menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thiên Anh

Nhiễu loạn thông tin khiến giá tiêu trong nước “nhảy múa”

Giá tiêu bất ngờ “nhảy múa” trước nhiều thông tin nhiễu loạn, trong khi yếu tố đầu ra xuất khẩu không nhiều thay đổi.

Những ngày cuối cùng tháng 5/2020, giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên, miền Nam tăng giảm đột ngột.

Cụ thể, ngày 27/5 giá tiêu có bước tăng nhảy vọt từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, đến ngày 28/5 đẩy giá tiêu lên mức 60.000 - 62.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay sau phiên tăng sốc, giá tiêu hôm 30/5 lại lao dốc mạnh về mốc 50.000 đồng/kg.

Sáng ngày 31/5, ở giá tiêu cao nhất 56.000 đồng/kg được ghi nhận Bà Rịa - Vũng Tàu, mức thấp nhất là 52.000 đồng/kg tại Gia Lai.

Giá tiêu bất ổn, gây khó cho xuất khẩu

Ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trân Châu cho biết, câu chuyện hồ tiêu tăng giá xảy ra vào ngày 27/5 và đến sáng ngày 29/5 đã kết thúc.

Trước đó, giá tiêu từ 38.000 đồng/kg nhích dần lên 42.500 đồng/kg thì dừng lại, nhưng sau đó lại tăng tiếp lên 48.000 - 49.000 đồng/kg. Đến giá này thị trường bắt đầu loạn lên với đủ các tin đồn, nhiều thương lái lớn ở vùng nguyên liệu tung tin “bên xuất khẩu đang cần hàng, giá tiêu sẽ còn lên tới mức 70.000 -80000 đồng/kg, mọi người nên giữ hàng lại chờ giá tăng thêm nữa”.

Nguyên nhân, vào ngày 26/5, Công ty Sơn Hà (phía Bắc) nâng giá mua tiêu lên 53.000 - 55.000 đồng/kg nhưng mua với số lượng không đáng kể. Qua ngày 27/5, giá tiêu nhảy vọt lên 59.000 - 60.000 đồng/kg, có một số thương lái và đại lý ở Đồng Nai, Bình Thuận, Đắk Lắk mua trữ với giá 60.000 - 63.000 đồng/kg.

Sáng ngày 29/5, vẫn có người chào bán giá 62.000 đồng/kg nhưng chỉ một lúc giá tiêu đã tụt xuống 60.000 đồng/kg, đến chiều chỉ còn 52.000 đồng/kg.

Sáng ngày 30/5, giá tiêu xuống trên thị trường chạm mức 50.000 đ/kg.

Tại Đắk Lắk, giá tiêu đang giao dịch từ 51.000 - 52.000 đồng/kg nhưng chỉ có thương lái, đại lý và người dân mua bán với nhau, lượng bán ra cũng rất ít vì giá này chưa đạt kỳ vọng của người dân, các công ty chưa mua vào vì mức giá này đang cao hơn giá xuất khẩu.

“Giá tiêu trên thị trường bất ổn không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu, mà còn tạo cơ hội cho Brazil và Indonesia - hai đối thủ cạnh tranh bán hàng ra theo giá của Việt Nam, còn tiêu của Việt Nam chỉ bán vòng vèo trong vùng nguyên liệu chứ không đến nhà xuất khẩu. Cuối cùng giá tiêu của Brazil và Indonesia tăng từ 2.100 USD/tấn lên 2.500 USD/tấn (FOB), nhưng vẫn thấp hơn giá tiêu của Việt Nam đang ở mức 2.800 - 2.850 USD/tấn (FOB). Chúng ta làm như vậy là tạo điều kiện cho Brazil và Indonesia bán hàng ra trong khi đó Việt Nam cứ ôm hàng”, ông Hiên nói.

Giá tiêu tăng không bền vững

Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu, tình hình cung cầu tiêu trên thế giới không thay đổi nên giá tiêu trên thị trường thế giới không tăng, nhưng thời gian gần đây giá tiêu nội địa lại tăng, nhất là những ngày vừa qua tăng sốc.

Ông Hải nêu 3 yếu tố: thứ nhất, thị trường Trung Quốc có nhu cầu nên tăng mua nhưng nay Trung Quốc cũng đã mua đủ rồi; thứ hai, một số doanh nghiệp bán hết hàng bây giờ thiếu nên tập trung mua vào; thứ ba, người dân khi thấy giá tiêu lên giữ hàng lại không bán ra.

Mấy ngày qua giá tiêu trong nước bị ảnh hưởng bởi những tin đồn tạo cơn sốt giá ảo, chứ không phải tăng do nhu cầu từ thị trường xuất khẩu. Như vậy, có thể thấy nhu cầu thế giới không tăng mà giá tiêu trong nước tăng là không bền vững; và việc “thổi giá” như hiện nay không tốt cho xuất khẩu, làm cho doanh nghiệp thiếu hụt nguồn hàng không thể thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Hiện nay, ngoài các hợp đồng đã ký, các doanh nghiệp không ký thêm được hợp đồng mới, vì khách hàng không chấp nhận mua giá mới.

Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Thị trường Mỹ đã mua đủ lượng hàng cho đến tháng 10, có doanh nghiệp đã mua đủ đến tháng 12. Tại thị trường Ấn Độ, do ảnh hưởng của Covid-19 các nhà máy chế biến tiêu ở Ấn Độ đã giảm đến 50% công suất, nên nhu cầu tại thị trường Ấn Độ đang giảm. Với mức giá tiêu hiện nay thương nhân Trung Quốc không mua vào, thậm chí đang bán tiêu trở lại thị trường trong nước, vì giá tiêu bây giờ đang cao hơn so với lúc mua vào, thấy lời nên họ bán ra mà không cần mang về nước.

Vào những năm 2014, 2015 khi giá tiêu trên thị trường thế giới tăng tột đỉnh (220.000 - 250.000 đồng/kg) cũng như Việt Nam, Brazil và Indonesia đã đẩy mạnh diện tích trồng tiêu trong khi đó nhu cầu tiêu trên thế giới tăng thêm không nhiều, vì vậy, cung vượt cầu kéo giá tiêu sụt giảm đến bây giờ.

Hiện Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch tiêu, sản lượng tiêu năm 2020 đạt khoảng 230.000 - 240.000 tấn, giảm khoảng 10% so với năm ngoái, do một số diện tích cho năng suất thấp khi tiêu xuống giá thấp bà con chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đây là mức giảm không đáng kể và Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại