Nhiều nơi ở TPHCM: Bán xăng cho dân vẫn 20.000 đồng/xe
Tình trạng hết xăng, bán xăng cầm chừng từ 20.000 đến 30.000 đồng/xe… vẫn đang diễn ra tại nhiều khu vực ở TPHCM những ngày qua. Cơ quan chức năng của địa phương đang triển khai kế hoạch quy định giờ bán xăng, nhưng vấp phải sự phản ứng của các thương nhân.
Ngày 26/10, tại cửa hàng xăng dầu Tân Chánh Hiệp (số 2/7A Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) thuộc Công ty CP Thương mại Hóc Môn, nhiều người bất ngờ khi nơi này treo biển hết xăng. Nhân viên ngồi trước trạm xăng liên tục ra hiệu khi khách ghé vào. “Xe đã cạn bình nhưng đến đây thì treo biển hết xăng, giờ không biết làm cách nào để đến công ty ở quận 3”, chị Thu Trang, nhân viên văn phòng, than thở.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số quận, huyện như Gò Vấp, Bình Tân, Hóc Môn… vẫn còn nhiều cây xăng bán cầm chừng hoặc tạm ngưng hoạt động do hết xăng. Ông Lê Minh, quản lý một cây xăng trên đường Bà Hom (quận Bình Tân), cho biết, một số cây xăng trong khu vực hết xăng nên lượng khách đổ về cây xăng rất đông, tăng gần gấp đôi so với trước. “Nguồn xăng hiện nay trồi sụt bất thường như ngày hôm trước nhận được 17.000 lít xăng, nhưng hôm nay chỉ nhận được 14.000 lít nên không đủ bán và khi hết xăng thì phải nghỉ bán”, ông Minh nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4 (TPHCM), cho hay, Hợp tác xã có hai cây xăng nhưng nguồn xăng được giao về nhỏ giọt, thậm chí 2-3 ngày chỉ được 6.000 lít xăng, nên thường xuyên không đủ xăng để bán, có ngày bán đến 14 giờ là hết xăng.
Sở Công Thương TPHCM cho biết, ngày 26/10 có 399/550 cửa hàng xăng dầu hoạt động, 4 cửa hàng tạm dừng và 44 cửa hàng cung ứng gián đoạn. Trong đó, quận 12 có 6/36 cây xăng hoạt động cầm chừng; quận Bình Tân có 4 cây xăng hết hàng; quận Gò Vấp có 2 cửa hàng hết xăng; huyện Bình Chánh có 3 cây xăng hết hàng cục bộ.
Đề xuất thời gian bán xăng
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Công Thương, có trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động 24/24 giờ; nhưng có doanh nghiệp đăng ký bán hàng từ 6-18 giờ hằng ngày, hay chỉ bán đến 17 giờ hằng ngày. Thời điểm 17-18 giờ hằng ngày là giờ tan tầm, lượng xe lưu thông lớn và có nhu cầu đổ xăng dầu rất cao. Vì vậy, các cây xăng chỉ phục vụ đến 17-18 giờ hằng ngày là không phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở TPHCM, nhất là thời điểm thiếu hụt xăng dầu cục bộ.
Do đó, Sở Công Thương đề xuất quy định tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể trong ngày do thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự xác định theo thực tế, phù hợp khả năng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật); phải bảo đảm không mở cửa bán hàng trễ hơn 6 giờ và không đóng cửa trước 18 giờ hằng ngày. Đối với những ngày lễ, Tết, thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày.
Ông V., chủ một cửa hàng xăng dầu trên đường Kinh Dương Vương (quận 6), cho rằng, nếu quy định thời gian để ràng buộc các cơ sở kinh doanh xăng dầu làm việc thì chưa thỏa đáng. “Vấn đề cần làm rõ là làm sao đủ hàng, cách nào thoát lỗ… Tôi cho rằng, đó mới là điều cơ bản chứ giải pháp hành chính như yêu cầu mở cửa hàng giờ này, đóng cửa hàng giờ kia cũng chỉ mang tính chất đối phó” - ông V. nói.
Sở Công Thương TPHCM đang đưa ra dự thảo quy định giờ bán xăng dầu. Theo đó, thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải niêm yết thời gian bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ theo thời gian đã đăng ký. Nội dung niêm yết phải rõ ràng, cụ thể; vị trí niêm yết tại nơi dễ nhận thấy trong phạm vi cửa hàng và thuận tiện cho quan sát của khách hàng. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận