Nhiều doanh nghiệp xin đầu tư, vì sao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu lại chọn đầu tư công?
Hàng loạt doanh nghiệp xin được đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo hình thức BOT nhưng Bộ Giao thông Vận tải lo dự án sẽ chậm tiến độ, không kịp đưa vào khai thác đồng bộ với các công trình hạ tầng khác ở năm 2025 nên xin chuyển qua đầu tư công.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Hồi cuối tháng 3, Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) đã có 2 văn bản xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Cụ thể, trong văn bản 26/LD DIC-HIMLAM, DIC thay mặt cho liên danh DIC-Công ty CP Him Lam gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư xin được chỉ định làm tổng thầu xây lắp đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Trong liên danh này, DIC sẽ làm thành viên đứng đầu liên danh.
Nếu được Thủ tướng giao làm tổng thầu dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng tàu, hai đơn vị này thống nhất cùng đảm nhận thi công và hoàn thiện 50% giá trị công trình. Hai bên cũng cam kết không được chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm theo thỏa thuận liên danh cho thành viên thứ ba nếu chưa có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong liên danh.
Liên danh DIC-Him Lam xin rút ngắn tiến độ dự án ít nhất 3 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu, nhưng không bao gồm chi phí dự phòng. Theo DIC, liên danh này đã làm việc với các tổ chức tín dụng như Sacombank, LienVietPostBank để hỗ trợ tăng tính chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn thi công công trình.
Cũng gần như cùng lúc, DIC lại tiếp tục thay mặt cho liên danh DIC-Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ký văn bản số 16/LD DIC-HBC gửi Thủ tướng xin được giao làm tổng thầu xây lắp dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Liên danh DIC-HBC cũng cam kết rút ngắn tiến độ dự án từ 3-6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu, nhưng không bao gồm chi phí dự phòng.
Trước đó, vào ngày 15/3, liên danh nhà đầu tư CIENCO 6 - COTECCONS - Thuận Việt - Tân Thành đã gửi văn bản đề nghị được giao đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức BOT.
Liên danh này cho biết đã nghiên cứu tính khả thi của dự án và đã thu xếp nguồn vốn để có thể thực hiện theo phương thức PPP. Họ cam kết sẽ góp 5.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu cho dự án (tương đương 40% phần vốn BOT), đồng thời huy động vốn ngân hàng 3.000 tỷ đồng (30%). Ngoài ra, khoảng 3.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ hình thức trái phiếu dự án.
Liên danh nhà đầu tư cam kết triển khai dự án đúng tiến độ và đưa vào khai thác trong năm 2025 nếu được Chính phủ và các bộ ngành cho phép triển khai đầu tư.
Vì sao chọn đầu tư công?
Trước đó, ngày 23/9/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức BOT với tổng vốn 19.616 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư huy động 12.987 tỷ đồng và vốn góp của Nhà nước là 6.629 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương triển khai dự án này theo hình thức đầu tư công tại kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 và thông báo số 15-TB/TW ngày 27/4.
Nguyên nhân chuyển dự án sang phương thức đầu tư công là vì những bất cập trong việc triển khai các dự án BOT thời gian qua. Việc chuyển đổi dự án sang đầu tư công cũng để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ đã trình Quốc hội phương án đầu tư dự án bằng vốn ngân sách. Sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận có nhà đầu tư quan tâm và kiến nghị được giao thực hiện dự án theo hình thức BOT. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng hình thức giao thầu không có trong quy định pháp luật; việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với liên danh nhà đầu tư này để cung cấp thông tin về tính cấp thiết của dự án, các quy định pháp luật triển khai theo phương thức đối tác công tư.
Trường hợp tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải tính toán sớm nhất tháng 3/2024 mới có thể khởi công dự án; trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt (tài chính và kinh nghiệm) và thu xếp tín dụng thành công thì đến năm 2026 mới có thể cơ bản hoàn thành.
Đánh giá sơ bộ tiến độ đầu tư theo phương thức BOT, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định phương thức này khó đáp ứng tính cấp thiết đầu tư của dự án. Do đó, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án đầu tư dự án bằng vốn ngân sách. Sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước.
Giải thích kỹ hơn về tính cấp thiết của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông Vận tải nhận định thời hạn hoàn thành dự án này có mối ràng buộc mật thiết với một loạt dự án hẹn về đích vào năm 2025.
Cụ thể, khi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2025, sẽ cần có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối vận tải hành khách và hàng hóa đến sân bay. Ngoài ra, trục cao tốc Bắc - Nam hứa hẹn hoàn thành vào năm 2025 cũng cần kết nối với 12,6 km đi trùng dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.
Với áp lực nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định chỉ có đầu tư bằng vốn ngân sách thì cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới kịp về đích vào năm 2025. Nhà nước sẽ không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công của dự án nếu đầu tư BOT.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km. Dự án có điểm đầu tại vị trí giao cắt với quốc lộ 1 tránh TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại vị trí giao cắt với quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án được xây dựng theo quy mô 4-6 làn xe cao tốc. Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận