24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều ngân hàng khóa “room” ngoại để tính chuyện đường dài

Ngân hàng có thể chọn dùng phần “room” còn lại để phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện thuận lợi...

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức sở hữu không quá 15% vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%.

Đồng loạt khóa "room"

Tuy nhiên, để tính đường dài, nhiều ngân hàng đang có xu hướng chọn phương án khóa “room” ngoại ở mức thấp hơn mức cho phép tối đa của cơ quan quản lý.

Theo đó, ngân hàng có thể chọn dùng phần “room” còn lại để phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện thuận lợi. Phương án này thường đi cùng với triển vọng mang về thặng dư tốt cho nhà băng.

Hoặc, đơn giản, đây chỉ như một “của để dành” khi ngân hàng có nhu cầu tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hoặc đáp ứng các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về an toàn vốn.

Mới đây, HDBank vừa quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ mức 30% xuống còn 21,5% nhằm phục vụ kế hoạch lựa chọn và thỏa thuận với đối tác chiến lược.

Đi cùng với quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài, HDBank cũng quyết định triển khai phát hành 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Trái phiếu được phát hành có kỳ hạn 5 năm 1 ngày, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền và sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2 của ngân hàng.

Đặc biệt, số trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Đây có thể là lý do HDBank quyết định giảm “room” ngoại, để chuẩn bị trong trường hợp trái chủ muốn chuyển thành cổ đông của ngân hàng.

Trước đó, hồi đầu tháng 5/2020, cổ đông VPBank cũng đã thông qua phương án giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng từ 22,77% xuống còn 15%.

Theo lý giải của Ban lãnh đạo ngân hàng, do trong cuộc khủng hoảng về tài chính từ ảnh hưởng của dịch bệnh, các quỹ đầu tư nước ngoài (đặc biệt từ Mỹ và châu Âu) có xu hướng rút khỏi các thị trường chứng khoán châu Á.

Một số cổ đông nước ngoài của VPBank cũng không nằm ngoài xu hướng này và do vậy đã có một lượng cổ phiếu bán ra.

Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài/vốn điều lệ VPBank đã giảm khoảng 0,34% so với mức chốt trên. Với tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được cải thiện có thể xu hướng này chưa dừng lại.

Theo đó, HĐQT VPBank quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhằm mục đích chào bán cho các cổ đông nước ngoài khác muốn đầu tư vào ngân hàng khi thị trường tài chính thực sự quay lại ổn định, từ đó có thể có cơ hội tạo ra thặng dư vốn trực tiếp cho ngân hàng.

Trong khi đó, cũng khóa “room” ngoại, nhưng HĐQT Ngân hàng Techcombank lại quyết định nâng tỷ lệ sở hữu từ 22,4951% vốn điều lệ lên 22,5076%.

Động thái này là nhằm giúp người lao động nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu TCB thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng chọn phương án khóa “room” ngoại để làm “của để dành” như tại VIB là 20,5%, MBB là 22,99%, LPB là 9,99%,…

Cửa nới lên 49% không mở rộng

Ngoài các thành viên trên, hiện cũng có nhiều nhà băng đã cạn "room" ngoại. Trong khi đó, Thông tư 41 với các yêu cầu về an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II lại đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc tăng vốn ở nhiều thành viên nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn mới về vốn này.

Trường hợp tại VietinBank là một ví dụ điển hình. Tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã lấp đầy những năm qua khiến kế hoạch tăng vốn khó khăn, liên quan đến cân đối sở hữu các cổ đông hiện hữu, gồm cổ đông Nhà nước và vấn đề ngân sách, trong khi không còn dư địa để phát hành thêm cho khối ngoại. Gần đây khối ngoại có giao dịch thoái bớt tại đây, nhưng mức độ hở "room" không lớn.

Một trong những giải pháp chính cho những trường hợp trên được nêu ra là Nhà nước cho tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở các ngân hàng thương mại trong nước lên trên 30%.

Điều này một mặt nhằm tăng thêm tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, mặt khác, tăng động lực để các ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính.

Dù vậy, vì nhiều lý do, đến nay, đề xuất này vẫn chưa được các cơ quan quản lý đưa vào cân nhắc.

Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua đã mở ra một “cánh cửa” mới cho các nhà băng đang kẹt "room", nhưng phạm vi lại không mở rộng.

Cụ thể, theo EVFTA, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam.

Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối hoặc sắp cổ phần hóa là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Việc thực hiện cũng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo quy định của pháp luật của Việt Nam.

Như vậy, với Hiệp định này, sẽ có 2 ngân hàng được nới "room" ngoại vượt khỏi mức trần quy định hiện hành. Dù vậy, cánh cửa mở ra với thành viên nào hiện vẫn còn là một ẩn số với nhiều tiêu chí sẽ được đưa ra để cân đo đong đếm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả