Nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ vào tài sản logistics
Nhu cầu thương mại điện tử và dịch vụ dược phẩm tăng tốc đảm bảo rằng logistics và công nghiệp vẫn là loại tài sản vững vàng trong năm 2021.
Đây là nhận định được JLL đưa ra mới đây, trong đó, JLL cho rằng, thương mại điện tử là một trong những lý do dẫn đến sự gia tăng đầu tư vào tài sản logistics. Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD.
"Sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất", theo JLL.
JLL dự báo khối lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng từ 25 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2020 lên 50 - 60 tỷ USD trong giai đoạn 2023 - 2025. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài cũng đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.
JLL cho rằng Việt Nam có định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình 3 vùng kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dọc xuyên suốt đất nước. Với tổng diện tích đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cho thuê đến quý II/2021 lần lượt tại miền Bắc là 9.700 ha và 1,9 triệu m2; miền Trung là 6.600 ha và 30.500 m2; và miền Nam là 25.200 ha và 3,2 triệu m2.
Sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản ít cạnh tranh và tạo ra thu nhập ổn định.
Theo JLL, số lượng các quỹ đầu tư cốt lõi tiếp cận thị trường logistics và công nghiệp này ngày càng tăng, qua đó làm tăng khả năng diễn ra nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn. Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ dược phẩm tăng tốc ồ ạt đã đảm bảo rằng logistics và công nghiệp vẫn là loại tài sản tăng trưởng vững vàng hơn so với các loại tài sản bất động sản khác năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận