menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đoan Trang

Nhiều "ông lớn" dệt may khan hiếm đơn hàng

Dù được xem là hưởng lợi trong EVFTA và CPTPP, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn như May 10, Nhà Bè hay May Việt Tiến... lâm vào tình trạng đơn hàng khan hiếm trong nửa cuối năm 2019.

Mặc dù được xem là hưởng lợi trong EVFTA và CPTPP, tuy nhiên, toàn ngành dệt may6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng chưa đến 9%, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.

Đơn hàng chỉ có hết quý III

"Nhiều đơn vị chỉ có đơn hàng tới hết quý III, số ít có đơn hàng tới quý IV. Lượng đơn hàng chỉ bằng 70% cùng kỳ năm ngoái", ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Tuy nhiên, hiện nay hiệp định chỉ mới dừng lại ở mức ký kết vào cuối tháng 6/2019 và phải đến cuối năm nay mới chính thức có hiệu lực, vì thế hàng xuất khẩu hiện nay vẫn chịu thuế dẫn đến tình trạng khó khăn về đơn hàng xuất khẩu hiện nay của các doanh nghiệp.

Nói như ông Cẩm, so với các đối thủ, doanh nghiệp Việt xuất sang EU vẫn phải chịu mức thuế cao 9,6% và chịu nhiều cạnh tranh từ các đối thủ.

Chia sẻ với DĐDN về vấn đề này, ông Phí Ngọc Trịnh, TGĐ Cty CP Tập đoàn dệt may Hồ Gươm đồng tình rằng các quốc gia láng giếng, các thị trường cạnh tranh của dệt may Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế từ lâu. Đây là yếu tố gây cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp ngành dệt may.

Cùng với tình hình đơn hàng giảm, Phó Chủ tịch Vitas cũng cho biết có nhiều tác động từ bên ngoài, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan TP.HCM cũng nhận định, mức tăng 8, 61% trong 6 tháng đầu năm 2019 là mức tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm 2018.

"Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn do lao động sụt giảm, chi phí tăng, trong khi đơn hàng vẫn có nhưng không nhiều như trước đây", ông Hồng nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, 4 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất là Mỹ chiếm 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP chiếm 16,71%; EU chiếm 13,36%; Hàn Quốc chiếm 8,91%.

Cùng với đó, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra. Theo đó, trong số các mặt hàng Mỹ áp thuế lên Trung Quốc có cả hàng dệt may và xơ sợi.

Trong khi đó, tới 60% sợi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, vì vậy xuất khẩu mặt hàng này của Việt sang Trung Quốc gặp khó. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ, sợi chỉ đạt hơn 2 tỉ USD, tăng nhẹ 1%.

Mở rộng thị trường mới

Vitas dự báo, dệt may Việt Nam phải cố gắng nhiều mới có thể đạt mục tiêu 40 tỷ USD xuất khẩu năm nay. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP được cho là sẽ giúp ngành tạo bứt phá để cán đích.

Hiện tại, EU đang chiếm 26% GDP toàn cầu và 20% thương mại thế giới. Các nước CPTPP cũng chiếm 15% thương mại và 13% GDP toàn cầu. Tổng dân số của hai thị trường này là khỏang 1 tỉ dân. “Do đó, đây vẫn là vấn đề chiến lược với ngành dệt may", ông Cẩm nói.

Ngoài ra, với sự góp mặt của hai hiệp định này, Việt Nam cũng sẽ có lợi thế ở các thị trường trước đây chưa kí hiệp định thương mại tự do song phương như Peru, Canada.

Đặc biệt tại Canada, mặc dù trước đây Việt Nam chưa kí kết hiệp định thương mại tự do nhưng đây là thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, với kim ngạch khoảng 700 - 800 triệu USD/năm.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra cơ hội mới cho ngnành dệt may Việt Nam khi một số công ty Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam để "tránh bão".

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2019, có 63 dự án dệt may với số vốn đạt 700 triệu USD. Trong đó, có 17 dự án FDI Trung Quôc với số vốn đăng kí đạt 205 triệu USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại