Nhiều đơn vị “né” báo cáo về kiến nghị trong đấu thầu
Thực tiễn công tác đấu thầu xảy ra nhiều dư luận xoay quanh kiến nghị của nhà thầu. Tuy nhiên, trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2019 của nhiều bộ, ngành, địa phương, nội dung giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm về đấu thầu thường nêu chung chung, phản ánh không đúng tình hình thực tiễn hoặc né tránh, “đá bóng” về nội dung này.
Báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẳng định, đơn vị này không có kiến nghị và không xử lý vi phạm về đấu thầu. Tuy nhiên, tháng 2/2019, một nhà thầu phản ánh tới Báo Đấu thầu, Vinalines đưa ra nhiều tiêu chí hạn chế doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm P&I (trách nhiệm dân sự chủ tàu) cho đội tàu của Vinalines. Mặc dù doanh nghiệp trong nước đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị nhưng không được Vinalines quan tâm giải quyết thấu đáo, một mực bảo lưu ý kiến riêng, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt trong việc tham gia cung cấp dịch vụ này.
Năm 2019, trên địa bàn tỉnh An Giang phát sinh nhiều tai tiếng về đấu thầu mua vật tư y tế. Điển hình là vụ việc kiến nghị dài kỳ của doanh nghiệp tại một gói thầu vật tư y tế do Sở Y tế tỉnh An Giang làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp đã gửi đơn đến UBND tỉnh An Giang và vụ việc được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh An Giang chủ trì, giải quyết. Sau đó, Sở KH&ĐT An Giang, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản đề nghị Sở Y tế An Giang đánh giá lại hồ sơ dự thầu của nhà thầu kiến nghị, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đấu thầu. Tuy nhiên, báo cáo về tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2019, UBND tỉnh An Giang cho biết, năm 2019, Tỉnh không ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang cũng là địa phương có nhiều vụ việc “nổi cộm” liên quan đến đấu thầu. Điển hình là câu chuyện đấu thầu qua mạng Gói thầu số 3 Mua sắm trang thiết bị đồ dùng cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, THCS, THPT công lập có học sinh bán trú do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang làm chủ đầu tư. Gói thầu này có giá hơn 49 tỷ đồng, bị 2 nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu đưa ra yêu cầu cao, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Chủ đầu tư còn bị nhà thầu “tố” phớt lờ nội dung kiến nghị của nhà thầu, bưng bít lý do loại nhà thầu… Thế nhưng, trong báo cáo công tác đấu thầu năm vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2019, Hà Giang không có đơn thư khiếu nại về đấu thầu.
Báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2019, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ nêu chung chung đối với nội dung giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm về đấu thầu. Báo cáo cho biết, trong năm 2019, Bộ GTVT nhận được một số nội dung kiến nghị về đấu thầu (liên quan đến lĩnh vực đường bộ, hàng hải) và đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị được giao là chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện rà soát, kiểm tra và giải quyết theo đúng quy định, đảm bảo công tác lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, không ít Sở KH&ĐT cũng báo cáo hết sức sơ lược về công tác giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm về đấu thầu của địa phương năm 2019. Chẳng hạn như, “năm 2019, Sở KH&ĐT (tỉnh Bạc Liêu) chưa nhận đơn kiến nghị gửi Hội đồng tư vấn để giải quyết kiến nghị trong đấu thầu”. Còn Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh báo cáo rằng, “năm 2019 có 3 kiến nghị trong công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu (gồm 1 văn bản do Cục Quản lý đấu thầu chuyển đơn và 2 văn bản do UBND Tỉnh giao). Sở KH&ĐT đang chủ trì tổ chức xác minh, làm rõ để đề xuất biện pháp xử lý theo quy định”. Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Kạn cũng trình bày hết sức ngắn gọn về công tác giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm về đấu thầu: “Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát sinh 1 đơn kiến nghị liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu. Nội dung kiến nghị đã được chủ đầu tư xem xét, giải quyết theo quy định”…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận