Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc "tiến thoái lưỡng nan"
Việc đầu tư quá mức, doanh số trong nước yếu và các rào cản thương mại ở nước ngoài đã làm lợi nhuận của các công ty Trung Quốc sụt giảm và đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Đầu tư quá mức và doanh số yếu
Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn khi chính phủ thúc giục tăng cường công suất sản xuất mà không kích thích nhu cầu mới.
Điển hình như công ty Jiangsu Lopal Tech, nhà cung cấp lithium iron phosphate để sản xuất pin, đã thua lỗ 169 triệu USD trong năm 2023. Khoản lỗ này đã xóa sạch gần ba năm lợi nhuận của doanh nghiệp này do thị trường lithium iron phosphate ở Trung Quốc bị thừa cung và nhu cầu từ các nhà sản xuất pin trong nước giảm sút.
Việc thừa cung và nhu cầu tiêu dùng yếu đang đẩy nhiều công ty Trung Quốc đến bờ vực phá sản, buộc họ phải hạ giá sản phẩm, làm giảm lợi nhuận.
Với bong bóng bất động sản đã bơm sức mạnh cho sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm đang xì hơi, Bắc Kinh đã chuyển hướng đầu tư vào sản xuất mà ít có biện pháp đáng kể để tăng nhu cầu tiêu dùng, một phần do nước này coi tiêu dùng theo kiểu Mỹ là lãng phí và trái ngược với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp và công nghệ.
Việc dư thừa cung đã khiến giá thành sản phẩm của các nhà sản xuất Trung Quốc giảm mạnh trong gần hai năm. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Khoảng một phần tư số công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục hiện không có lợi nhuận, so với 7% một thập kỷ trước, theo phân tích của Wall Street Journal.
Longi Green Energy Technology, công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời, cảnh báo vào đầu tháng 7 rằng họ dự kiến sẽ lỗ hơn 661 triệu USD trong nửa đầu năm nay, do tình trạng thừa cung trong ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc.
Nhưng những áp lực như vậy không chỉ giới hạn trong các ngành công nghiệp mới, mà còn mở rộng ra các ngành máy móc, điện tử và phần mềm. Angang Steel đã thông báo với các cổ đông rằng khoản lỗ từ tháng 1 đến tháng 6 của họ sẽ vào khoảng 370 triệu USD, gần gấp đôi khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết toàn ngành đang chịu áp lực từ giá cả lao dốc và nhu cầu yếu.
Hệ quả của mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng thế giới đã và đang được hưởng lợi từ các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc và chỉ trích các chính phủ nước ngoài sử dụng các khiếu nại về thừa công suất để biện minh cho việc bảo vệ ngành công nghiệp của chính họ.
Công suất dư thừa trong khi nhu cầu yếu đang đe dọa tới triển vọng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới
Theo nhiều nhà kinh tế, dư thừa công suất là kết quả dự đoán trước của hệ thống kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên điều hướng vốn thông qua trợ cấp, ưu đãi thuế và các ngân hàng và quỹ đầu tư do Nhà nước kiểm soát vào các lĩnh vực được ưa chuộng. Điều đó khuyến khích các công ty đổ xô vào các lĩnh vực đó và tăng sản xuất.
Ví dụ, ngành ô tô của Trung Quốc đang trong một cuộc chiến giá khốc liệt khi hơn 100 công ty sản xuất gần gấp đôi số lượng xe điện mà người tiêu dùng trong nước mua mỗi năm. So với đầu năm 2022, các khoản vay cho ngành công nghiệp này đã tăng hơn 60%.
Đối với Trung Quốc, việc dư thừa công suất là chấp nhận được để đổi lấy các mục tiêu khác: hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn; tăng năng suất để bù đắp lực lượng lao động đang thu hẹp; dẫn đầu trong các ngành công nghiệp như năng lượng sạch, xe điện và máy tính tiên tiến; và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Kết cục cho các công ty thua lỗ do dư thừa công suất ở Trung Quốc cuối cùng dẫn đến vỡ nợ và phá sản. Tuy nhiên, sự khác biệt theo các chuyên gia phương Tây là ở Trung Quốc, Nhà nước đóng vai trò chính trong việc quyết định công ty nào sống sót và công ty nào thất bại.
Trong quá khứ, khi các khoản lỗ gia tăng ở các ngành dư thừa công suất như thép và năng lượng mặt trời, Trung Quốc đã rút trợ cấp, yêu cầu các công ty cắt giảm công suất và sáp nhập hàng loạt các công ty nhỏ thành các công ty lớn hơn, cạnh tranh hơn và có khả năng sinh lời.
Nhiều công ty khác vẫn tiếp tục hoạt động, được duy trì bằng tín dụng từ các ngân hàng do Nhà nước kiểm soát hoặc vốn từ các quỹ đầu tư do Nhà nước hậu thuẫn. Nhà sản xuất ô tô Zhido đã phá sản vào năm 2019. Năm nay, sau khi nhận được sự bơm vốn như vậy, công ty đang tung ra một chiếc xe mới và có hơn một chục mẫu xe mới đang trong quá trình sản xuất.
Để tiếp tục tồn tại, các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường trên khắp thế giới, đầu tư vào sản xuất ở nước ngoài hoặc chịu thua lỗ lớn hơn để tiếp tục bán hàng ở những nơi họ phải đối mặt với thuế quan. Điều đó sẽ hạn chế khả năng đầu tư vào sản phẩm mới, tăng lương hoặc thuê thêm nhân viên trong nước.
Đối với các nước khác, họ cũng không ngồi yên để hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào. Nhiều nước đang chống lại việc này. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu ý tưởng về thuế quan 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Liên minh Châu Âu gần đây cho biết họ đang tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc. Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đang chống lại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng các biện pháp hạn chế và điều tra chống bán phá giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận