Nhiều nước ASEAN đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm CBDC
Ở Đông Nam Á, Campuchia là nước đầu tiên ra mắt Bakong kỹ thuật số đang trong thời kỳ thử nghiệm. Các nước như Thái Lan, Singapore và Philippines cũng đang tăng tốc trong lĩnh vực này.
Tại khu vực châu Á, Trung Quốc vẫn là nước đi đầu trong hàng loạt các quốc gia đang thử nghiệm phát triển đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC). Mặc dù hiện tại chưa rõ khi nào đất nước tỷ dân sẽ chính thức tung ra đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, nhưng Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của CBDC và đẩy mạnh quá trình thử nghiệm trên nhiều thành phố lớn như Tô Châu, Thành Đô, Thâm Quyến và cả thủ đô Bắc Kinh. Không những thế, Trung Quốc còn tham vọng quốc tế hoá đồng CBDC của quốc gia này.
Trung Quốc vẫn là nước đi đầu trong hàng loạt các quốc gia đang thử nghiệm phát triển đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC)
Cùng thời điểm này, có nhiều nước trong khu vực cũng tiến hành nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm CBDC như Hàn Quốc, Nhật Bản,... Chỉ riêng ở Đông Nam Á, Campuchia là nước đầu tiên ra mắt Bakong kỹ thuật số đang trong thời kỳ thử nghiệm, các nước như Thái Lan, Singapore và Philippines cũng đang tăng tốc trong lĩnh vực này.
Cụ thể, tháng 10/2020, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã ra mắt hệ thống Bakong sau quá trình thử nghiệm, giữa bối cảnh các nền kinh tế mới nổi tìm cách củng cố nền tài chính nhờ tiền điện tử.
Giám đốc NBC, bà Chea Serey cho biết, hệ thống Bakong sẽ giúp việc thanh toán dễ dàng hơn và hỗ trợ chuyển đổi không tiền mặt tại đây. Nếu Bakong thành công trong việc khuyến khích người dân sử dụng đồng riel, Campuchia sẽ có thể lèo lái chính sách tiền tệ của họ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thái Lan (BOT) – Ngân hàng Trung ương của nước này cũng công bố khởi động một dự án thí điểm đồng Baht kỹ thuật số, nhằm thử nghiệm hệ thống thanh toán CBDC, với sự đồng hành của một nhà cung cấp vật liệu xây dựng lớn trong nước.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã công bố khởi động một dự án thí điểm đồng Baht kỹ thuật số, nhằm thử nghiệm hệ thống thanh toán CBDC
Trong một tuyên bố chính thức, BOT cho biết trước khi ra mắt hệ thống thanh toán CBDC cho tất cả các doanh nghiệp, họ sẽ thử nghiệm nó với các doanh nghiệp lớn. Sau đó, Ngân hàng Thái Lan sẽ đánh giá tính khả thi của hệ thống thanh toán này và liệu nó có dễ dàng tích hợp trên các nền tảng kinh doanh khác.
Hay ngân hàng DBS của Singapore đã công bố báo cáo hàng quý về tiến trình phát triển tiền điện tử và đồng CBDC, trọng tâm là tìm hiểu ngành công nghiệp non trẻ này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đưa CBDC trở thành tâm điểm chú ý, nơi thanh toán kỹ thuật số không còn chỉ đơn giản là vấn đề thích hay không thích, mà là một thực tế mới không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi nó được tích hợp với các công nghệ mới.
Theo đó, Singapore đã và đang chuyển hướng một cách dứt khoát theo hệ thống thanh toán xuyên biên giới dựa trên Blockchain thông qua “Dự án Ubin”. Hiện nó vẫn chưa được coi là một CBDC bản địa hóa, nhưng vì Singapore có tham vọng dẫn đầu cuộc chơi để duy trì vị trí là một trung tâm đổi mới và thân thiện với tiền điện tử hàng đầu trên toàn cầu, chắc chắn rằng họ đã nghiên cứu CBDC một cách toàn diện hơn.
Tiếp bước các quốc gia trong khu vực, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) đã thành lập một nhóm kỹ thuật để nghiên cứu ý nghĩa của việc phát hành CBDC. Thống đốc BSP Benjamin Diokno cho biết nhóm kỹ thuật này sẽ nghiên cứu tính khả thi và những tác động có thể có của một đồng Peso kỹ thuật số.
Ngân hàng trung ương Philippines sẽ nghiên cứu sâu hơn về khả năng của việc tung ra một đồng peso kỹ thuật số
Như vậy, trải nghiệm của Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng thảo luận của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Trong một bài đăng trên Viện nghiên cứu RSIS Rajaratnam (Singapore) về triển vọng xuất hiện một đồng tiền kỹ thuật số chung của khu vực ASEAN, giới chuyên môn bình luận, đã đến lúc ASEAN phải bắt đầu các cuộc thảo luận về khả năng có CDBC và một "đồng tiền ASEAN" như vậy hay không?
Lợi ích rõ ràng nhất của đồng tiền kỹ thuật số ASEAN là sẽ làm giảm đáng kể các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc có một CBDC ASEAN có thể củng cố quyền tự chủ tài chính của nhóm khu vực - đảm bảo rằng nhóm này không phải dựa vào bất kỳ nước lớn nào để có được "sự bao gồm tài chính" hoặc quá phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài đối với cấu trúc kỹ thuật công nghệ tài chính (fintech) của mình.
Chắc chắn, các nước ASEAN đã và đang ở nhiều giai đoạn phát triển CBDC của riêng mình. Song đại diện ngân hàng DBS của Singapore đã từng kết luận rằng, viễn cảnh sử dụng CBDC một cách rộng rãi ở tất cả các quốc gia vẫn còn gặp nhiều thách thức bởi những nguyên nhân về chính trị. An ninh và luật pháp cũng là những mối quan tâm khác cần phải nghiên cứu, chưa kể đến việc thay đổi nhận thức của công chúng vốn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận