Nhiều lo ngại về việc Nga sẽ dùng khí đốt như một "lá bài" chiến lược
Theo nhà kinh tế trưởng từ VP Bank, có nhiều lo ngại Nga sẽ dùng khí đốt như "lá bài" chiến lược nếu sau ngày 21/7, Nga không cung cấp khí đốt, nền kinh tế Đức và châu Âu sẽ rơi vào suy thoái sâu.
“Gã khổng lồ” năng lượng Gazprom của Nga bắt đầu đợt bảo trì định kỳ 10 ngày đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào ngày 11/7. Điều này khiến Đức và các nước châu Âu khác thận trọng theo dõi xem liệu dòng khí đốt có hoạt động trở lại hay không.
Việc bảo trì hàng năm đối với hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 thường được lên kế hoạch trước từ rất lâu. Tuy nhiên, với quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm vì cuộc cung đột Nga- Ukraine, Gazprom có thể tận dụng cơ hội này để “khóa” dòng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, ngay cả khi việc bảo trì đường ống kết thúc.
Phó Thủ tướng Đức, Robert Habeck, phát biểu trước truyền thông vào cuối tuần qua: "Chúng ta đang đối mặt với một tình huống chưa từng có – đó là bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Có thể Nga sẽ tiếp tục bơm khí đốt trở lại, thậm chí với công suất cao hơn trước. Tuy nhiên, cũng có thể Nga sẽ dừng hẳn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, và chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".
Truyền hình NTV của Đức dẫn phát biểu của ông Klaus Müller - Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức, cho biết cho đến nay chưa thể khẳng định được rằng Nga có ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 hay không. Theo ông Müller, trong trường hợp xấu nhất là Nga ngừng cung cấp khí đốt, sẽ có một số kịch bản có thể xảy ra, trong đó có kịch bản Đức rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt. Các kịch bản này phụ thuộc vào một số yếu tố như việc thiết lập các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG), khả năng và tốc độ tiết kiệm khí đốt...
Theo quan điểm của Cơ quan Mạng lưới liên bang, điều quan trọng là phải ngăn chặn sự chia rẽ Bắc-Nam (ở nước Đức) về việc cung cấp khí đốt. Do đó, các cơ sở lưu trữ ở phía nam đất nước sẽ được lấp đầy một cách có mục tiêu.
Về cuộc tranh luận dài thời hạn hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại tại Đức, ông Müller cho rằng vấn đề hiện tại của Đức là việc thiếu khí đốt, tức là thiếu nguồn cung cấp nhiệt. Khí đốt được sử dụng như một nguyên liệu thô trong công nghiệp, vì vậy các nhà máy điện hạt nhân không thể giúp giải quyết vấn đề này. Và khi nói đến việc tạo ra nhiệt, các nhà máy điện hạt nhân cũng không đủ sức mạnh như khí đốt.
Theo tính toán của Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức, mức dự trữ khí đốt hiện tại ở nước này đạt 63,2%. Nếu nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 không được đảm bảo, có thể sẽ không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt ngay lập tức. Nhưng nước Đức không thể lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở mức 90% vào tháng 11 tới như kế hoạch. Và nếu không thể đạt được mức lưu trữ đó, tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông hoàn toàn có thể xảy ra.
Các chuyên gia kinh tế Đức lo ngại sự suy thoái kinh tế trong trung hạn nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc sau ngày 21/7. Nhà kinh tế trưởng Thomas Gitzel từ VP Bank cho rằng có những lo ngại Nga sẽ sử dụng khí đốt như một "lá bài" chiến lược. Thế giới sẽ đổ dồn sự chú ý vào ngày 21/7, nếu sau đó Nga không tiếp tục cung cấp khí đốt, nền kinh tế Đức và châu Âu sẽ rơi vào suy thoái sâu.
Dòng chảy phương Bắc 1 là đường ống dẫn khí đốt dưới biển dài nhất thế giới, chạy dưới biển Baltic nối từ Nga đến Đức và đã hoạt động được một thập kỷ. Sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng Hai năm nay, Đức đã đình chỉ việc cấp giấy chứng nhận cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, do lo ngại gia tăng về sự phụ thuộc quá lớn của châu Âu vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận