24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Chinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều doanh nghiệp Việt đang “rơi” vào tay nhà đầu tư nước ngoài

Dịch Covid-19 kéo dài sẽ khiến việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ là cận kề.     

Doanh nghiệp lao đao vì Covid-19

Mặc dù nền kinh tế đang dần phục hồi nhưng thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trong khối SME (vừa và nhỏ) - khối chiếm tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp cả nước, đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2020, có 32,7 nghìn doanh nghiệp tạm dừng có thời hạn và hơn 30 nghìn doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động để làm hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể.Trong đó, số lượng doanh nghiệp có quy mô dưới 10 tỷ đồng là hơn 8 nghìn. Lĩnh vực bán lẻ, công nghiệp chế biến và xây dựng chiếm đa số.

Tính riêng tại khu vực TP Hồ Chí Minh có hơn 21.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Việc này dẫn tới thị trường mất hơn 12.000 tỷ đồng và hàng chục nghìn người lao động lâm vào tình trạng thất nghiệp cũng như nhiều hệ quả kinh tế - xã hội khác.

Trong các khối ngành, ngành du lịch khách sạn và bất động sản là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch .Ế khách, kinh doanh thua lỗ, buộc phải rao bán là tình trạng chung của rất nhiều khách sạn thời điểm này.

Nếu như ở đợt dịch lần trước, chủ yếu vẫn là khách sạn nhỏ 2-3 sao phải rao bán thì vào thời điểm này, rất nhiều phân khúc khách sạn hạng sang cũng đã phải “chịu chung số phận”.

Gần nhất, Ngân hàng BIDV vừa có thông báo đấu giá một tổ hợp khách sạn hội nghị, nhà hàng, tiệc cưới tiêu chuẩn 4 sao tại quận 7, TP Hồ Chí Minh với mức giá hơn 377 tỉ đồng. Mức giá này đã giảm hơn 163 tỉ đồng so với giá rao bán thời điểm cuối năm 2019.

Một khách sạn năm sao có tiếng ở Nha Trang cũng được chào giá 1.500 tỉ đồng, giảm khoảng 10% so với lần rao bán trước. Còn tại Phú Quốc có những khách sạn khu trung tâm cũng rao bán, giảm khoảng 15% so với giá rao ban đầu.

Theo thống kê của sàn rao vặt Chợ Tốt Nhà, nhu cầu bán và sang nhượng khách sạn tăng 63% trong 3 tháng trở lại đây so với quí 1. Trong đó, giá rao bán khách sạn tại các quận trung tâm như quận 1, quận 3, Phú Nhuận dao động trong khoảng 20-30 tỉ đồng, giá sang nhượng từ 60-90 triệu đồng (không tính tiền thuê và tiền cọc mặt bằng).

Kể từ đầu năm 2020 tới nay đã chứng kiến một làn sóng thanh lý tài sản của các ngân hàng để thu hồi nợ, từ những ngân hàng tầm trung cho đến các ngân hàng lớn. VietinBank, BIDV, Sacombank, SCB... liên tục thông báo bán nhiều bất động sản bảo đảm với giá từ vài tỷ đến cả trăm tỷ đồng.

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là ngành kinh doanh bất động sản khá lớn, với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu thống kê trên cho thấy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.

Theo thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của nhiều doanh nghiệp bất động sản giao dịch trên sàn chứng khoán cho thấy, không ít doanh nghiệp có sự tăng trưởng về lợi nhuận nhưng lại có dòng tiền kinh doanh âm.

Báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng lưu ý đến kịch bản “làn sóng thứ hai” của dịch Covid-19 sẽ khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn hơn về dòng tiền nếu việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn lại, hoặc nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.

Cơ hội “vàng” cho các quỹ đầu tư

Dù dịch Covid-19 vẫn đang tác động mạnh mẽ nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận sự gia tăng về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đáng chú ý những tháng gần đây số lượng các quỹ đầu tư tư nhân (PE) vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng tăng lên.

Nhiều doanh nghiệp Việt  đang “rơi” vào tay nhà đầu tư  nước ngoài

Biểu đồ số lượng thương vụ đầu tư 6 tháng đầu năm 2020. Nguồn: Grant Thorton

Theo báo cáo của Tập đoàn tư vấn doanh nghiệp Grant Thorton, bất chấp tình hình khó khăn với việc hạn chế di chuyển, đóng cửa biên giới ở một số quốc gia, số lượng các giao dịch PE trong 6 tháng đầu năm 2020 không hề thuyên giảm, mà vẫn đạt trên 50% tổng số lượng giao dịch của năm 2019 (55 giao dịch trong 6 tháng 2020 so với 107 giao dịch trong cả năm 2019).Hơn nữa, giá trị các giao dịch trong 6 tháng 2020 đã vượt xa, hơn gấp đôi con số tổng giao dịch của năm 2019.

Trong các nhóm ngành, các nhóm ngành năng lượng, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, công nghệ và truyền thông, dịch vụ tài chính và sản xuất là những nhóm ngành hấp dẫn nhà đầu tư hơn cả.

Nhóm ngành năng lượng tái tạo tăng trưởng ấn tượng nhất với mức 2.394% dù chỉ với 1 thương vụ. Tiếp theo là các nhóm bất động sản, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, dịch vụ tài chính với mức tăng trưởng lần lượt là 1.444%, 11.385 và 318%.Sự thay đổi về giá trị đầu tư của 2 nhóm ngành bán lẻ và sản xuất rất đáng lưu ý, do giá trị đầu tư đều đạt hàng trăm triệu USD.

“Những con số trên đã thể hiện phần nào phản ứng của nhà đầu tư trước tiềm năng của thị trường Việt Nam và có thể đây sẽ là khởi đầu cho xu hướng dòng FDI về sau”, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó Tổng giám đốc - Giám đốc Tư vấn doanh nghiệp, Grant Thorton cho biết.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, thị trường khách sạn hạng sang Việt Nam được đánh giá vẫn tiềm năng với các nhà đầu tư quốc tế. TP. Hồ Chí Minh là một trong những thị trường được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, trong đó các phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn chịu thiệt hại nặng nhất. Chủ những bất động sản này sử dụng đòn bẩy tài chính cao nên khi làm ăn kém sẽ không chịu nổi gánh nặng nợ, dẫn đến phải chuyển nhượng.

“Trong cơ chế thị trường, khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác. Các hoạt động mua bán, sáp nhập vì thế sẽ trở nên sôi động dù thời điểm này đó vẫn là những cơn sóng ngầm” - TS Khương cho hay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ. Đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có khả năng tạo nền tảng cho sản xuất kinh doanh của một số ngành kinh tế quan trọng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả