Nhiều người "chết dở" vì đầu tư nhà đất theo đám đông
Không thể phủ nhận, nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) trúng đậm nhờ biết đón đầu quy hoạch, nhất là những dự án quy mô lớn, có tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS. Ngược lại cũng không ít trường hợp "ôm hận" vì ăn theo những thông tin mãi chỉ nằm trên giấy.
Hơn một tuần kể từ khi có thông tin Tập đoàn lớn gửi đề xuất thực hiện hai dự án tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 802,2 ha, nhà đất Bình Ba ngay lập tức trải qua một cơn “quay cuồng”. Dân đầu cơ, cò đất và người mua tứ xứ đổ về đây săn đất, thao túng giá với hy vọng đi trước đón đầu cơ hội làm giàu từ đất.
Là một nhà đầu tư không chuyên, ông Đ.V.Mạnh (phường 9, quận 5, TP.HCM) cũng ăn theo đám đông này, cùng không ít người quen kéo xuống Bình Ba tham gia họp “chợ” mua bán đất đai. Những ngày đầu, nhờ nhanh tay đi theo dân trong ngành mà từ việc mua đi bán lại, ông Mạnh kiếm chênh được cả trăm triệu. Thấy ngon ăn, nhà đầu tư này quyết định gom một lúc 6 lô đất lớn tại Bình Ba và găm hàng chờ đỉnh giá. Tuy nhiên, điều ông không ngờ là cơn sốt đất ảo này đến nhanh đi vội, chỉ sau vài ngày có thông tin báo chí phản ánh, giá đất Bình Ba lập tức lao dốc không phanh.
Khi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông báo mới chỉ đồng ý chủ trương khảo sát, ngay cả các tập đoàn lớn cũng cho biết đây chỉ là một trong số đề án nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư, chưa có quyết định chính thức nào đảm bảo dự án chắc chắn sẽ triển khai. Điều này khiến giao dịch lập tức "đóng băng" còn ông Mạnh lao đao vì bán không được, chờ không xong. Cay đắng nhất là phần lớn vốn liếng làm ăn ông đã đổ hết vào số đất này nên giờ nếu không ra được hàng, càng để lâu ông càng khốn đốn.
Gần đây thông tin doanh nghiệp BĐS này liên tiếp hủy kế hoạch phát triển dự án tại nhiều tỉnh thành khiến khu đất Bình Ba của ông Mạnh càng thêm mất giá. Tình hình càng bi đát hơn vì Covid-19 khiến việc rao bán lại của ông gặp khó khăn, dù chấp nhận bán lỗ vẫn không ra được hàng vì thị trường đã hết nóng.
Làn sóng ăn theo sốt đất rồi ngã ngựa tại Bình Ba không phải là trường hợp hi hữu. Mới đây tại thị trường Bến Lức, Long An, thông tin quy hoạch dự án Khu đô thị mới 349 ha tại Bến Lức tỉnh Long An chính thức bị hủy bỏ khiến không ít nhà đầu tư ăn theo dự án này điêu đứng.
Chị N.T.B.Ngọc, một nhà đầu tư đất tại Bến Lức, Long An cho biết, thời điểm 2018-2019 chỉ bằng thông tin sắp có dự án “khủng” sẽ triển khai mà giá đất khu vực được thổi lên gấp 3-4 lần. Thấy nhiều người quen tranh nhau gom tiền về đây mua đất nên chị cũng học theo xuống tiền mua 2 lô với giá gần 3 tỷ đồng. Nếu theo đúng tính toán thì sau 1 năm giá đất khu vực này có thể tăng từ 10-15%, nếu dự án lớn đi vào triển khai thì giá có thể đột biến tăng 20-30%. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này tuyên bố dừng nghiên cứu lập quy hoạch phát triển khu đô thị tại Bến Lức đã khiến nhiều nhà đầu tư ăn theo dự án trong đó có chị rơi vào khó khăn.
“Nếu không có dự án triển khai thì với sự phát triển hạ tầng và đô thị của khu vực, giá BĐS nơi đây khó tăng mạnh. Giá đất bị thổi lên 3-4 lần chủ yếu nhờ thông tin về đại đô thị. Hiện nay đô thị đã không còn, đất nhanh chóng quay về giá trị thực nên những nhà đầu tư lỡ ăn theo dự án thời điểm đó như tôi không biết phải làm sao. Mua vào với giá khá cao, giờ bán lại cùng mức giá sẽ không có người mua. Hạ giá cắt lỗ cũng không dễ vì thị trường đang đứng, người có nhu cầu mua đất đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể đất nền ở thị trưởng tỉnh cũng không còn nhiều sức hút với dân đầu tư như trước.
Việc đầu tư, “lướt sóng” tại các dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản không phải là chuyện hiếm trên thị trường. Thậm chí với sức hút từ tên tuổi của các ông lớn, có những dự án dù mới chỉ nằm trên giấy, chỉ là ý tưởng, đề xuất cũng đã gây sốt và tạo nên làn sóng đầu tư ăn theo. Tuy nhiên đi kèm với đó là không ít rủi ro. Không riêng chị Ngọc hay ông Minh, nhiều nhà đầu tư ôm mộng đón sóng đô thị mới, rồng rắn kéo nhau mua đất chờ cơ hội tăng giá đang "chết dở" do không ra được hàng. Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua vào không kịp xả hàng, đối mặt với thua lỗ, buộc phải chấp nhận bán tháo, cắt lỗ 30-40% vì không gánh nổi tiền lãi.
Trước thực trạng trên, giới chuyên gia BĐS khuyến cáo, những nhà đầu tư còn non kinh nghiệm chỉ nên xuống tiền khi dự án có những cơ sở pháp lý nhất định như doanh nghiệp đã được giao đất, được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư. Còn nếu dự án chỉ mới ở mức khảo sát quy hoạch thì việc đầu tư đón đầu là rất rủi ro. Việc đầu tư đón đầu các đại dự án lớn cũng giống như con dao hai lưỡi, nếu thuận buồm xuôi gió có thể sẽ phất lên nhanh vì mua được quỹ đất giá rẻ, ngược lại, nếu đại dự án không được chấp thuận, hay doanh nghiệp chỉ khảo sát rồi bỏ cuộc thì khả năng thua lỗ là rất lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận