 868/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6 báo cáo Bộ GTVT có phương án bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định; xem xét sự cần thiết đầu tư 20km còn lại của Dự án đoạn qua đèo Tây Côn Lĩnh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng được yêu cầu chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị liên quan xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân và các đơn vị liên quan để xử lý theo quy định trong việc phát sinh nợ đọng giai đoạn 2008 - 2014 với số tiền là 163,3 tỷ đồng và không được nhà thầu bảo hiểm bồi thường khi xảy ra sụt trượt.
Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh phê duyệt dự án không phù hợp với phương án sử dụng vốn đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 phải thực hiện nghiêm, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận